kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Thanh Liêm nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục

Thanh Liêm nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục

Trên cơ sở nhận thức, đánh giá đúng tầm quan trọng của việc thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục, thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Thanh Liêm đã làm tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức kỹ năng số cho cán bộ, giáo viên, học sinh; chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số ở tất cả các cấp học. Đồng thời, phối hợp xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu về trường, lớp, học sinh, cơ sở vật chất, đội ngũ; tích cực tham mưu với ngành và địa phương trong việc đầu tư cơ sở vật chất về CNTT và chuyển đổi số… Qua đó, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập.

Thực hiện việc chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã xây dựng, ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai đến các nhà trường thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025” nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về vai trò ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục. Quan tâm đầu tư trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ giúp giáo viên khai thác tối đa âm thanh, hình ảnh số giúp giờ học sinh động, tạo môi trường tương tác toàn diện giữa thầy và trò. Các trường học trên địa bàn huyện đã được lắp đặt đường truyền internet, wifi, máy tính; các lớp học được trang bị màn hình tương tác thông minh, máy chiếu, tivi. Đây là điều kiện quan trọng để các nhà trường triển khai đồng bộ hoạt động xây dựng giáo án điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, số hóa các hồ sơ; giúp đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên sử dụng thành thạo phần mềm, giáo án điện tử phục vụ công tác quản lý và dạy học, như: thiết kế bài giảng e-Learning, phần mềm giao bài tập Azota, phần mềm sơ đồ tư duy, phần mềm trình chiếu power point…

Có dịp tới các trường học trên địa bàn huyện đều thấy ở các lớp học cơ bản đã được trang bị ti vi, máy chiếu; trong các tiết học, giáo viên chuẩn bị khá tốt các bài giảng điện tử sinh động, giúp học sinh được tiếp thu kiến thức qua hình ảnh, âm thanh, đồ họa, tạo nên không khí học tập sôi nổi, hào hứng. Thầy giáo Nguyễn Văn Du, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kiện Khê A cho biết: Hiện nay, 100% giáo viên nhà trường ứng dụng các phần mềm dạy học, xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử, xây dựng ngân hàng câu hỏi cho các môn học. So với các tiết học thông thường, việc ứng dụng CNTT vào trong giảng dạy đã tạo hứng thú cho cả giáo viên và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Thanh Liêm nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục
Trường Tiểu học Kiện Khê A được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm triển khai dạy học môn Tin học cho học sinh, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhà trường. Ảnh: Hà Trần

Chỉ riêng trong việc chỉ đạo tổ chức dạy Tin học cấp tiểu học đã cho thấy sự nỗ lực của ngành và các nhà trường. Theo đó, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tiểu học tổ chức dạy học môn Tin học cho học sinh lớp 5 đối với các trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất; dành thời gian thích hợp cho học sinh lớp 5 được tiếp cận chương trình môn Tin học theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 để tạo tâm thế sẵn sàng cho học sinh học lên lớp 6. Đối với học sinh khối lớp học theo Chương trình GDPT 2018, bên cạnh việc tổ chức thực hiện dạy Tin học cho 100% học sinh khối lớp 3, lớp 4, còn thực hiện cho học sinh các khối lớp 1, lớp 2 được tiếp cận với chương trình giáo dục tin học thông qua hình thức câu lạc bộ, như các CLB: Tin học, giải toán qua Internet, Trạng nguyên Tiếng Việt, Tiếng Anh trên Internet IOE…

Cùng với đó, bám sát chỉ đạo của Sở GD&ĐT và UBND huyện Thanh Liêm về triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Phòng GD&ĐT huyện đã tập trung chỉ đạo các nhà trường, cấp học thực hiện việc đăng ký chữ ký số cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên; phối hợp thực hiện cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đủ điều kiện; đồng bộ định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đặc biệt, đã triển khai có nền nếp, chất lượng hoạt động ứng dụng số hoá trong công tác quản lý nhà trường, triển khai sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử.

Căn cứ theo các quy định về phương thức thực hiện, quản lý chung, các nhà trường đã xây dựng được quy chế quản lý, sử dụng sổ điểm điện tử phù hợp với tình hình thực tế. Tại đây, các trường đã thành lập Ban quản trị phần mềm sổ điểm điện tử chịu trách nhiệm quản lý mọi tài khoản sử dụng phần mềm sổ điểm điện tử tại đơn vị, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo mật tài khoản, quyết định thời điểm mở, khóa sổ điểm điện tử; đồng thời, kiểm tra việc thực hiện các quy định về cập nhật điểm số và các thông tin khác của giáo viên, học sinh; làm nhiệm vụ nhập điểm các bài thi, bài kiểm tra tập trung, báo cáo tiến độ nhập điểm và quản lý chặt chẽ, nghiêm túc việc sửa chữa điểm đã nhập, cũng như các chế độ bảo mật thông tin trong sổ điểm điện tử theo đúng nguyên tắc, đúng quy trình. Qua đó, việc cập nhật, kiểm tra, quản lý việc cho điểm của giáo viên diễn ra rất nhanh, chính xác; việc nắm bắt tình hình tại các lớp học của lãnh đạo nhà trường vì thế cũng mang tính bao quát, cụ thể, có sự điều hành, quản lý sát thực hơn.

Tích cực ứng dụng chuyển đổi số, đến nay, 100% các nhà trường và cơ quan phòng giáo dục sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến ngành Giáo dục, kết nối đầy đủ, toàn diện dữ liệu giữa các đơn vị, cơ quan nhằm cung cấp thông tin kịp thời, phục vụ công tác báo cáo, theo dõi, giám sát, dự báo, kiểm tra và thanh tra của các cơ quan quản lý giáo dục; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% các cơ sở giáo dục trực thuộc; 100% các trường sử dụng giải pháp, nền tảng số giáo dục và hạ tầng, lưu trữ, đường truyền, kết nối mạng internet tốc độ cao và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trực tuyến, triển khai chuyển đổi số hoạt động giáo dục, đào tạo; 100% trường học ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy