Gắn bó với nghề may thời trang từ rất sớm, nhưng chỉ tới khi được học tập và trải nghiệm với nghề thiết kế áo dài, chị Nguyễn Thị Mây (thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng) mới tìm được hướng phát triển cho mình, đó là hành trình truyền cảm hứng khởi nghiệp từ tà áo dài truyền thống. Chị Nguyễn Thị Mây mong muốn qua tà áo dài truyền thống sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh, thường xuyên đào tạo nghề cho chị em phụ nữ có nhu cầu, tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn… từ đó, nâng tầm vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Chúng tôi tìm gặp chị Mây khi chị vừa trở về từ chương trình nghệ thuật “Đêm hội áo dài” diễn ra tại sân khấu Quảng trường Đoan Môn - Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long (Hà Nội) - một trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024). Trước hàng ngàn khán giả cả nước, nhà thiết kế Nguyễn Thị Mây đã mang đến chương trình bộ sưu tập ý nghĩa mang tên “Di sản Hà Nam” gồm 5 thiết kế áo dài mang đường nét, màu sắc sống động, tinh xảo, chứa đựng tình yêu quê hương thông qua hình ảnh Chùa Tam Chúc, Đền thờ nữ tướng Lê Chân, Lễ hội Tịch Điền… Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp với tà áo dài truyền thống, chị Nguyễn Thị Mây cho biết: Tháng 4/2023, chị được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Thanh Sơn giới thiệu tham gia khóa học “Nhà thiết kế áo dài Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN phối hợp với Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam tổ chức cho hội viên phụ nữ của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham gia lớp học, chị đã được truyền cảm hứng thiết kế trên chất liệu áo dài ly vuông là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên một phong cách riêng biệt. Cảm nhận được ý nghĩa của nghề nghiệp là đưa nét đẹp văn hóa truyền thống trở nên sống động trong nhịp sống của thời đại ngày nay, chị Nguyễn Thị Mây đã quyết định tiếp tục tham gia các khóa học để nâng cao trình độ bản thân, sẵn sàng trên con đường khởi nghiệp.
Câu chuyện về những ngày đầu khởi nghiệp với áo dài ly vuông của chị Nguyễn Thị Mây cũng có nhiều gian nan. Dù có tiền đề là nghề may thời trang lâu năm, song để chuyển hướng sang khởi nghiệp với áo dài truyền thống, chị Mây đã mạnh dạn đầu tư kinh phí thiết kế lại nhà xưởng và cửa hàng thời trang; bổ sung máy may, trang thiết bị cửa hàng; thường xuyên tham gia các lớp đào tạo nâng cao về áo dài ly vuông; lựa chọn nguyên liệu và nhà cung cấp uy tín; xây dựng thương hiệu, phát triển logo và nhận diện thương hiệu; đào tạo nhân viên; tìm kiếm cơ hội cạnh tranh với các thương hiệu có uy tín… Để tăng cường giao lưu, quảng bá thương hiệu và truyền cảm hứng, đam mê áo dài truyền thống tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, chị Mây thường xuyên tham gia các chương trình trình diễn thời trang; cuộc thi khởi nghiệp, tổ chức workshop chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm. Gần đây nhất, chị Mây đã mang dự án khởi nghiệp của mình tới tham dự hội thi “Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức và xuất sắc đạt giải Ba.
Hành trình khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Mây tuy có nhiều gian nan song cũng chứa đầy giá trị ý nghĩa mang tính lan tỏa cảm hứng cho cộng đồng như bình đẳng giới, bảo vệ môi trường… Việc thiết kế áo dài truyền thống đòi hỏi ở người thợ nhiều kỹ thuật đo, cắt, may, pha xuyên thấu, đính kết thủ công phức tạp, tỉ mỉ và công phu. Do đó, để có thêm người hỗ trợ bản thân công việc sản xuất và kinh doanh, việc tìm thuê lao động cũng cần đạt tiêu chuẩn về trình độ ban đầu khá cao. Hiện tại, chị Mây đang nhận đào tạo 4 nhân viên về kỹ thuật sản xuất, đều là những chị em phụ nữ không có công việc và thu nhập ổn định tại các địa phương lân cận. Chị Mây dự định, từ những nhân viên nòng cốt ban đầu sẽ lan tỏa việc dạy nghề thiết kế áo dài truyền thống tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh; giúp đỡ các chị em có nghề nghiệp ổn định với mức thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/tháng, giúp chị em làm chủ cuộc sống và khẳng định được vị thế phụ nữ trong gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, chị Mây luôn tâm niệm, phát triển sản xuất kinh doanh phải gắn liền với việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nền kinh tế xanh. Do đó, tận dụng nguyên liệu dư thừa trong quá trình sản xuất, chị Mây đã tái tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng như ví cầm tay, nơ kẹp tóc, bông tai, bờm tóc, khẩu trang…; xây dựng tủ áo dài lấy cũ đổi mới, tặng áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn chưa có cơ hội được mặc áo dài; tuyên truyền nâng cao ý thức của người lao động, cộng đồng đối với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Chị Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Sơn cho biết: Chị Nguyễn Thị Mây là một hội viên rất tích cực, thường xuyên tham gia hoạt động hội cũng như ủng hộ cho các phong trào tại địa phương. Sau khi được giới thiệu tham gia lớp học “Nhà thiết kế áo dài Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN tổ chức, chị Mây đã tiếp tục học tập và trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng để phát triển nghề nghiệp bản thân. Thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục động viên, hỗ trợ chị Mây tham gia các chương trình, hội thi có ý nghĩa nhằm quảng bá thương hiệu, tăng cường mối giao lưu, phát triển công việc sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ trên địa bàn.
Nguyễn Khánh