Thời gian qua, cùng với việc tuyên truyền vận động hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường (BVMT), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Hòa Mạc (Duy Tiên) đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ bằng nuôi giun trùn quế” góp phần đáng kể vào công tác BVMT tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoắt, tổ dân phố số 1, thị trấn Hòa Mạc (Duy Tiên) đang “Xử lý rác thải hữu cơ bằng nuôi giun trùn quế”.
Là một trong những hộ đầu tiên của thị trấn Hòa Mạc được tập huấn triển khai mô hình này, bà Nguyễn Thị Kim Thoắt, tổ dân phố số 1, thị trấn Hòa Mạc cho biết: Từ khi được Hội LHPN thị trấn triển khai mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ bằng nuôi giun trùn quế” mọi thành viên trong gia đình tôi đều hưởng ứng tích cực. Thực hiện mô hình này rất đơn giản, sạch sẽ, không gây hôi thối, lượng phân thải ra rất tốt cho cây trồng.
Bà Kiều Thị Hoan, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hòa Mạc cho biết: Mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ bằng nuôi giun trùn quế” được Hội LHPN thị trấn triển khai từ đầu tháng 3/2019. Tham gia mô hình có 12 hộ hội viên phụ nữ tổ dân phố số 1 được tham dự các lớp tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường trong sản xuất, sinh hoạt hằng ngày; hướng dẫn người dân cách thu gom, phân loại rác. Ngoài ra, Hội LHPN thị trấn còn tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý vỏ chai, lọ, bao bì đúng nơi quy định. Từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp…
Quy trình xử lý rác theo mô hình “Xử lý rác thải hữu cơ bằng nuôi giun trùn quế” tại gia đình rất đơn giản, người dân chỉ cần trang bị một thùng xốp có diện tích khoảng 0,5 m2, có thể thả tương đương 10 kg trùn sinh khối và nuôi, tuy nhiên trước khi thả vào nuôi cần chuẩn bị: thùng xốp, cát xây dựng, lưới mùng, sinh khối, thức ăn rau, củ, quả, cám, nước sạch. Dùng dao nhọn khoét một lỗ nhỏ bên hông thùng xốp, cách đáy 2cm, đổ cát vào thùng xốp cao 5cm, trải một lớp lưới mùng trên cát, thả vào 10kg sinh khối, các rau, củ, quả thải ra cho vào và tưới cám pha nước hoặc phân động vật đã ủ. Nắp đậy được khoét nhiều rãnh bên trên để tạo sự thông thoáng cho ô nuôi và có thể tránh động vật khác vào. Mỗi ngày tưới khoảng 0,5 lít nước cho ô nuôi. Cứ thế rác thải sẽ được các loại vi sinh vật phân hủy thành phân hữu cơ có lợi khi bón cho cây trồng.
Qua thực tế được hướng dẫn, kiểm tra về mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng nuôi giun trùn quế thực sự rất hiệu quả. Trung bình một ngày mỗi gia đình thải ra khoảng 1,5 kg rác thải hữu cơ, một tháng một hộ thải ra 45 kg. Như vậy, cứ 10 gia đình hội viên tham gia mô hình, mỗi tháng sẽ góp phần xử lý được 450 kg rác thải hữu cơ ra môi trường.
Cũng theo bà Kiều Thị Hoan, việc áp dụng “Xử lý rác thải hữu cơ bằng nuôi giun trùn quế ” tại hộ gia đình góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng các thành phần có ích trong rác để tạo các sản phẩm mới dưới dạng vật chất hoặc năng lượng phục vụ cho sản xuất, đồng thời làm sạch môi trường sinh thái, nâng cao ý thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống, phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán sinh hoạt của người dân và đạt được những hiệu quả tích cực.
Thời gian tới, Hội LHPN thị trấn Hòa Mạc sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân về cách phân loại và quy trình xử lý rác thải, nhân rộng mô hình này. Đây là giải pháp dễ thực hiện vì chi phí thấp và nêu cao ý thức trách nhiệm của mỗi gia đình cũng như các đoàn thể ở cơ sở trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Xuân Tuân
Xuân Tuân