Duy Tiên chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” và Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 11/6/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Duy Tiên về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, những năm qua, UBND thị xã Duy Tiên đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành chức năng, đơn vị trường học, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) triển khai tổ chức thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Theo đó, UBND thị xã đã kịp thời ban hành các văn bản để triển khai thực hiện, như: Quyết định số 1034/QĐ-UBND ngày 12/4/2021 về ban hành Đề án hướng nghiệp, đào tạo nghề, phân luồng và liên thông trong giáo dục - đào tạo của thị xã Duy Tiên, giai đoạn 2020-2030; Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 27/5/2021 về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn thị xã Duy Tiên năm 2021 và Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 10/5/2022 về triển khai thực hiện Đề án hướng nghiệp, đào tạo nghề, phân luồng và liên thông trong giáo dục, đào tạo của thị xã Duy Tiên năm 2022.

Hằng năm, UBND thị xã đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ thị xã đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, qua các hội nghị, các hoạt động hướng nghiệp, giới thiệu việc làm… về công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Đối với công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh, UBND thị xã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm GDNN – GDTX tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, như: Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, nói chuyện về định hướng nghề nghiệp, các hoạt động giao lưu kết nối giữa các nhà trường với các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong và ngoài tỉnh…

Theo đó, 100% học sinh lớp 9 các trường THCS trên địa bàn được nghe tư vấn hướng nghiệp tại các buổi giao lưu, chào cờ đầu tuần, hoạt động ngoại khóa với hình thức trực tiếp, trực tuyến. Các đợt tuyên truyền đã góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh về việc chọn trường, chọn nghề, hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, thông qua liên kết đào tạo nghề giữa Trung tâm GDNN – GDTX với Trường Trung cấp cộng đồng, Trường Cao đẳng Thủy lợi Bắc Bộ, Trường Trung cấp quốc tế Hà Nội, mỗi năm có hàng trăm học sinh được đào tạo nghề điện, may, chế biến món ăn, chăm sóc sắc đẹp… ngay tại địa phương.

Duy Tiên chú trọng đào tạo nghề giới thiệu việc làm cho người lao động
Đại diện lãnh đạo Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Duy Tiên và Trường Trung cấp quốc tế Hà Nội trao bằng tốt nghiệp cho các học viên được Phòng LĐ-TB & XH hỗ trợ kinh phí liên kết đào tạo nghề theo Nghị định 81 của Chính phủ. Ảnh: Trần Xuân

Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Kết quả, những năm qua, việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh đã có nhiều điểm tích cực; số lượng học sinh THCS, THPT theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề, hoặc đi làm nghề đã tăng dần lên, phù hợp với khả năng, trình độ của từng cá nhân, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề của các đơn vị, doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động phối hợp đào tạo lao động theo quy trình sản xuất, vị trí việc làm của người lao động nên hầu hết các học viên học trung cấp nghề được các trường bảo đảm đầu ra, đa số các học viên học nghề nông thôn được các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn nhận vào làm việc. Trong đó, số lao động được thu hút, giải quyết việc làm mới tập trung tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp Đồng Văn 1, 2, 3; Khu công nghiệp Hòa Mạc, Cụm công nghiệp Cầu Giát, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các mô hình kinh tế hộ, trang trại… Số lao động được giải quyết việc làm bình quân hằng năm gần 5.000 lao động, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Đối với nghề may, sau khi được đào tạo nghề, 85% học viên được các công ty may, như: Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Tân Thịnh (phường Châu Giang), Công ty TNHH và Xây dựng Hùng Phát (xã Tiên Phong), cơ sở may Việt Hiền (xã Trác Văn), Công ty May Norfolk Hatexco tuyển dụng vào làm việc, hoặc mang sản phẩm về nhà tự hoàn thiện với mức lương ổn định.

Trung tâm GDNN – GDTX thực hiện ký kết hợp đồng bốn bên (giữa trung tâm, UBND xã, phường, doanh nghiệp và người học nghề) giúp cho người học nghề có ngay việc làm sau khi học xong; thực hiện liên kết với Trường Trung cấp nghề công nghệ Hà Nam, Trường Trung cấp quốc tế Hà Nội để đào tạo nghề cho học viên tại trung tâm. Đồng thời, thu hút lao động đào tạo từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ giảm nghèo đối với các nghề thủ công truyền thống sẵn có, như: mây giang đan, mộc, nề, thêu ren, dệt lụa và các nghề phục vụ đời sống hằng ngày (nấu ăn, chăm sóc sắc đẹp…), tạo việc làm tại chỗ. Qua đó đã tạo việc làm cho nhiều lao động phù hợp độ tuổi, năng lực. Hầu hết các học viên sau khi học xong đều mở nghề tại địa phương hoặc được các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn và một số vùng lân cận nhận vào làm việc. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn thị xã ước tạo được việc làm mới cho 2.630 người; giải quyết việc làm thêm cho 2.750 người/5.100 người, đạt 52,6% kế hoạch năm.

Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án hướng nghiệp, đào tạo nghề, phân luồng và liên thông trong Giáo dục – đào tạo của thị xã Duy Tiên giai đoạn 2020 - 2030, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện phương châm đào tạo nghề xuất phát từ nhu cầu của lao động nông thôn và dự báo được nơi làm việc, mức thu nhập mới tổ chức dạy nghề theo tinh thần Chỉ thị 19 của Ban Bí thư. Đổi mới phương pháp dạy nghề, thực hiện cam kết giải quyết việc làm và thu nhập sau học nghề. Huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường liên kết, phối hợp với các cơ sở dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng mở các lớp dạy nghề tại cơ sở, doanh nghiệp…    

Trần Quyết

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy