Nỗ lực giải quyết tồn đọng chính sách người có công

Những năm qua, Hà Nam đã nỗ lực thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Vì vậy đòi hỏi các ngành chức năng nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tập trung giải quyết những tồn đọng chính sách, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong cộng đồng.

Cách đây 10 năm, nhằm giải quyết hồ sơ NCC còn tồn đọng qua các thời kỳ, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23/CT-TTg về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 trên phạm vi cả nước. “Lần đầu tiên, việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC được rà soát trên một phạm vi lớn, với nhiều đối tượng cùng một lúc nhằm đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với NCC. Qua đây nhằm phát hiện những tồn đọng cần giải quyết trong công tác NCC, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân về việc thụ hưởng chính sách ưu đãi. Hà Nam coi đây là cơ hội để giải quyết mọi tồn đọng hồ sơ NCC” – Ông Trần Hồng Nga, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh,  nguyên Trưởng Ban chỉ đạo cuộc tổng rà soát chính sách ưu đãi NCC với cách mạng trong 2 năm 2014-2015 tỉnh Hà Nam khẳng định.

Theo kết quả, trong số 34.902 người được rà soát thuộc 7 nhóm đối tượng NCC với cách mạng, có 34.847 người được hưởng đúng chế độ, 39 người hưởng chế độ ưu đãi chưa đầy đủ, 16 người hưởng sai chế độ ưu đãi, 115 trường hợp đề nghị xem xét hưởng chế độ, trong đó 40 trường hợp liệt sỹ, 42 trường hợp đề nghị thương binh, 4 trường hợp đề nghị bệnh binh, 14 trường hợp thanh niên xung phong, 1 trường hợp thờ cúng liệt sỹ, 2 trường hợp hoạt động kháng chiến...

Bà Tạ Thị Hoán, Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh chia sẻ: Thời điểm Hà Nam thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ, trong số 17 nghìn TNXP Hà Nam, chỉ có 1.461 trường hợp nằm trong vùng rà soát. Vẫn biết anh em làm cán bộ chính sách của tỉnh đã rất cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình, chỉ có điều, quá nhiều cựu TNXP khi đó đã đánh mất giấy tờ, việc giải quyết chế độ cho đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực giải quyết tồn đọng chính sách người có công
Mẹ Việt Nam Anh hùng Vũ Thị Đam (xã Yên Nam, Duy Tiên) trò chuyện với cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị nhận phụng dưỡng mẹ suốt đời. Ảnh: Uyên Giang

 Sau khi báo cáo kết quả rà soát, ngành lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh đã phối hợp với các địa phương bắt tay ngay vào việc lập danh sách đối tượng, xác minh hồ sơ, kiểm tra, phân loại để nhanh chóng giải quyết tồn đọng về chính sách. Nhiều vấn đề phát sinh, vướng mắc được bộc lộ trong quá trình giải quyết hồ sơ tồn đọng khi đó.

Ông Phạm Bá Chức, nguyên Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thành phố Phủ Lý cho biết: Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có những chính sách quan tâm đến người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, nhưng trong chính sách với đối tượng này thời điểm đó còn khó khăn, vướng mắc do sự thiếu đồng bộ trong các văn bản hướng dẫn, gây ách tắc trong khâu lập hồ sơ cũng như giấy tờ chứng minh thời gian và các bệnh mắc phải theo quy định của Bộ Y tế. Thêm vào đó, việc chuyển hồ sơ giám định y khoa để xác định mắc bệnh rất chậm... Trong số những quy định về hưởng chế độ trợ cấp đối với người nhiễm chất độc hóa học, thế hệ thứ 3 chưa có quy định hưởng chế độ này. Cả tỉnh bấy giờ có trên 5.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ trợ cấp, hơn 500 người là thế hệ thứ 3 chưa được hưởng chế độ. Đấy mới chỉ là một trong số 12 loại đối tượng  NCC. Hàng trăm văn bản ưu đãi xã hội đối với NCC ra đời từ năm 1986 đến nay dù đã cơ bản giải quyết tốt chế độ chính sách đối với NCC với cách mạng, nhưng rõ ràng sự bất cập trong triển khai thực hiện các quyết định về chính sách NCC vẫn tồn tại một số vướng mắc khiến nhiều NCC chưa được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi.

Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng. Hà Nam cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có cơ sở để giải quyết căn bản hồ sơ còn tồn đọng. Theo ông Đào Tiến Hùng, Phó Trưởng phòng NCC, Sở LĐ,TB&XH, đến thời điểm này, Hà Nam không còn hồ sơ tồn đọng chính sách NCC, là địa phương được Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao về nỗ lực giải quyết tồn đọng chính sách NCC. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách, ở các địa phương trong tỉnh vẫn nảy sinh  vướng mắc. Nhiều đối tượng không còn lưu giữ đầy đủ hồ sơ, làm thất lạc giấy tờ liên quan.

Thêm nữa, đội ngũ những người làm công tác NCC ở cấp xã thường xuyên thay đổi, điều chuyển vị trí công tác nên việc nắm bắt các quy định pháp luật, đối tượng và giải quyết chính sách có nơi chưa kịp thời. Có đơn vị, việc quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách đối với NCC chưa được quan tâm đúng mức. Chẳng hạn, việc triển khai thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng, huyện Bình Lục có 1.133 trường hợp được phê duyệt hỗ trợ với tổng kinh phí 28,980 tỷ đồng, trong đó có 316 căn xây mới, 817 căn sửa chữa. Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện, Bình Lục có 326 nhà đã chuyển đổi từ sửa chữa sang xây mới với kinh phí 6,520 tỷ đồng chưa được hỗ trợ kinh phí. Đây chính là vấn đề tồn tại của Bình Lục và cử tri có ý kiến trong mỗi kỳ tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp. UBND huyện Bình Lục đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan về việc xin được phê duyệt bổ sung nguồn kinh phí hoàn trả cho 326 hộ dân đã làm nhà. Ngày 1/6/2022, UBND tỉnh ra Văn bản số 1403 về việc thực hiện Kết luận của Thường trực HĐND tỉnh tại phiên giải trình tháng 5/2022, theo đó: Yêu cầu Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ NCC về nhà ở; Sở Tài chính hướng dẫn, đôn đốc UBND huyện, thị xã, thành phố quyết toán nguồn kinh phí đã được hỗ trợ  để có căn cứ tham mưu với UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho huyện Bình Lục chi trả cho 326 hộ phát sinh. Đến nay, những tồn tại này đã được giải quyết.

Theo ông Bùi Văn Việt,  Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Lục, đến thời điểm này có trên 1.400 văn bản liên quan đến chính sách NCC được ban hành, bổ sung và hoàn thiện. Con số này đã góp phần khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đặc biệt quan tâm tri ân những người đã hi sinh vì nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Chính sách ưu đãi NCC luôn là chính sách trọng điểm, chính sách ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội ở nước ta. Nếu chúng ta thực hiện quy trình lỏng lẻo thì chắc chắn việc lạm dụng, gian lận trong chính sách sẽ xảy ra. Nhưng nếu quá chặt chẽ về quy trình, thủ tục mà không căn cứ vào người thật, việc thật thì sẽ khiến một bộ phận NCC thiếu hồ sơ, thủ tục gặp khó khăn trong việc thụ hưởng chính sách.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy