Những bất cập trong công tác an toàn vệ sinh lao động

Theo thống kê, Hà Nam hiện có trên 3.700 doanh nghiệp đang hoạt động thu hút trên 143.000 lao động. Mặc dù công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã và đang được thực hiện nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

Báo cáo chưa đầy đủ

Mặc dù Hà Nam có tới trên 3.700 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng hằng năm chỉ có trên 100 doanh nghiệp thực hiện báo cáo tình hình ATVSLĐ của đơn vị về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH). Năm 2018, chỉ có 5 doanh nghiệp Nhà nước, 10 công ty TNHH, 10 công ty cổ phần, 1 doanh nghiệp tư nhân, 68 doanh nghiệp FDI thực hiện báo cáo tình hình ATVSLĐ. Tổng số lao động đang làm việc trong những doanh nghiệp này là trên 40.000 người, trong đó hơn 60% là lao động nữ và hơn 5.000 lao động đang làm việc trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm. 

Đặc biệt, có 57 lao động chưa thành niên đang làm việc trong các doanh nghiệp FDI. Tại các đơn vị báo cáo đã xảy ra 51 vụ tai nạn lao động, làm chết 12 người, bị thương 41 người, tổng chi phí cho tai nạn trên 300 triệu đồng (hoàn toàn được thực hiện ở các doanh nghiệp FDI), người lao động phải nghỉ làm gần 300 ngày công. Cùng với đó, trên 160 người đã mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện sau các đợt khám sức khỏe định kỳ do doanh nghiệp tổ chức. Quá 50% số lao động đã được tham gia vào các khóa huấn luyện về ATVSLĐ…

Trao đổi với bà Phạm Thị Huế, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (ATLĐ), Sở LĐ-TB&XH được biết, số liệu báo cáo công tác ATVSLĐ hằng năm do các đơn vị, doanh nghiệp tổng hợp gửi về sở vào đầu tháng 1 năm kế tiếp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ theo yêu cầu. 

Bà Phạm Thị Huế nói: Hiện nay, tỉnh đang phát triển công nghiệp mạnh mẽ, mỗi năm có trên 500 doanh nghiệp được thành lập mới, hàng trăm dự án mới đi vào hoạt động, thu hút hàng vạn lao động. Nếu doanh nghiệp thực sự quan tâm đến phát triển bền vững thì sẽ bảo đảm thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, bởi vì người lao động chính là tài sản của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không xây dựng được cơ chế, môi trường làm việc an toàn thì công nhân sẽ không thể gắn bó, làm việc hết mình, mang lại năng suất lao động cao như mong muốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến việc xê dịch lao động giữa các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Công ty TNHH dây dẫn Sumi Việt Nam - Chi nhánh Hà Nam là một trong những doanh nghiệp duy trì tốt công tác ATVSLĐ.

Nếu đánh giá tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp hiện nay chỉ thông qua báo cáo cuối năm như thế này, chắc chắn không thể chính xác và toàn diện. Bởi vì, số doanh nghiệp báo cáo chỉ chiếm số ít trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn hiện nay, trong khi mỗi năm, ngành chức năng chỉ thực hiện được 64 cuộc thanh tra ở 64 doanh nghiệp. Trên thực tế, số lao động bị tai nạn hằng năm không phải ít, người lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nghỉ việc do mắc bệnh nghề nghiệp không nhỏ. Việc thực hiện báo cáo cũng chỉ tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI chứ không phổ biến ở các doanh nghiệp trong nước. Điều đó chứng tỏ tính thực thi pháp luật đối với doanh nghiệp trong nước trên địa bàn Hà Nam còn hạn chế!

Đầu tư cho công tác ATVSLĐ chưa cao

Theo Sở LĐ-TB&XH, chi phí thực hiện kế hoạch ATVSLĐ tại trên 100 doanh nghiệp đã báo cáo về sở năm 2018 ước tính trên 100 tỷ đồng, bao gồm hơn 20 tỷ đồng thực hiện các biện pháp ATLĐ, gần 20 tỷ đồng thực hiện các biện pháp kỹ thuật vệ sinh, gần 40 tỷ đồng trang bị phương tiện bảo vệ công nhân, gần 30 tỷ đồng dành chăm sóc sức khỏe người lao động, gần 10 tỷ đồng cho tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ, trên 500 triệu đồng dành để đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ… Không có cơ sở sản xuất, kinh doanh nào thuê dịch vụ về ATVSLĐ trong năm. Không thống kê được số doanh nghiệp chỉ thực hiện dịch vụ về ATVSLĐ theo quy định tại Khoản 5, Điều 72 Luật ATVSLĐ và số đơn vị thực hiện dịch vụ y tế theo quy định tại Khoản 5, Điều 73 Luật ATVSLĐ…

Bà Phạm Thị Huế, Trưởng phòng Việc làm - ATLĐ, Sở LĐ-TB&XH cho rằng, việc đầu tư cho công tác ATVSLĐ hiện nay chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp FDI, đặc biệt doanh nghiệp Nhật Bản. Số doanh nghiệp của ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, hầu như đầu tư rất ít cho ATVSLĐ. Điều đáng nói, thời gian qua, số lao động bị tai nạn hoặc mắc các bệnh nghề nghiệp chủ yếu thuộc khu vực ngoài quan hệ lao động, trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. Nếu các địa phương không giám sát được tình tình, báo cáo cụ thể, chính xác thì con số thống kê về tai nạn lao động khu vực này gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, hầu hết sau mỗi vụ tai nạn, gia đình người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận đền bù thiệt hại với nhau, người lao động không dám thông báo tình hình vì chưa hiểu hết những quy định của pháp luật và không có hợp đồng lao động với chủ.

Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn 130 doanh nghiệp thực hiện công tác ATVSLĐ, tiếp nhận khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư về ATLĐ của 8 doanh nghiệp. Thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ, quy định về hỗ trợ huấn luyện từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp… Tổ chức 4 lớp huấn luyện cho người lao động và triển khai áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tại các doanh nghiệp; phối hợp với Cục ATLĐ đánh giá tình hình thực hiện quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tuần làm việc 40 giờ…

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của công tác ATVSLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp hiện nay, ngành LĐ-TB&XH cần phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người lao động và doanh nghiệp về Luật ATVSLĐ. Nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện nghiêm những quy định về ATVSLĐ  đối với người lao động. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ báo cáo tình hình ATVSLĐ hằng năm về cơ quan chuyên môn…

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy