kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Những vấn đề đặt ra khi triển khai chương trình giáo dục mới cấp THPT

Những vấn đề đặt ra khi triển khai chương trình giáo dục mới cấp THPT

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ở cấp THPT sẽ được triển khai thực hiện trong năm học 2022 - 2023 nhưng từ nay cho tới khi chính thức thực hiện chương trình vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập về đội ngũ cần được quan tâm giải quyết.

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp học THPT) được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện tích cực cho người học. Đồng thời, bảo đảm sự định hướng thống nhất các nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh, vừa trao quyền chủ động cho địa phương và các nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục một cách hiệu quả nhất. 

Với những yêu cầu mới này, ngành giáo dục, các nhà trường và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT trong tỉnh cũng xác định rõ trách nhiệm tích cực đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó, cơ bản nhất là thay đổi nhanh, có chất lượng về phương pháp dạy học.

Để thực hiện tốt các yêu cầu của chương trình GDPT mới, đội ngũ giáo viên  phải chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy.

Chương trình GDPT mới đã cụ thể hóa được mục tiêu giáo dục phổ thông, có sự kết nối chặt chẽ giữa các cấp học và liên thông chương trình giáo dục các cấp học.

Hệ thống các môn học của chương trình GDPT mới ở cấp THPT được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Thời lượng thực học các môn học của cả chương trình GDPT tương đương với 37 tuần.

Với sự rõ ràng về cả nội dung và thời gian chương trình như vậy sẽ giúp các trường THPT có sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng mới như: tự cấu trúc lại chương trình giảng dạy, giảm tải những nội dung quá khó hoặc không cần thiết đối với học sinh, tăng cường các nội dung mang tính thực hành, ứng dụng và các hình thức tổ chức dạy học giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn và tăng cường khả năng tư duy sáng tạo, năng lực vận dụng kiến thức môn học, kiến thức liên môn trong giải quyết các tình huống của học sinh.

Theo thầy giáo Dương Việt Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT A Kim Bảng, mỗi giáo viên cũng phải có sự chủ động riêng cho mình trong việc lập kế hoạch làm việc, đổi mới phương pháp dạy học sao cho từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Về phía nhà trường, bên cạnh việc tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành về xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh cũng có kế hoạch thực hiện rà soát nội dung chương trình hiện hành, thống nhất chủ đề dạy học các môn học.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, song nhà trường cũng xây dựng được kế hoạch tổ chức một số hoạt động giáo dục dành cho học sinh theo định hướng của chương trình GDPT mới.

Đồng quan điểm này, lãnh đạo nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh cũng khẳng định, việc đổi mới tư duy quản lý và phương pháp dạy học là yếu tố quan trọng nhất để “đón đầu” chương trình GDPT mới.

Trong các trường, vai trò và trách nhiệm thực hiện đổi mới được phân định rất cụ thể. Theo đó, vai trò của các hiệu trưởng được thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương đổi mới, tích cực đôn đốc và tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra, đánh giá, triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy mang tính sáng tạo.

Các tổ trưởng chuyên môn căn cứ vào đặc điểm môn học, thực tế về số lượng và năng lực giáo viên bộ môn phải làm tốt việc tham mưu, đề xuất các biện pháp giảng dạy tích cực, có trách nhiệm thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để bàn về các biện pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá phù hợp với từng đối tượng học sinh, thống nhất các chủ đề dạy học.

Về phía giáo viên đều cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới, mỗi giáo viên cần phải xem việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh là một việc làm thường xuyên, được cụ thể ngay trong tất cả các khâu của quá trình dạy học. Hơn thế, người giáo viên ngoài yêu cầu nắm vững phương pháp, kỹ năng dạy học cũng như tổ chức các hoạt động và quản lý học sinh còn cần có ý thức tự trau dồi nâng cao trình độ thông qua việc chủ động học tập kinh nghiệm, nghiên cứu cách dạy hay, tham gia nghiêm túc và vận dụng triệt để các nội dung được tập huấn về chuyên môn.

Chương trình GDPT mới ở cấp THPT sẽ được triển khai thực hiện trong năm học 2022 - 2023 nhưng từ nay cho tới khi chính thức thực hiện chương trình vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập về đội ngũ cần được quan tâm giải quyết.

Thứ nhất, cùng với việc tổ chức tích hợp liên môn một số môn học, học sinh cấp THPT còn được tự chọn các môn học, điều này chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các năm học.

Thứ hai, để bảo đảm sự cân đối các giờ dạy, môn học sẽ có sự điều động giáo viên giữa các trường với nhau nhưng việc làm thế nào để quản lý chất lượng chuyên môn, đánh giá chuẩn nghề nghiệp đối với các giáo viên thuộc diện biệt phái và đối với công tác thi đua của các nhà trường cũng không đơn giản.

Thứ ba, cho tới thời điểm này, đội ngũ giáo viên THPT chưa được tham gia một buổi tập huấn nào về nội dung chương trình, đang rất cần được bồi dưỡng nhanh về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy từ tổng thể đến từng môn học theo chương trình mới…

Tỉnh Hà Nam hiện có hơn 1.300 giáo viên cấp THPT, trong đó 100% giáo viên đạt chuẩn và gần 14% có trình độ trên chuẩn. Tuy nhiên, theo cô giáo Nguyễn Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường THPT B Phủ Lý, do đã quá quen với lối tư duy, cách làm truyền thống nên việc đổi mới không hề dễ dàng, còn không ít giáo viên ngại đổi mới, không muốn đổi mới vì sẽ vất vả, khó nhọc hơn. Vì vậy, trong thực hiện chương trình GDPT mới cần có sự khảo sát, đánh giá lại năng lực nghề nghiệp của đội ngũ, có sự đối chiếu với yêu cầu của chương trình để phân loại giáo viên…

Song song với đó, vấn đề bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ về năng lực sư phạm, thay đổi phương pháp dạy sang đào tạo cũng cần được xem xét thực hiện theo hướng khắc phục những điểm yếu về năng lực của đội ngũ, trang bị cho giáo viên nhiều hơn nữa kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Đồng thời, cần có sự đầu tư thiết thực, hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để hỗ trợ giáo viên trong suốt quá trình thực hiện đổi mới, bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy