Tăng cường giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương trong trường học

Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, các nhà trường trên địa bàn Hà Nam còn tích cực triển khai đưa chương trình giáo dục văn hóa truyền thống, lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường học. Qua đó, giúp học sinh tìm hiểu, khám phá và nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

Buổi thăm quan Bảo tàng tỉnh của cô và trò Trường Mầm non thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm).

Kể từ khi công trình Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sỹ Nam Cao chính thức đi vào hoạt động đến nay, Trường THCS Hòa Hậu (xã Hòa Hậu, Lý Nhân) đã được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ Khu tưởng niệm. Theo thời khóa biểu đã định sẵn, đều đặn vào sáng thứ 7 hằng tuần, thầy và trò nhà trường lại thực hiện nhiệm vụ chăm sóc khu mộ và nhà tưởng niệm của cố nhà văn. Chỉ là các công việc đơn giản như: quét dọn, lau chùi, nhổ cỏ… nhưng rất có ý nghĩa đối với học sinh. Hầu hết học sinh đều nhận thấy, đó là niềm vinh dự khi được góp một phần sức lực bé nhỏ của mình vào việc giữ gìn, bảo vệ một công trình có giá trị văn hóa của địa phương và tự hào vì được sinh ra trên quê hương của nhà văn Nam Cao.

Không chỉ nhận chăm sóc Khu tưởng niệm, Trường THCS Hòa Hậu còn đưa nội dung về thân thế, sự nghiệp của nhà văn Nam Cao vào giảng dạy trong các tiết học chính khóa. Theo đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã phân công Tổ bộ môn Khoa học xã hội xây dựng đề cương giảng dạy dựa trên việc dạy tích hợp, liên môn, lập video clip, tổ chức các chuyên đề nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của nhà văn. Các tiết học được thực hiện tương đối bài bản, nội dung phong phú, hình thức sinh động đã thực sự lôi cuốn sự quan tâm tìm hiểu, lắng nghe của các em học sinh. Qua đây, học sinh hiểu rõ hơn các giá trị văn chương, phẩm chất con người cũng như quan niệm, lý tưởng sống của nhà văn, góp phần bồi đắp tư tưởng, nhận thức để hình thành cho các em những năng lực, phẩm chất tốt.

Được biết, bên cạnh nội dung về văn học, nhà trường còn chọn lọc các nét văn hóa truyền thống hay các sản vật tiêu biểu của địa phương như: lễ hội thả diều, cá kho, chuối tiến vua, hồng không hạt… vào giới thiệu trong các tiết học và các buổi ngoại khóa để học sinh hiểu rõ hơn về truyền thống quê hương, nêu cao ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.

Bên cạnh việc giáo dục lịch sử, văn hóa trong các tiết học chính khóa, Trường Tiểu học Chuyên Ngoại (Duy Tiên) còn tổ chức nhiều buổi giáo dục truyền thống ngoại khóa tại Tượng đài Liệt sỹ thiếu niên Dương Văn Nội. Ảnh: TL

Trên quê hương Chuyên Ngoại (Duy Tiên), hình ảnh người Anh hùng thiếu niên Dương Văn Nội cũng được khắc sâu trong trái tim các thế hệ thanh, thiếu niên, nhi đồng nơi đây. Các tiết học lịch sử của Trường Tiểu học Chuyên Ngoại đã mang đến cho các em học sinh những thông tin về người Anh hùng thiếu niên.

Anh sinh ra và lớn lên trong thời kỳ quân Pháp và quân Nhật cùng xâm lược đất nước ta, đàn áp nhân dân ta. Chứng kiến cảnh quân giặc thường xuyên đánh đập, khủng bố người dân, anh đã xung phong tham gia vào đội Thiếu niên cứu quốc, làm nhiệm vụ liên lạc cho Đại đội tự vệ Thăng Long ở Hà Nội. Trong một trận đánh, anh đã dùng súng giết chết 3 tên lính Pháp và đã hy sinh, khi đó anh mới tròn 15 tuổi. Sự hy sinh của anh là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ học sinh, thiếu niên tiền phong noi theo về tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hy sinh thân mình vì quê hương, đất nước.

Ở Trường Tiểu học Chuyên Ngoại, bên cạnh việc được hỗ trợ xây dựng tượng đài tưởng niệm Anh hùng Dương Văn Nội, nhà trường còn duy trì tốt các giờ học nhạc, các chương trình phát thanh măng non, phát động phong trào xây dựng mỗi chi đội, mỗi đội viên trở thành các tuyên truyền viên măng non, thường xuyên tuyên truyền về lịch sử quê hương cũng như tinh thần quả cảm của người Anh hùng nhỏ tuổi Dương Văn Nội. Từ đó, hình ảnh người Anh hùng Dương Văn Nội với sự mưu trí, gan dạ, kiên cường hiện lên sinh động và rõ nét hơn bao giờ hết.

Xác định được tầm quan trọng của việc bồi đắp tư tưởng, tình cảm của học sinh đối với lịch sử, văn hóa, truyền thống quê hương, từ năm học 2013-2014, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai chương trình giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường học và biên soạn bộ “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hà Nam”.

Bộ tài liệu được biên soạn cho các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với bố cục ngắn gọn, nội dung khúc triết, tích hợp được các giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương, giúp học sinh dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Trong đó, ở từng khối lớp, nội dung giảng dạy cũng được xây dựng phù hợp.

Đối với giáo dục cấp trung học, nếu ở phần kế thừa, phát huy truyền thống quê hương Hà Nam có giới thiệu về các lễ hội làng nghề truyền thống, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa… thì ở phần giáo dục lý tưởng cho học sinh tập trung ca ngợi những tấm gương Anh hùng tiêu biểu như: Đinh Công Tráng, Anh hùng nhỏ tuổi Dương Văn Nội, 10 cô gái dân quân Lam Hạ. Hay như phần Thanh niên Hà Nam trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước lại nêu bật các gương mặt trẻ tuổi hiếu học, những thanh niên đam mê sáng tạo, làm kinh tế giỏi.

Ở cấp tiểu học, hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương được khuyến khích giảng dạy thông qua các tiết học Mĩ thuật, Âm nhạc, các tiết học ngoại khóa trong nhà trường. Phương pháp học mà chơi, chơi mà học giúp học sinh dễ dàng tiếp thu nội dung bài giảng, có thể nhớ lâu, nhớ kỹ về các giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương. Trên thực tế, bộ “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hà Nam” ngoài chức năng định hướng còn có tính chất gợi mở để các nhà trường, giáo viên tham khảo, sử dụng và biên soạn các chủ đề, chủ điểm giáo dục phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương.

Có tác dụng hỗ trợ không nhỏ cho chất lượng giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương là các hoạt động mang tính “mở” được các nhà trường linh hoạt tổ chức thực hiện như: cho học sinh xem các phim tư liệu văn hóa và lịch sử, đưa học sinh đi thăm quan các bảo tàng, di tích, khu tưởng niệm, các làng nghề truyền thống, dạy hát các làn điệu dân ca, liên hoan văn nghệ, thi tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề…Từ đó, học sinh đã có thêm cơ hội được tìm hiểu, khám phá, mở rộng phông kiến thức về văn hóa, lịch sử của quê hương, khơi gợi được những tình cảm tự nhiên. Và, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào và ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa quê hương sẽ như những dòng nước mát lành thấm dần trong tâm thức, nuôi dưỡng tâm hồn của các em.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy