Hiện nay, bên cạnh việc duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) trẻ mẫu giáo 5 tuổi, ngành Giáo dục và các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn thành phố Phủ Lý còn triển khai hiệu quả việc huy động trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp đúng độ tuổi. Mặc dù số lượng trẻ trong độ tuổi thường có xu hướng tăng mạnh nhưng những năm gần đây tỷ lệ huy động trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp của thành phố luôn đạt từ 99 - 100%. Kết quả đó là điều kiện quan trọng để thành phố triển khai có hiệu quả các mục tiêu PCGD trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi theo đúng lộ trình.
Được biết, hiện nay mạng lưới các cơ sở GDMN trên địa bàn thành phố được củng cố, phát triển với 22 trường mầm non công lập, 3 trường mầm non và hơn 30 nhóm mầm non tư thục. Cơ sở vật chất trường lớp được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, 100% trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia; hầu hết các cơ sở GDMN quan tâm xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và được trang bị thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đa dạng, phong phú. Toàn cấp học mầm non của thành phố hiện có 546 giáo viên, gần 100% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó tỉ lệ trên chuẩn khá cao… đáp ứng tốt các yêu cầu dạy học các lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi khi thực hiện PCGD đối với lứa tuổi này.
Cùng với đó, chương trình GDMN được triển khai hiệu quả, chất lượng đã tạo nên những chuyển biến quan trọng về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây chính là yếu tố quan trọng để các nhà trường khắc phục khó khăn, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trẻ ra lớp đúng độ tuổi.
Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phủ Lý cho biết: Trẻ đến trường mầm non đúng độ tuổi đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành nhân cách và phát triển năng lực, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai; giúp trẻ hình thành những kỹ năng cơ bản. Đặc biệt, khi trẻ ra lớp sớm, đúng độ tuổi sẽ giúp tăng cường khả năng sẵn sàng cho các giai đoạn học tập tiếp theo, dễ dàng thích nghi với môi trường học tập mới; phát huy tốt giá trị của độ tuổi “thời điểm vàng” về phát triển ngôn ngữ của trẻ. Thời gian qua, ngành Giáo dục và các cơ sở GDMN trên địa bàn đã làm tốt công tác điều tra PCGD, nắm chắc số liệu trẻ trong độ tuổi trên địa bàn, tìm hiểu nguyên nhân những trẻ chưa đi học để từ đó vận động cha mẹ cho con tới trường, lớp. Đồng thời, tăng cường đa dạng các hình thức tuyên truyền về các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ trong trường mầm non bảo đảm an toàn cho trẻ về mọi mặt cả thể chất và tinh thần…, tạo được niềm tin đối với các bậc cha mẹ khi đưa con đến trường, lớp.
Đi qua những thời kỳ khó khăn nhất để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, đến nay, Trường Mầm non Phù Vân đã có cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, sẵn sàng tiếp nhận để giáo dục và chăm sóc 100% trẻ trong độ tuổi nói chung, trẻ 3 - 4 tuổi nói riêng. Cô giáo Nguyễn Thị Hằng Thiện, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Lứa tuổi mầm non là tuổi vàng của sự phát triển, việc chăm sóc, giáo dục đầu đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con người. Thực hiện chương trình GDMN, trẻ trong độ tuổi trên địa bàn xã khi ra lớp được bảo đảm chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ. Nhiều năm học qua, nhà trường đã thực hiện và duy trì được việc huy động 100% trẻ mẫu giáo, trong đó có trẻ 3 - 4 tuổi ra lớp. 100% trẻ đến trường có đủ sách vở, đồ dùng phục vụ sinh hoạt cá nhân và đồ dùng học tập. Quy mô trường lớp được giữ ổn định, số lượng phòng học, phòng chức năng cơ bản đáp ứng được nhu cầu ra lớp, nhu cầu học tập của trẻ 3 - 4 tuổi qua từng năm học.
Trên thực tế, việc thực hiện PCGD đối với trẻ 3 - 4 tuổi góp phần không nhỏ nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; tạo cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước ban hành các quy chuẩn về trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Các chủ trương, chính sách về phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được quan tâm theo hướng chuẩn, phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Với vai trò triển khai và tổ chức thực hiện các mục tiêu về PCGD trẻ mầm non nói chung, trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi nói riêng, các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện điều tra phổ cập, nắm chính xác số liệu điều tra để lập cơ sở dữ liệu và thực hiện huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương để tuyên truyền, giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ và cộng đồng xã hội cùng quan tâm thực hiện.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung chia sẻ: Việc thực hiện PCGD mầm non cho trẻ 3 - 4 tuổi là chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tế. Qua đó, mang tới cho trẻ ở độ tuổi này những cơ hội học tập tốt hơn trong môi trường đạt chuẩn về phổ cập. Cơ hội đó chính là việc được tiếp cận với những phương pháp giáo dục và chăm sóc khoa học theo chương trình GDMN; được hòa nhập và phát triển toàn diện, nhất là hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ khi trẻ ra lớp muộn.
Là trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh, thành phố Phủ Lý có tốc độ tăng dân số cơ học khá nhanh, kéo theo sự gia tăng của trẻ mẫu giáo các độ tuổi theo từng năm học. Thực tế đó là yếu tố khách quan tạo áp lực cho ngành Giáo dục và các cơ sở GDMN thành phố khi tiếp tục triển khai và duy trì chất lượng PCGD trẻ mẫu giáo. Bên cạnh đó, tuy đã có sự đầu tư nhanh, mạnh về cơ sở vật chất cho các trường mầm non, bảo đảm có đủ phòng học cho mỗi nhóm, lớp, nhưng việc thay thế, bổ sung, mua sắm mới trang thiết bị trong các nhà trường còn hạn chế do nguồn kinh phí khó khăn. Ở một số trường trung tâm, trường nơi có đông dân cư, hiện tỉ lệ trẻ/lớp khá cao, vượt nhiều so với quy định.
Trên địa bàn thành phố vẫn còn một số cơ sở GDMN công lập tồn tại các khu lẻ, không chỉ gặp khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, mà còn khó cả về việc bố trí, phân công giáo viên và quản lý hoạt động chuyên môn. Có đơn vị khó khăn trong việc phân bổ trẻ vào các nhóm lớp khi có khu phải bố trí hơn 50 trẻ/lớp mẫu giáo và 35 - 40 trẻ/lớp nhà trẻ, hạn chế nhiều trong việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.Cùng với đó, hiện tỉ lệ giáo viên/nhóm, lớp trong các trường công lập của thành phố mới chỉ đạt 1,8 giáo viên/lớp. Toàn cấp học còn đang thiếu hơn 470 giáo viên mầm non theo định mức 2,5 giáo viên/nhóm trẻ và 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo.
Trước những khó khăn đó, để thực hiện và duy trì tốt PCGD trẻ mẫu giáo, ngành Giáo dục thành phố Phủ Lý tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để huy động trách nhiệm cộng đồng trong tổ chức thực hiện. Đối với công tác chỉ đạo và thực hiện; nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới trong quản lý, chỉ đạo xây dựng “Trường học hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”; tham mưu xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục nhằm huy động tốt mọi nguồn lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, trong đó có công tác PCGD trẻ mẫu giáo.
Thanh Hà