Quan tâm môn học Âm nhạc trong các trường tiểu học

Chương trình giáo dục tiểu học có sự đa dạng về nội dung nhằm phát triển toàn diện cho học sinh cả trí tuệ, thể chất, tình cảm, thẩm mĩ. Trong đó, âm nhạc là một trong những môn học được đánh giá có sức ảnh hưởng tương đối lớn tới sự phát triển của học sinh. Nhận thức được điều này, trong các trường tiểu học ở Hà Nam hiện việc dạy và học môn Âm nhạc đang rất được quan tâm.

Từ năm 2006, môn Âm nhạc được đưa vào giảng dạy chính thức ở cấp tiểu học với các phân môn gồm học hát, phát triển khả năng âm nhạc, tập đọc nhạc. Trong độ tuổi tiểu học, nhiều học sinh đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc tương đối tốt.  Được trải nghiệm và khám phá nghệ thuật âm nhạc thông qua nhiều hình thức hoạt động, từ đó giúp các em hình thành năng lực giao tiếp và hợp tác, bước đầu hình thành năng lực âm nhạc dựa trên kiến thức và kỹ năng âm nhạc phổ thông, hình thành năng lực tự chủ và tự học, phát huy tiềm năng hoạt động âm nhạc và sáng tạo. 

Quan tâm môn học Âm nhạc trong các trường tiểu học
Có trình độ chuyên môn vững vàng lại được dạy học trong điều kiện tốt giúp giáo viên dạy môn Âm nhạc, Trường Tiểu học Liêm Chính (thành phố Phủ Lý) luôn hoàn thành đúng nội dung chương trình.

Được biết, trong việc dạy môn Âm nhạc thời gian qua, các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nam đã triển khai thực hiện ở tất cả các dạng hoạt động âm nhạc, như: dạy hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc, học sinh được làm quen với việc thể hiện được tình cảm, tính chất của các bài hát qua kể chuyện. Bản thân các giáo viên khi trực tiếp dạy môn Âm nhạc đều nhận thấy rõ sự tác động tích cực của âm nhạc đối với tâm lý, tình cảm của học sinh. Trong khi đó, khả năng cảm thụ âm nhạc của nhiều học sinh tiểu học hiện được đánh giá có nhiều biểu hiện tích cực, có khả năng phân biệt và so sánh được âm thanh cao, thấp, nhịp độ nhanh hay chậm, tính chất của bài hát là vui, sôi nổi hay êm ái, dịu dàng. 

Ở một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, môn Âm nhạc đã dần thoát khỏi sự mặc định là một môn học phụ, có sự quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất (bao gồm phòng âm nhạc, công cụ và phương tiện dạy học), đội ngũ, phương pháp giảng dạy bài bản với quy trình giảng dạy, kết hợp xây dựng phong trào hát múa tập thể, lồng ghép các trò chơi đồng dao trong các buổi ngoại khóa.

Theo chia sẻ của một số giáo viên dạy môn Âm nhạc, để những tiết học nhạc đạt hiệu quả, giáo viên có thể chia nhỏ kiến thức thành từng phần, kết hợp với các buổi thuyết trình, trò chơi âm nhạc nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Đặc biệt, với thời lượng một tiết/tuần, giáo viên có thể nghiên cứu, sắp xếp xen kẽ luân phiên 3 phân môn hát, nhạc lý - tập đọc nhạc và âm nhạc thường thức một cách linh hoạt để tránh cảm giác nhàm chán cho học sinh. Việc lồng ghép dạy âm nhạc với các hoạt động giáo dục trong và ngoài lớp cũng được nhiều giáo viên chú trọng, xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, khai thác và sử dụng hiệu quả nhiều phương pháp dạy học âm nhạc cơ bản, như: truyền khẩu, thuyết trình, thực hành nghệ thuật, dùng hình ảnh minh họa, đồ dùng trực quan, tạo sự hào hứng cho trẻ trong các hoạt động…

Nếu như trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn Âm nhạc được ghép với môn học mĩ thuật tạo thành môn học nghệ thuật và ít có sự quan tâm thì ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, đây đã được coi là một môn học độc lập, bắt buộc, bắt đầu có sự nhìn nhận mới hơn, tích cực hơn về giá trị thực tế. Ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, học sinh chỉ đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay. Từ lớp 4 trở lên, cần kết hợp hai kỹ năng: đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay và đọc nhạc theo kí hiệu ghi nhạc. Nội dung môn học bao gồm những kiến thức và kỹ năng về hát, chơi nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lí thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Thời lượng dạy học ở mỗi lớp là 35 tiết/ năm học. Với những thay đổi đó đã tạo nhiều hơn những điều kiện cho môn Âm nhạc có được vị trí quan trọng trong hệ thống các môn học dành cho học sinh tiểu học.

Song, cũng cần thấy rõ, chất lượng giáo dục âm nhạc trong trường tiểu học hiện vẫn chưa được như mong muốn bởi bị phụ thuộc nhiều yếu tố. Với tâm lý xem môn âm nhạc là môn phụ nên học sinh cũng học theo kiểu “giải trí”, nhiều học sinh không đọc được nốt nhạc, chủ yếu xem giáo viên biểu diễn nhạc cụ là chính. Các tiết học âm nhạc vì thế diễn ra khá thụ động, thiếu tương tác. Ngược lại, có một số học sinh rất thích hát dân ca, nhưng do số bài hát được học quá ít nên khó giúp các em yêu mến và gắn bó. Hơn nữa, học sinh ở độ tuổi tiểu học rất dễ tiếp thu cái mới, nhưng cũng rất dễ nhàm chán nên với thời lượng giờ học âm nhạc ít, một tiết/tuần sẽ không đủ để các em cảm thụ âm nhạc nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng.

Cùng với đó, vẫn có cô giáo dạy âm nhạc nhưng hát còn chưa hay, chưa truyền cảm; một số giáo viên sử dụng nhạc cụ trong giờ dạy chưa đạt được hiệu quả; các dạng hoạt động âm nhạc được sử dụng trong quá trình giảng dạy còn mang tính rập khuôn, máy móc, ít sáng tạo… ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp cận và tiếp thu âm nhạc cho phát triển chung của học sinh.

Một số nghiên cứu đã khuyến nghị các nhà trường, giáo viên và các bậc cha mẹ nên khuyến khích, cổ vũ, tạo điều kiện cho học sinh tiểu học làm quen sớm với âm nhạc để làm nảy sinh những cảm nhận xác thực, sinh động thúc đẩy trẻ tư duy tích cực và phát triển khả năng ngôn ngữ, giúp trẻ phát huy trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo. Âm nhạc chính là “chất liệu” vô cùng hữu hiệu để giúp học sinh thông minh, tự tin hơn, biết cách thể hiện chính mình, rèn cho trẻ tính kiên nhẫn và cải thiện khả năng giao tiếp…

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy