Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) và hội nhập quốc tế, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh những năm qua có chuyển biến tích cực. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) về công tác ATVSLĐ nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ vẫn còn những khó khăn, thách thức. Phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xung quanh tình hình ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua và giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế để công tác ATVSLĐ đáp ứng tốt hơn yêu cầu thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH.

P.V: Bà có thể đánh giá những chuyển biến trong công tác ATVSLĐ thời gian qua?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ có sự chuyển biến tích cực. Lực lượng cán bộ làm công tác ATVSLĐ từ tỉnh đến cơ sở và các tổ chức, doanh nghiệp đã nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật về ATVSLĐ; từng bước nắm vững, nhận thức rõ về mục tiêu, hoạt động của công tác ATVSLĐ trong quá trình CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động, NLĐ trong việc bảo đảm ATVSLĐ từng bước được nâng lên; tích cực phối hợp triển khai các chương trình, kế hoạch về ATVSLĐ.

Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH An Phát, xã Liêm Cần, Thanh Liêm. 
Ảnh: Hải Yến

Việc thực hiện cơ chế, chính sách, các quy định về ATVSLĐ có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là các doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhìn chung, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc xây dựng kế hoạch hằng năm về công tác ATLĐ gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị. Thành lập Hội đồng ATVSLĐ hoặc bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ chuyên trách và bán chuyên trách. Thành lập mạng lưới ATVSLĐ, bố trí cán bộ y tế và trang bị một số loại thuốc, thiết bị y tế thông thường hoặc ký kết với đơn vị y tế. Xây dựng nội quy lao động, quy trình vận hành an toàn, làm việc an toàn đối với từng loại công việc và từng loại máy, thiết bị; kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ...

Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, tự kiểm tra công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc, thống kê, báo cáo định kỳ về ATVSLĐ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; lập hồ sơ theo dõi sức khỏe NLĐ. Thực hiện quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi đối với lao động làm nghề, công việc, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; quản lý công tác phòng cháy chữa cháy.

Công tác thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATVSLĐ đã triển khai nghiêm túc từ cấp tỉnh đến cấp huyện; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo hướng liên ngành, liên cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp; kịp thời phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Giai đoạn 2013 đến tháng 6/2023, đã có 464 cuộc thanh tra về pháp luật lao động, ATVSLĐ với tổng số 1.544 kiến nghị; số doanh nghiệp xử lý vi phạm là 15 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 669.664.500 đồng.

P.V: Tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng công tác ATVSLĐ cũng còn những tồn tại, khó khăn không nhỏ, vẫn có các vụ TNLĐ xảy ra. Bà có thể cho biết rõ hơn?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Dù công tác ATVSLĐ đã được quan tâm, có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn có các vụ TNLĐ, người mắc bệnh nghề nghiệp. Dẫn đến điều này có nhiều nguyên nhân. Đó là công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về ATVSLĐ còn hạn chế, có lúc còn chưa kịp thời, nhất là đối với các doanh nghiệp mới thành lập. Cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ tại địa phương phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên nghiệp vụ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quản lý Nhà nước về việc thực hiện các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và các chính sách khác đối với NLĐ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động trong ngành xây dựng, giao thông do lao động thường xuyên biến động, chủ yếu là lao động theo hợp đồng thời vụ. Công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ đối với các hộ kinh doanh cá thể, cá nhân, NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động còn chưa chặt chẽ. Một số doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, khám sức khoẻ định kỳ cho NLĐ, chưa thực hiện quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, lập phương án, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân và thực hiện chế độ, quyền lợi đối với NLĐ... Việc thực hiện ATVSLĐ ở một số doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ…

Từ năm 2013 đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 186 vụ TNLĐ với 190 nạn nhân, trong đó có 97 vụ gây chết người, làm 101 người chết, 89 người bị thương nặng. Các vụ tai nạn chủ yếu là tai nạn giao thông (bị tai nạn trong quá trình đi đến, hoặc về từ nơi làm việc) với 129 vụ (chiếm 70% về số vụ) làm 48 người bị chết (chiếm 47,6% về số người bị chết do TNLĐ).

Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Set Vina, KCN Châu Sơn, TP Phủ Lý.
Ảnh: Hoàng Hải

Về bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động đã có quan tâm bảo vệ sức khỏe NLĐ. Tỷ lệ NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp so với người được khám bệnh nghề nghiệp có xu hướng giảm. Tính từ năm 2013 đến tháng 6/2023, số người mắc bệnh nghề nghiệp được giải quyết chế độ theo đúng quy định là 27 người. Các nhóm bệnh khám chủ yếu là viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh bụi phổi nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc nghề nghiệp, bệnh viêm da nghề nghiệp, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, viêm gan B nghề nghiệp... Thông qua việc khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp đã sớm phát hiện và đưa đi điều trị kịp thời những bệnh nhân mắc các bệnh cấp tính. Tuy nhiên, việc thực hiện khám sức khỏe để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp mới chỉ tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp lớn và các ngành nghề có nhiều yếu tố nguy cơ như dệt may, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất lắp ráp linh kiện điện tử, xăng dầu, y tế.

P.V: Thời gian tới hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh, số doanh nghiệp tiếp tục tăng, dự báo vấn đề ATVSLĐ tiếp tục có nhiều thách thức. Vậy cần những giải pháp nào để hạn chế thấp nhất các vụ TNLĐ cũng như NLĐ bị mắc bệnh nghề nghiệp, thưa bà?

Bà Lê Thị Thu Hằng: Đến năm 2025, dự kiến số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn toàn tỉnh khoảng trên 10.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp tại tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi ý thức chấp hành pháp luật của cả người sử dụng lao động và NLĐ còn hạn chế dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn về TNLĐ ngày càng gia tăng. Trong thời kỳ CNH-HĐH và cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ sản xuất cũng dần được thay thế, đổi mới, đã giúp tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng môi trường lao động. Tuy nhiên, NLĐ cần phải làm chủ đối với các máy móc, thiết bị hiện đại, tiếp xúc các yếu tố độc hại nguy hiểm mới, nếu không dễ dẫn đến nguy cơ mất ATLĐ. Đây là thách thức trong công tác quản lý ATVSLĐ của nước ta nói chung và của tỉnh nói riêng.

Đẩy mạnh công tác an toàn lao động thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, để không xảy ra các vụ TNLĐ, NLĐ không bị mắc bệnh nghề nghiệp cần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động, NLĐ trong việc thực hiện chính sách ATVSLĐ phù hợp với cơ chế thị trường và sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ; chú trọng phân nhóm đối tượng để huấn luyện, nhất là đối với cán bộ, công nhân kỹ thuật, chỉ huy điều hành sản xuất cấp công trường, phân xưởng; huy động tối đa các nguồn lực xã hội để phát triển các dịch vụ trong công tác ATVSLĐ. Tăng cường quản lý sức khỏe nghề nghiệp và quản lý các yếu tố có hại; cải thiện môi trường, điều kiện lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động môi trường lao động trong tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời phát hiện các yếu tố có hại đến sức khỏe NLĐ, từng bước kiểm soát tốt môi trường lao động. Tăng cường năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh. Rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước, nhất là bộ phận thanh tra nhằm đáp ứng yêu cầu công tác ATVSLĐ trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

P.V: Xin cảm ơn bà!

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy