Với mục đích giúp cho học sinh có cơ hội tìm hiểu giá trị nghệ thuật, giá trị nội dung, giá trị nhân văn của các tác phẩm văn học nói riêng; khơi dậy và khuyến khích học sinh có tố chất được làm quen với việc sáng tác thơ văn cũng như niềm yêu thích học môn Ngữ văn nói chung, những năm qua, Trường THPT chuyên Biên Hòa đã nỗ lực duy trì và tổ chức nhiều hoạt động giáo dục có ý nghĩa, thu hút đông học sinh tham gia.
Tuy không tổ chức được thường xuyên các hoạt động ngoại khóa nhưng Tổ Ngữ văn của nhà trường đã phối hợp tổ chức được một số hoạt động tích cực, với sự tham gia của nhiều khách mời là các chuyên gia nghiên cứu văn học, các nhà thơ, nhà văn. Trong Chương trình nói chuyện văn chương với chủ đề: “Học văn, những gợi dẫn về đọc và viết”, các giáo viên tổ Ngữ văn cùng toàn thể học sinh lớp 10, 11, 12 chuyên Văn và học sinh giỏi văn các lớp THCS của trường đã được gặp gỡ, giao lưu với những diễn giả nổi tiếng đến từ Khoa Viết văn, Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Tại đây, giáo viên và học sinh đã gửi gắm tới các vị khách mời nhiều câu hỏi, những thắc mắc mong muốn được làm sáng tỏ. Trong đó, có khá nhiều câu hỏi, cách đặt vấn đề có tính gợi mở hay như: Làm thế nào để chỉ ra cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học ngoài chương trình và cũng chưa được đọc nhiều tài liệu tham khảo? Ngày nay, vẫn còn một bộ phận học sinh chỉ học văn như một môn học bắt buộc, máy móc và miễn cưỡng, liệu có cách truyền tải kiến thức văn học nào vượt qua lối mòn, thu hút được nhiều sự chú ý và cảm hứng học văn của học sinh hơn không? Đâu là kinh nghiệm chọn sách và đọc sách để tiếp lửa đam mê cho học sinh chuyên Văn? Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, vậy đâu là tiêu chí để chọn văn bản tác phẩm phù hợp để giáo viên lựa chọn, tạo sự hấp dẫn với học sinh? Một số kĩ năng để làm nên nét riêng trong cách viết của bản thân và những cách để tìm kiếm tư liệu khi viết văn? Cách tối ưu trong việc tiếp nhận một tác phẩm văn học trong nhà trường là thế nào để việc học của học sinh không trở thành lối mòn sáo rỗng hoặc sai phương hướng? Gợi ý cách viết phần đánh giá, mở rộng, nâng cao cho hiệu quả, bảo đảm kiến thức vừa sâu vừa rộng cho những bài nghị luận văn học? Trong thế giới tác phẩm rất phong phú của các nhà văn trẻ hiện nay, khách mời có thể định hướng, gợi ý một số những tác giả và tác phẩm văn học đương đại phù hợp cho lứa tuổi học sinh trong chương trình phổ thông, phục vụ tốt cho quá trình học tập, nâng cao khả năng văn chương của học sinh?...
Cho rằng, học sinh của nhà trường vẫn dành một tình yêu và sự quan tâm nhất định tới văn học, các diễn giả đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đọc sâu, đọc rộng văn chương kim cổ; cách viết cho hay, viết cho cá tính hay lối viết phá cách, lối dụng từ, chơi chữ độc đáo làm giàu hơn cho ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt, các diễn giả cũng trao đổi những kinh nghiệm lựa chọn tác phẩm, lựa chọn ngữ liệu để cùng đồng hành với giáo viên Ngữ văn trong hành trình mang tình yêu văn học đến với các em học sinh- nhất là khi hiện nay môn Ngữ văn cấp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã và đang đặt ra cho cả người dạy và người học nhiều yêu cầu đổi mới khác biệt… Những quan điểm, sự chia sẻ kinh nghiệm đó không chỉ mang tới cho giáo viên và học sinh sự tâm đắc, hứng thú mà còn tạo động lực để việc dạy và học môn Ngữ văn trong nhà trường có thêm nhiều thay đổi tích cực.
Vào đầu năm 2023, nhà trường tổ chức buổi sinh hoạt CLB Văn học- Nghệ thuật với sự tham dự của các đại biểu đến từ Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nam. Theo chia sẻ của cô giáo Trần Thị Hạnh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT chuyên Biên Hòa, đây là một hoạt động ngoại khóa bổ ích, thú vị khi các khách mời đã chia sẻ nhiều thông tin quý báu không có trong sách giáo khoa về các tác giả, tác phẩm văn học Hà Nam và các tác giả, tác phẩm đầu thế kỉ XXI. Trong phần giao lưu trả lời câu hỏi, các vị khách mời đã có những chia sẻ chân thành giữa việc sáng tác nghệ thuật và thực tế cuộc sống cá nhân; làm nóng bầu không khí với những vần thơ trong trẻo, lấy cảm hứng từ chính cuộc đời…
Qua đó, giúp giáo viên, học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về quá trình sáng tác văn chương của các nhà văn, nhà thơ. Đồng thời, giúp buổi sinh hoạt cơ bản đạt được một số mục đích: tìm hiểu về văn học Hà Nam; kết nối tác giả, tác phẩm với bạn đọc, nhằm thúc đẩy văn hóa đọc và khơi dậy tình yêu văn chương, tình yêu quê hương đất nước của học sinh, nhất là học sinh các lớp chuyên Văn và học sinh đội tuyển Văn THCS; phát huy năng khiếu, sở trường văn chương của giáo viên và học sinh, giúp Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và nhà trường có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển hội viên mới.
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (đối với học sinh cấp THPT), với mục tiêu giúp cho học sinh nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động học tập, thực tiễn đời sống cũng như tiếp cận gần hơn với một số nội dung liên quan tới định hướng nghề nghiệp, đáp ứng sở thích và nhu cầu học tập của học sinh, tuy thời lượng nội dung môn Ngữ văn vẫn được cơ cấu số tiết/năm học tương đương chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng được nâng cao hơn về cả nội dung và hướng tới sự phân hóa.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường chủ động nghiên cứu, tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục liên quan tới việc dạy và học môn Ngữ văn bảo đảm sát, đúng chương trình và hướng tới việc tăng cường chất lượng môn học, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận, làm quen với những phương pháp học, thậm chí sáng tác văn chương tích cực. Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, nhà trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn và giáo viên Ngữ văn thực hiện đổi mới 100% tiết dạy, linh hoạt và sáng tạo tổ chức các hình thức dạy học lồng ghép giữa kiến thức sách vở với thực tiễn. Đa số giáo viên đã làm tốt được yêu cầu đổi mới, hướng dẫn và tổ chức cho học sinh tham gia trực tiếp vào nhiều hoạt động giáo dục chính khóa như: tìm hiểu văn học qua Giáo dục địa phương, sân khấu hóa các tác phẩm văn học, động viên học sinh viết văn ngẫu hứng hoặc theo chủ đề tự do…
Có thể thấy, việc học văn của học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa đã được nâng lên ở một tầm mới từ cách thay đổi và tư duy đổi mới trong dạy học, cách tổ chức các hoạt động trải nghiệm; học sinh không còn thờ ơ với văn chương, thậm chí có không ít học sinh có ý thức học văn rất tốt, tham gia tích cực vào các hoạt động do nhà trường, lớp học tổ chức. Đó cũng là nền tảng quan trọng để nhà trường thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục đại trà, bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn.
Thanh Hà