Dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ

Những năm qua, công tác tư vấn, giới thiệu học nghề và giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ luôn được các cấp, ngành quan tâm. Qua đó, nhiều quân nhân khi trở về địa phương được học nghề, có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vấn đề học nghề, tạo việc làm vẫn còn những khó khăn cần sự phối hợp giải quyết của các cấp, ngành, địa phương và các đơn vị quân đội.

Nhờ được đào tạo nghề, cơ sở sản xuất đồ gỗ của gia đình anh Trần Trường Sơn, thôn An Phong, xã An Ninh (Bình Lục) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Trần Trường Sơn, sinh năm 1985 ở thôn An Phong, xã An Ninh (Bình Lục) nhập ngũ năm 2012. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự (NVQS) trở về địa phương năm 2013, được cơ quan chức năng, cán bộ địa phương và gia đình tư vấn học nghề mộc ở một cơ sở sản xuất khá nổi tiếng tại tỉnh Ninh Bình. Khi có nghề trong tay, anh mở xưởng chuyên sản xuất đồ thờ tại địa phương, có thu nhập ổn định và cuộc sống gia đình hạnh phúc. Đến nay, xưởng của anh không những mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm mà còn thường xuyên giải quyết việc làm cho 7-10 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 7,5-8 triệu đồng/người/tháng.

Anh Sơn chia sẻ: Sau khi học xong nghề, tôi trở về địa phương để mở xưởng sản xuất. Do thường xuyên đổi mới mẫu mã và đầu tư hệ thống máy móc hiện đại nên sản phẩm sản xuất đến đâu bán hết đến đó và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Còn anh Trần Văn Cương, thôn 4, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân), hoàn thành NVQS và xuất ngũ năm 2017. Sau khi được cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện tư vấn, anh đã dùng thẻ học nghề được cấp để theo học nghề đóng và sửa chữa tàu thủy tại Trường Trung cấp nghề số 20 – Bộ Quốc phòng. Học nghề xong anh được giới thiệu vào làm việc tại Công ty TNHH đóng tàu Hải Ninh (Hải Phòng). Nhờ tay nghề vững, đến nay thu nhập của anh đạt từ 10-12 triệu đồng/tháng.

Đây chỉ là hai trong số nhiều thanh niên xuất ngũ trên địa bàn tỉnh được tư vấn học nghề và có việc làm ổn định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những năm gần đây, cũng có nhiều thanh niên sau khi xuất ngũ trở về địa phương thường có tư tưởng “ngại học nghề” mà xin vào làm việc tại các doanh nghiệp, xưởng sản xuất để có ngay nguồn thu nhập giúp đỡ gia đình; một số lại thích học các nghề ngắn hạn như lái xe ô tô.

Anh Nguyễn Văn  Kiên, thôn Sơn Hà, xã Đọi Sơn (Duy Tiên) cho biết: Xuất ngũ năm 2018, tôi được cấp thẻ học nghề nhưng lại quyết định không học nghề mà xin làm việc tại Công ty Yokowo Việt Nam (KCN Đồng Văn II). Đến nay, thu nhập của tôi bình quân từ 7,5-8 triệu đồng/tháng. Còn anh Nguyễn Hữu Đức, xóm 4 Hạ Vĩ, xã Nhân Chính (Lý Nhân) xuất ngũ về địa phương năm 2017, anh học lái xe ô tô, và lái thuê cho một chủ xe khách tại địa phương với mức thu nhập ổn định.

Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm Hà Nam có trên 1.000 thanh niên hoàn thành NVQS trở về địa phương. Với tấm thẻ học nghề miễn phí, nhiều thanh niên đã đăng ký học nghề để tìm kiếm một công việc có thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay số lượng quân nhân xuất ngũ tham gia học nghề còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó một phần là do số đông quân nhân ngại phải đi học nghề. Một số trường nghề còn thiếu ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo còn thiếu đồng bộ, không theo kịp với xu thế của thị trường lao động. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, định hướng còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động xuất ngũ có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Sự định hướng của gia đình đối với quân nhân xuất ngũ còn hạn chế.

Để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ thiết thực, hiệu quả, thiết nghĩ các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về chính sách học nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành NVQS. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thường xuyên rà soát số thanh niên xuất ngũ hằng năm, từ đó phối hợp với các trường nghề, chính quyền các địa phương, gia đình gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tư vấn, hướng nghiệp, giúp họ có kiến thức và tay nghề vững vàng, góp phần giúp lực lượng này có việc làm ổn định.

Trần Ích

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy