Xu hướng rời làng lên phố kiếm việc làm đối với thanh niên bấy lâu nay không phải là chuyện mới. Thế nhưng, trong số những thanh niên có khát vọng làm giàu ấy, có nhiều người đã lựa chọn trở lại quê hương lập nghiệp. Và, không ít người đã thành công.
Nguyễn Văn Quyền, sinh năm 1985 ở làng dệt lụa Nha Xá nổi tiếng của Hà Nam. Quyền học xây dựng, ở lại Hà Nội làm vài năm, sau đó quyết định trở về làng làm kinh doanh về lụa. Lý do Quyền đưa ra quyết định thật đơn giản, vì bản thân sinh ra từ làng dệt, lớn lên nhờ sự tần tảo làm nghề của cha mẹ, giờ muốn thay cha mẹ tiếp nối công việc này để gìn giữ và đưa sản phẩm dệt lụa đi xa hơn. Quyền cùng với một người bạn học là Đinh Quý Phú, quê ở Nam Định thành lập Công ty cổ phần Lụa Nha Xá (Nhaxasilk) vào năm 2016, chuyên cung cấp và phân phối các dòng sản phẩm vải lụa tơ tằm truyền thống Nha Xá.
Lợi thế lớn nhất của Quyền chính là sự ủng hộ của cả gia đình. Sản phẩm lụa Nha Xá đã và đang nức tiếng trên thị trường. Vừa sản xuất, vừa kinh doanh, bước đầu gặp phải những khó khăn nhất định, nhưng Quyền luôn tin vào quyết định của mình. Đặc biệt, Quyền luôn nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dệt nhuộm. PGS,TS Hoàng Thị Lĩnh, nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong số những người đã giúp đỡ Quyền rất nhiều trong việc hỗ trợ định hướng sản phẩm và ứng dụng sản phẩm tự nhiên. Bởi thế, sản phẩm lụa của công ty luôn đa dạng về màu sắc, chất lượng, an toàn, 100% hữu cơ, có sự khác biệt với các dòng sản phẩm truyền thống trước đó.
Hay như thanh niên Khổng Quang Toản, sinh năm 1990, quê ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Toản ở lại trường 1 năm để trải nghiệm thực tế. Năm 2013, Toản quyết định trở về quê lập nghiệp từ mảnh vườn nhà 100m2, với số vốn đầu tư ban đầu 50 triệu đồng. Anh làm nhà màn, trồng các loại hoa thị trường đang thịnh hành khi đó, như: dạ yến thảo, cẩm chướng trên chậu treo. Trong vòng 5 tháng, Toản thu về 70 triệu đồng, trừ chi phí lãi 20 triệu đồng. Toản quyết định mua thêm đất để mở rộng mô hình này. Đến giờ, vườn hoa, cây cảnh của Khổng Quang Toản rộng thêm hơn 1,5 mẫu, vốn liếng đầu tư cũng lên tới 1,3 tỷ đồng. Ngoài cây ngắn ngày, Toản còn trồng và kinh doanh thêm các loại cây dài ngày như cây công trình, cây bóng mát. Mỗi năm, tiền bán hoa, cây cảnh mà Toản thu về cũng được gần 800 triệu đồng. Trừ chi phí còn khoảng gần 400 triệu đồng. Khổng Quang Toản nói: “Tôi chọn học nông nghiệp là để trở lại quê hương lập nghiệp từ đồng đất làng mình. Kiến thức mình học được cần được vận dụng vào cuộc sống thực tế. Tôi không mơ ước viển vông ở những chân trời xa xôi, về làng làm giàu mới thực sự mang lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình!”.
Đồng chí Trần Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Bản cho biết: Mô hình kinh tế của Toản không lớn lắm, nhưng với một thanh niên nông thôn, được học hành bài bản, có ý chí và quyết tâm xây dựng sự nghiệp ngay tại quê hương mình như thế mới đáng quý. Toản là người đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp từ làng cho nhiều thanh niên nông thôn hiện nay. Nhiều bạn trẻ đã hiểu ra rằng, bỏ làng lên phố chưa hẳn đã mang lại thành công như mong muốn.
Cách Vũ Bản hơn chục km, ở thôn Hòa Thái Thịnh, xã Tràng An, huyện Bình Lục, thanh niên Lương Đình Thắng, 30 tuổi cũng trở về làng sau một thời gian dài làm ăn ngoài tỉnh. Thắng cho biết: Nhờ thời gian làm việc ở Thái Bình, tôi đã tích lũy được nhiều vốn sống, trưởng thành trong suy nghĩ và học được nghề mới. Hai vợ chồng quyết tâm trở về làng, thầu đất ruộng từ một trang trại lúa cá bỏ không do chủ cũ làm ăn không hiệu quả. Tôi cải tạo bờ ruộng, trồng cây và nuôi ốc nhồi.
Đầu tư vào trang trại ngót một tỷ đồng, giờ là lúc Thắng thu hồi vốn từ sản phẩm trứng ốc, ốc thịt. Giấc mơ làm giàu của Thắng còn vươn xa khi anh dự định trong vài năm tới, tiếp tục đầu tư khu trang trại, cải tạo trở thành điểm du lịch sinh thái trải nghiệm. Với mong muốn sản phẩm ốc của Thắng không chỉ dừng lại là con ốc thô, bán buôn cho những người làm hàng ngoài chợ, Thắng hướng đến việc chế biến ra nhiều món ăn ngon từ ốc, phục vụ ở các điểm du lịch trên địa bàn… Lương Đình Thắng chia sẻ: “Trước kia khi rời khỏi làng đi tìm việc, tôi đã vô cùng luyến tiếc những thửa ruộng mà ông cha gọi là bờ xôi ruộng mật, người dân bỏ không, chẳng làm được gì cho kết quả. Tôi tự hứa với lòng mình, một ngày nào đó sẽ trở lại làm cho nó trở thành bờ xôi ruộng mật như các cụ nói. 4 ha ao đầm nuôi ốc của tôi hôm nay sẽ là thành quả của sự quyết tâm này. Tôi tin là mình đang phát triển sự nghiệp đúng hướng”. Cả ngày Thắng lặn lội ngoài đầm, chịu thương chịu khó. Mỗi kg ốc thịt bán tại ruộng giá 80.000 đồng, chỉ thời gian ngắn, tiền Thắng thu từ sản phẩm ốc đã hơn 500 triệu đồng. Nuôi ốc không vất vả, nhưng suốt ngày phải ống thấp ống cao, bì bõm ngoài ruộng. Thắng nói, chẳng có nghề nào ngồi chơi mà ra tiền cả! Có vất vả mới có tiền, và đồng tiền kiếm ra theo cách đó mới thực sự có giá trị và ý nghĩa!
Mỗi người có một lựa chọn công việc cho cuộc đời mình. Nhưng có lẽ, câu chuyện về quê lập nghiệp của những thanh niên ngày nay lại mang nhiều ý nghĩa. Có không ít người chọn con đường ở lại thành phố lập nghiệp vì nghĩ mình đã bỏ công, bỏ sức học hành cốt để thoát khỏi đồng ruộng. Dù ở thành phố phải khó khăn kiếm tiền, chi phí đắt đỏ, sinh sống trong điều kiện vất vả, khó nhọc cũng còn hơn về làng! Nhưng với những thanh niên quyết tâm về làng lập nghiệp, họ nghĩ đơn giản, có ruộng đất, có tri thức, có gia đình bên cạnh… chịu khó lao động cũng sẽ giàu lên. Ở các làng nghề truyền thống như: Rượu Vọc (xã Vũ Bản, huyện Bình Lục); bánh đa nem làng Chều (xã Nguyên Lý), làng dệt Đại Hoàng (xã Hòa Hậu) huyện Lý Nhân… không ít thanh niên đã khởi nghiệp từ nghề truyền thống thành công. Với họ, điều làm nên thành công chính là nghị lực và ý chí quyết tâm không bỏ cuộc. Phải có bản lĩnh và trải nghiệm để sống hết mình với tuổi trẻ đầy ước mơ, khát vọng.
Giang Nam