Học nghề - Hành trang lập nghiệp của các bạn trẻ

Những năm gần đây, học nghề đang dần trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ chọn lựa. Không chỉ thi tuyển vào các trường dạy nghề, nhiều sinh viên đại học đến gần thời điểm tốt nghiệp (thậm chí sau khi tốt nghiệp) cũng chọn học nghề làm khoảng thời gian bước đệm, gắn kiến thức học trên ghế nhà trường vào thực tế.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam trong giờ thực hành điều khiển tự động trong hệ thống điện công nghiệp.

Hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2018, bạn Nguyễn Minh Nghĩa (Bạch Thượng, Duy Tiên) quyết định nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng nghề Hà Nam, ngành điện công nghiệp. Khi biết Nghĩa muốn học nghề, tuy cảm thấy tiếc vì Nghĩa học khá tốt, nhất là những môn tự nhiên, nhưng gia đình, thầy cô vẫn tôn trọng lựa chọn của em.

Nói về quyết định của mình, Nghĩa cho biết: Có nhiều anh chị mà em biết đều chọn học cao đẳng nghề, người học y, người học cơ khí, điện máy, công nghệ thông tin… Sau khi học xong, các anh chị đều tìm được công việc ổn định, có người học thêm ngoại ngữ, được các công ty nước ngoài nhận vào làm việc, thu nhập rất tốt. Từ thực tế đó em nghĩ đại học không phải là con đường duy nhất, mình nên chọn hướng đi phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình.

Tương tự như Nghĩa, mấy năm gần đây nhiều học sinh trong tỉnh có khả năng đỗ các trường đại học, cao đẳng đã chuyển hướng chọn trường nghề, theo đuổi việc học, tìm kiếm cơ hội việc làm và khởi nghiệp. Với suy nghĩ giống như Minh Nghĩa, họ cho rằng học nghề cũng là một hướng đi phù hợp yêu cầu của thời đại, và nếu muốn trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng vẫn có cơ hội học cao hơn.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, Hà Nam có 8.716 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 2.213 thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm 25,3%). Điều này thể hiện học sinh, phụ huynh đã có cái nhìn khác về định hướng nghề nghiệp tương lai.

Thực tế cho thấy những nghề mà giới trẻ hiện nay lựa chọn nhiều là: điện công nghiệp, quản trị mạng máy tính, cơ điện tử và một số nghề đào tạo ngắn ngày, chi phí học thấp, ra trường dễ tìm việc làm (dịch vụ khách sạn, ẩm thực, giải trí, du lịch…). Đây cũng là sự lựa chọn của các bạn đang dở dang chương trình THPT, có thể kết hợp học nghề và hoàn thành chương trình giáo dục THPT.

Theo ông Đỗ Quang Triệu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam, hằng năm, nhà trường tuyển sinh từ 1.400 đến 1.700 học sinh, sinh viên, với 3 lớp cao đẳng, 13 lớp trung cấp nghề, văn hóa nghề, 19 lớp sơ cấp nghề, 9 lớp học nghề thường xuyên. Mục tiêu của trường là đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp. Quá trình giảng dạy, ngoài lý thuyết, nhà trường luôn chú trọng phần thực hành, bảo đảm sinh viên ra trường đều biết việc, thạo nghề. Theo thống kê của trường, 100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, 80% có công việc đúng với ngành đã học.

Bên cạnh những bạn trẻ chọn trường nghề là hướng đi cho tương lai của mình ngay sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều sinh viên các trường đại học cũng tham gia học nghề như một bước đệm, biến kiến thức trên ghế nhà trường vào thực tiễn, tích lũy thêm kinh nghiệm.

Đinh Thị Hương (phường Lương Khánh Thiện, TP. Phủ Lý), sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có quá trình thực tập khá thuận lợi tại một công ty truyền thông ở Hà Nội. Hương chia sẻ: Ngay từ ngày đầu em đã cố gắng tạo mối quan hệ tốt với mọi người, vì thế những ngày sau nếu có hỏi những thứ không biết hoặc nhờ các anh chị đã làm việc chính thức trong công ty giúp đỡ cũng dễ dàng hơn.

Dù làm việc không lương nhưng Hương vẫn vui vẻ vì công ty đã tạo điều kiện thuận lợi giúp những sinh viên như Hương được học thêm nhiều kiến thức mà chỉ đọc sách trên trường khó có thể có được.

Khác với Hương, Nguyễn Thị Thu (phường Minh Khai, TP. Phủ Lý) đã tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán, Đại học Thăng Long (Hà Nội) nhưng với sở thích hội họa, nhanh nhạy trong tìm hiểu xu hướng nghề nghiệp, Thu quyết định bỏ ra 2 năm học thêm thiết kế đồ họa (Designer) tại các trung tâm đào tạo nghề. Hiện tại công việc chính của Thu là nhân viên thiết kế đồ họa với môi trường làm việc rộng mở, đúng với sở trường, sở thích của bản thân. Học thêm một nghề mới, phù hợp với sở trường của bản thân và xu thế của thị trường cũng là sự lựa chọn của nhiều sinh viên khi ra trường không tìm được công việc phù hợp.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, xu thế học nghề có nhiều thay đổi theo hướng tích hợp liên ngành và đào tạo chuyên sâu, gắn với đặc điểm riêng của từng địa phương. Tại Hà Nam, nơi có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch và tập trung những khu công nghiệp lớn, ngoài các ngành điện máy, cơ khí, công nghệ thông tin, các trường dạy nghề trong tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng đào tạo thêm một số nhóm nghề mới liên quan đến dịch vụ du lịch, chăm sóc khách hàng…, đồng thời kết hợp với các trường chú trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh. Hy vọng thời gian tới, học nghề sẽ tiếp tục là hướng đi được các bạn trẻ quan tâm, lựa chọn và thu được kết quả tích cực.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.