kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thanh Liêm tăng cường công tác đánh giá trẻ mầm non

Thanh Liêm tăng cường công tác đánh giá trẻ mầm non

Cùng với việc tổ chức thực hiện tốt Chương trình giáo dục mầm non (GDMN), duy trì và củng cố tỉ lệ trẻ mầm non trong độ tuổi huy động ra lớp theo quy định, những năm qua, ngành Giáo dục huyện Thanh Liêm còn làm tốt công tác đánh giá trẻ mầm non nhằm hướng tới mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp một. Đồng thời, hình thành và phát triển ở trẻ mầm non những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo.

Theo cô giáo Trần Thị Minh Châu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Tâm, việc đánh giá trẻ trong GDMN là một bộ phận hợp thành rất quan trọng của quá trình giáo dục, có vai trò phản hồi và tích cực trong việc điều chỉnh biện pháp tác động, hình thức tác động, nội dung giáo dục… Trên cơ sở đó, những năm qua, nhà trường đã tập trung chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên các nhóm lớp chủ động xây dựng kế hoạch đánh giá trẻ theo từng giai đoạn. Qua đó, giúp xác định được những khó khăn và nguyên nhân cụ thể trong sự phát triển của trẻ làm cơ sở để giáo viên đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp với trẻ; xác định những nhu cầu giáo dục cá nhân của trẻ làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch đánh giá tiếp theo.

Giáo viên Trường Mầm non Thanh Tâm (Thanh Liêm) xây dựng và thực hiện có chất lượng kế hoạch đánh giá trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Hà Trần

Trên thực tế, công tác đánh giá sự phát triển của trẻ trong GDMN là quá trình thu thập thông tin về trẻ một cách hệ thống và phân tích, đối chiếu với mục tiêu của Chương trình GDMN nhận định về sự phát triển của trẻ nhằm điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ một cách phù hợp; xác định mức độ phát triển của trẻ so với mục tiêu của từng độ tuổi để có biện pháp thích hợp giúp trẻ tiến bộ. Trong quá trình thực hiện đánh giá trẻ, các trường mầm non trên địa bàn huyện tập trung thực hiện đánh giá hằng ngày và đánh giá theo giai đoạn.

Đối với đánh giá hằng ngày, các nhà trường và giáo viên chủ yếu đánh giá những diễn biến tâm, sinh lý của trẻ trong các hoạt động, nhằm phát hiện những biểu hiện tích cực hoặc tiêu cực để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ. Hằng ngày, giáo viên thực hiện đánh giá về tình trạng sức khoẻ, thái độ, trạng thái cảm xúc, hành vi, kiến thức và kỹ năng của trẻ; đánh giá thông qua quan sát trò chuyện, giao tiếp với trẻ; phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ… ghi chép lại những tiến bộ rõ rệt của trẻ và những điều cần lưu ý để điều chỉnh kế hoạch và biện pháp giáo dục cho phù hợp với trình độ phát triển của mỗi trẻ.

Đối với đánh giá trẻ theo giai đoạn, từ mục tiêu nhằm xác định mức độ đạt được của trẻ ở các lĩnh vực phát triển theo từng giai đoạn, trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục cho giai đoạn hoặc chủ đề tiếp theo, ngành Giáo dục huyện đã định hướng và chỉ đạo các nhà trường, giáo viên tiến hành đánh giá mức độ phát triển của trẻ theo giai đoạn về các lĩnh vực phát triển: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - kỹ năng xã hội (đối với trẻ nhà trẻ) và thẩm mỹ (đối với trẻ mẫu giáo).

Theo giai đoạn, giáo viên đánh giá kết quả đạt được của trẻ so với mục tiêu của chủ đề (đối với trẻ mẫu giáo), mục tiêu phát triển của độ tuổi (đối với trẻ nhà trẻ) về các lĩnh vực phát triển theo quy định của Chương trình GDMN hoặc theo mục tiêu yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ được xác định của chủ đề giáo dục, giai đoạn. Đồng thời đánh giá sự phù hợp của những nội dung cũng như các hoạt động giáo dục của chủ đề, của tháng với năng lực của trẻ, xác định nguyên nhân để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch hoạt động giáo dục của chủ đề/giai đoạn giáo dục tiếp theo. Với trẻ nhà trẻ, việc đánh giá vào thời điểm cuối độ tuổi 6, 12, 18, 24 và 36 tháng tuổi dựa vào các chỉ số theo các giai đoạn phát triển của trẻ.

Đối với trẻ mẫu giáo, đánh giá theo các chỉ số phát triển của độ tuổi vào thời điểm cuối năm học căn cứ vào kết quả đánh giá các chủ đề, đánh giá hằng ngày và có thể thực hiện đánh giá các chỉ số thông qua các bài tập dưới hình thức các trò chơi, tình huống… Kết quả đánh giá sự phát triển của trẻ sau một quá trình giáo dục có thể là căn cứ đề xuất xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục năm, kế hoạch hoạt động chủ đề, các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ: về cơ sở vật chất, về thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, về nhân lực, thời gian, về chính sách… nhằm tác động tích cực đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Qua phân tích thấy rõ, nếu đánh giá sự phát triển của trẻ qua các hoạt động, các giai đoạn cho biết được những biểu hiện về tâm sinh lý của trẻ hằng ngày, sự phát triển toàn diện của trẻ qua từng giai đoạn, khả năng sẵn sàng, chiều hướng phát triển của trẻ ở những giai đoạn tiếp theo từ đó có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau thì đánh giá trẻ thường xuyên giúp giáo viên có được thông tin về sự tiến bộ của trẻ trong một thời gian dài. Trong đó, trẻ được đánh giá sự phát triển về các lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - kỹ năng xã hội và thẩm mỹ.

Về phương pháp đánh giá, một số giáo viên chia sẻ, khác với các cấp học khác, chủ yếu đánh giá chất lượng học tập của học sinh qua các bài kiểm tra, các bài tập được đánh giá bằng điểm số, việc đánh giá trong GDMN chính là sự theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ thông qua việc quan sát tự nhiên, trò chuyện với trẻ, phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ, sử dụng tình huống, trao đổi với cha mẹ trẻ… Hoạt động đánh giá sự phát triển của trẻ trong nhà trường chủ yếu do giáo viên tiến hành trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ góp phần không nhỏ để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Để thực hiện bảo đảm thực chất, hiệu quả hoạt động đánh giá chất lượng trẻ, các nhà trường đã thực hiện đánh giá đúng khả năng của mỗi trẻ; đánh giá sự phát triển của trẻ dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ và dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu… từ đó sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng kế hoạch giáo dục, điều chỉnh kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích của trẻ và điều kiện thực tế của trường học.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy