Sáng 17/11, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập (1898-2018) và kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.
Dự lễ kỷ niệm có các đồng: Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cùng đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam có đồng chí Phạm Sĩ Lợi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Quang Cẩm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến dự chia vui, chúc mừng nhà trường.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có tiền thân từ 2 trường chuyên nghiệp Hà Nội và trường chuyên nghiệp Hải Phòng. Sau nhiều lần di chuyển địa điểm, nâng cấp, đổi tên, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vẫn được đánh giá là cái nôi đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ kinh tế hàng đầu của cả nước.
Sau 120 năm xây dựng và phát triển, hiện nay nhà trường có 3 cơ sở đào tạo với tổng diện tích 50ha (2 cơ sở tại Hà Nội, 1 cơ sở tại Hà Nam) với gần 1.500 cán bộ, giảng viên và trên 30 nghìn học viên, sinh viên với nhiều cấp, trình độ đào tạo.
Mỗi năm nhà trường cung cấp cho thị trường lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài trên 10 nghìn kỹ sư, cử nhân, kỹ thuật viên có kiến thức, kỹ năng và tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Trường đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đặc biệt, trường vinh dự được đón Bác Hồ 4 lần về thăm giai 1945-1957.
Nhà giáo nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Quý, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.
Phát huy truyền thống và thành tựu đã đạt được nhiều năm qua, thời gian tới, nhà trường quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ: đổi mới quản trị đại học theo quy trình đại học điện tử, hướng tới đại học quản trị thông minh; thực hiện tự chủ đi đôi với trách nhiệm xã hội. Phát triển nhà trường theo hướng hội nhập quốc tế, áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Chú trọng phát triển chất lượng, giữ ổn định quy mô đào tạo; chú trọng đào tạo theo hướng mũi nhọn, ưu tiên một số lĩnh vực, ngành nghề có vai trò then chốt đối với nền kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0. Gắn kết nghiên cứu với đào tạo, sáng tạo và khởi nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ ứng dụng; đào tạo gắn với doanh nghiệp cũng như thực tập sản xuất./.
Trần Ích
Trần Ích