Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Sáng 6/8, Ủy ban quốc gia về trẻ em đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (BL,XHTE) ở 675 điểm cầu từ trung ương đến cơ sở, với trên 18.000 đại biểu tham dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy banq uốc gia về trẻ em; lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương. Chủ trì tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Bùi Quang Cẩm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam.

Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,  hiện toàn quốc có trên 26 triệu trẻ em. Mặc dù công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em (BVTE) được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo; hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em liên tục được bổ sung, sửa đổi,  cơ bản đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tế, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, nhưng năm 2017, cả nước vẫn có trên 1.800 trẻ em tử vong vì đuối nước. Mỗi năm trung bình có trên 2000  trường hợp trẻ em bị bạo lực và xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm 60%.

Những hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Điều đáng nói, trẻ em bị bạo hành và xâm hại chiếm tỷ lệ cao ngay tại gia đình và trong nhà trường, đặc biệt việc bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng có xu hướng tăng nhanh. Ba năm gần đây, số vụ trẻ em bị bạo hành và xâm hại có giảm nhẹ, nhưng tính chất các vụ việc bạo hành và xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội. Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em vi phạm nghiêm trọng về đạo đức, gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần, thậm chí làm trẻ em tử vong hoặc khiến trẻ em tự tử.

Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đã tập trung vào những vấn đề: Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức, kỹ năng về BVTE, phòng ngừa bạo lực và xâm hại trẻ em; Công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi BL, XHTE; kinh nghiệm hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; Việc xử lý các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em thời gian ra sao; Công tác cán bộ, cộng tác viên, vấn đề bố trí ngân sách cho công tác trẻ em như thế nào? Nguyên nhân nào khiến cho việc đấu tranh, phòng ngừa BL, XHTE chưa được đẩy lùi; Những khó khăn trong công tác tuyên truyền về công tác phòng, chống BL, XHTE…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao công tác tổ chức hội nghị, các ý kiến tham luận góp phần nâng cao nhận thức, thống nhất các giải pháp tốt hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn sau hội nghị về công tác phòng, chống BL, XHTE.

Thủ tướng yêu cầu: Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, quan tâm đúng mức hơn về công tác BVTE; thực hiện nghiêm những quy định pháp luật, những chính sách BVTE, phòng chống BL,XHTE. Cùng với đó phải tăng giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, nhà trường. Nhà trường phải thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em, hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình kiến thức, kỹ năng phòng, chống BL,XHTE, BVTE; Thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi BL,XHTE; xây dựng những thiết chế văn hóa dành cho trẻ em.

Thứ hai, về vấn đề cán bộ, đội ngũ cộng tác viên kiêm nhiệm, chuyên trách làm công tác trẻ em ở cấp xã phải được củng cố, bố trí hợp lý cả về nhân lực lẫn nguồn lực. Cần nghiên cứu triển khai mô hình tổ chức hoạt động của nhóm  chuyên trách BVTE cấp xã.

Thứ ba, các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền rà soát những quy định phù hợp với Luật Trẻ em, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, tăng cường thực thi pháp luật về xử lý vi phạm đối với những hành vi vi phạm quyền trẻ em; Các cơ quan có thẩm quyền kiên quyết xử lý các hành vi bao che, không tố giác, không phối hợp, không thực hiện, thực hiện không kịp thời trách nhiệm BVTE của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với các vụ việc BL,XHTE

Thứ tư, phải tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về BVTE. Ưu tiên tăng cường, nhận thức về vai trò, trách nhiệm và trang bị kiến thức, kỹ năng cho các thành viên gia đình, cho trẻ em trong việc BVTE, phòng ngừa, xử lý các hành vi BL, XHTE. Thúc đẩy phong trào “Toàn dân chăm sóc giáo dục, BVTE”, gắn phong trào này với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và phong trào xây dựng nông thôn mới. Quảng bá rộng rãi hệ thống BVTE và tổng đài điện thoại quốc gia về BVTE 111 trên các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội…

Thứ 5, phải tạo cuộc sống an toàn, lành mạnh, hạnh phúc, tương lai cho trẻ bằng nhiều hình thức. Với quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác chăm sóc, BVTE, hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy