Tăng giờ làm thêm phải đi đôi với phúc lợi người lao động

Theo đánh giá của ông Trần Xuân Kha, Trưởng Ban chính sách-quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh, làm thêm giờ không phải vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề “nóng” trong quan hệ lao động.

Tìm hiểu thực tế, doanh nghiệp, NLĐ đều đồng tình với việc tăng giờ làm thêm. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, công nhân Công ty TNHH Dream Plastic, TP Phủ Lý cho biết: Đời sống của công nhân lao động còn nhiều khó khăn, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng nếu không tăng ca chúng tôi không đủ khả năng để trang trải cuộc sống. Hiện, lương chính của công ty đạt khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca khoảng 3-4 tiếng có thể đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng. Cũng là công đi làm nên làm dấn thêm một chút, có thêm thu nhập sẽ tốt hơn.

Tăng giờ làm thêm phải đi đôi với phúc lợi người lao động
Công nhân làm việc tại Nhà máy Tân Á Hà Nam thuộc Tập đoàn Tân Á Đại Thành.

Có thể nói, quy định tăng giờ làm giúp doanh nghiệp tận dụng nhân lực đang có, trong khi NLĐ phấn khởi vì tăng thu nhập. Ông Ngô Hải Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Kim Bình, TP Phủ Lý cho biết: Hiện tại công nhân tăng ca ở công ty được phục vụ bữa ăn phụ và bảo đảm đầy đủ quy định về tiền lương làm thêm, giờ làm thêm. Nhu cầu làm thêm của mỗi người là khác nhau, nhưng sau một năm dịch bệnh kéo dài, phần đông NLĐ đều muốn tăng ca để cải thiện thu nhập. Công ty muốn tăng giờ làm thêm không phải vì lợi nhuận hay mở rộng nhà xưởng mà để bảo đảm tiến độ đơn hàng vì có nhiều đơn hàng gấp nên NLĐ rất chia sẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nào thì giờ làm thêm vẫn phải được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của NLĐ và chủ sử dụng lao động; bảo đảm sức khỏe cho NLĐ. Công đoàn sẽ luôn sát sao để kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp cân nhắc các chính sách, chế độ bảo đảm quyền lợi cho NLĐ khi làm thêm giờ.

Theo Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH 15 vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, số giờ làm thêm của người lao động (NLĐ) trong 1 tháng được nâng lên trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ và trong 1 năm là trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ. Đây được đánh giá là quyết sách phù hợp và kịp thời ở thời điểm hiện tại để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, NLĐ có việc làm và thêm thu nhập, ổn định cuộc sống sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. 

Tăng giờ làm thêm là mong muốn chung của NLĐ để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thực tế hiện nay, nhiều NLĐ đang làm việc từ 10-12 giờ/ngày. Là thanh niên, chưa lập gia đình, sức khỏe khá dẻo dai, anh Lê Văn Công, đang làm việc tại một doanh nghiệp thuộc KCN Châu Sơn chia sẻ: Tôi không ngại chuyện làm thêm giờ. Tuy nhiên, cũng phải ở mức độ vừa phải để có thời gian nghỉ ngơi. Trong 2 - 3 tiếng làm thêm cuối ngày, tôi nhận mức lương cao gấp rưỡi (150%) so với lương cho 8 giờ làm chính thức trong ngày và thêm bữa ăn phụ; bình quân khoảng 1,5-2 triệu đồng/tháng. Phần lớn NLĐ tại công ty đều làm tăng ca 5 buổi/tuần. Làm thêm thì có thêm thu nhập, song đổi lại tôi không có nhiều thời gian cho các hoạt động giải trí, rèn luyện thể thao. Nếu thời gian làm tăng giờ kéo dài chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong khi đó, nhìn nhận tăng giờ làm thêm dưới góc độ quản lý doanh nghiệp, ông Phạm Hải Tiến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Eco, KCN Đồng Văn IV cho biết: Quan điểm của doanh nghiệp quan trọng nhất vẫn là sức khỏe của NLĐ. Tăng giờ làm thêm là chủ trương đúng đắn, song không phải là yếu tố chính để tăng năng suất lao động. Bởi để tăng năng suất lao động, doanh nghiệp cần đào tạo nhiều kỹ năng cho NLĐ giúp họ nâng cao kiến thức, tay nghề và thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng đó như là bản năng, khi đó công việc của NLĐ sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều. Một yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất công việc là doanh nghiệp phải chăm lo tốt sức khỏe cho NLĐ, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, thường xuyên cải thiện môi trường làm việc, tạo cảm giác thoải mái, an tâm cho NLĐ khi làm việc. Hiện, công ty vẫn đang áp dụng chế độ làm 8 tiếng/ngày cho NLĐ, thu nhập bình quân đạt 6-8 triệu đồng/tháng.

Xác định NLĐ là tài sản lớn nhất nên nhiều doanh nghiệp đã có các chính sách thể hiện sự quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho NLĐ. Điển hình như tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Đồng Văn II, đối với NLĐ làm thêm giờ sẽ được cung cấp thêm một suất ăn phụ. Giá trị suất ăn phụ dựa trên thời gian NLĐ làm thêm. NLĐ làm ca đêm được hưởng phụ cấp 50.000 đồng/đêm. Hay tại Công ty TNHH Eidai Việt Nam, KCN Đồng Văn II, trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của công việc, NLĐ làm thêm giờ phải đăng ký với cán bộ quản lý trực tiếp để được duyệt theo quy định của công ty và làm căn cứ tính thời gian làm thêm cho NLĐ. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm được quy định chi tiết tại bản thỏa ước lao động tập thể của công ty…

Theo đánh giá của ông Trần Xuân Kha, Trưởng Ban chính sách-quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh, làm thêm giờ không phải vấn đề mới nhưng luôn là vấn đề “nóng” trong quan hệ lao động. Qua khảo sát, phần lớn doanh nghiệp và NLĐ đều đồng tình với chủ trương tăng giờ làm thêm. Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình phục hồi nền kinh tế, song bên cạnh đó cần phải chú ý đến vấn đề sức khỏe, chất lượng cuộc sống của NLĐ. Để bảo đảm quyền lợi của NLĐ khi điều chỉnh thời gian làm thêm giờ, nghị quyết đã quy định ngoài việc trả lương làm thêm giờ bằng 150-300% theo quy định của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động. Đây sẽ là căn cứ để công đoàn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ khi phải làm thêm giờ. 

Tuy nhiên, để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, cùng với tăng giờ làm thêm theo quy định, các doanh nghiệp cần có những chính sách thu hút, tuyển dụng, đào tạo lao động; đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, chú trọng cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp; tổ chức các hoạt động du lịch, hội thi, giải thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ… Khi các chế độ, chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp khiến NLĐ hài lòng sẽ giúp họ yên tâm gắn bó, đồng hành và nỗ lực cống hiến cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy