Lý Nhân quan tâm nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi

Thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng HSG, bên cạnh việc đầu tư, chuẩn bị tốt nhất về đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục và các địa phương trên địa bàn huyện Lý Nhân đã có sự quan tâm đặc biệt tới việc tăng cường cơ sở vật chất và các nguồn lực khác cho các trường học, đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và công tác phát hiện, bồi dưỡng HSG, học sinh có năng khiếu nói riêng.

Theo cô giáo Đỗ Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Cao (huyện Lý Nhân), để nâng cao được chất lượng bồi dưỡng HSG, khâu quan trọng nhất là phải có nguồn tốt mới có thể lựa chọn được những học sinh hội tụ đủ các yếu tố năng lực, tư duy sáng tạo và đam mê môn học vào các đội tuyển dự thi chọn HSG.

Như với Trường THCS Nam Cao, do có sự đổi mới về cơ chế tuyển sinh, xây dựng môi trường học tập tích cực, đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, trình độ chuyên môn tốt và được công nhận trường chất lượng cao, giúp nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục và bảo đảm tốt chất lượng đầu vào và tiếp tục duy trì, giữ vững vị trí top đầu trong các kỳ thi chọn HSG các môn văn hóa của tỉnh.

Lý Nhân quan tâm nâng cao chất lượng  công tác bồi dưỡng học sinh giỏi
Giáo viên Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân) chủ động thực hiện nhiều biện pháp để phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu.

Được biết, ngay từ đầu mỗi năm học ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể đối với công tác bồi dưỡng HSG; thực hiện phân công chuyên môn hợp lý, bảo đảm chọn lựa những giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm và việc phân công này được thực hiện theo hướng ổn định.

Đặc biệt, nhà trường chủ trương giao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng, giúp giáo viên linh hoạt, sáng tạo về phương pháp và nội dung bồi dưỡng. Đồng thời, trang bị đầy đủ sách nâng cao, tài liệu tham khảo cho giáo viên được phân công dạy bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Có sự động viên, khuyến khích, kịp thời đối với giáo viên và học sinh tham gia bồi dưỡng HSG có thành tích cao.

Về phía giáo viên, việc phát hiện và tự bồi dưỡng học sinh có năng khiếu các môn học được thực hiện ngay trên từng tiết dạy. Thông qua nhiều biện pháp, khi phát hiện những học sinh có khả năng, tư chất, trí tuệ, lòng đam mê đối với các môn học, giáo viên các bộ môn sẽ lựa chọn, khuyến khích các em tham gia học đội tuyển, chủ động tạo nguồn HSG thi cấp huyện, cấp tỉnh. Trong đó, việc tạo nguồn cho các đội tuyển HSG dự kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, bảo đảm công bằng giữa các học sinh được lựa chọn từ Trường THCS Nam Cao và các học sinh được gọi bổ sung  từ các đơn vị trường học khác trên địa bàn. 

Sau khi thành lập được các đội tuyển thi tỉnh, Phòng GD&ĐT huyện còn chỉ đạo Trường THCS Nam Cao và các giáo viên lãnh đội xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức dạy bồi dưỡng theo từng giai đoạn, có sự đánh giá năng lực học sinh một cách thường xuyên để chủ động điều chỉnh nội dung kiến thức kịp thời khắc phục những hạn chế trong quá trình học tập của học sinh tham gia đội tuyển. Công tác bồi dưỡng được nhà trường thực hiện thường xuyên theo thời khóa biểu đã được xây dựng, thống nhất, giúp học sinh không rơi vào tình trạng học tập quá tải và làm ảnh hưởng đến kết quả học tập các môn học khác của học sinh. 

Không chỉ ở Trường THCS Nam Cao mà tại hầu hết các trường học trên địa bàn huyện, công tác phát hiện, bồi dưỡng HSG cũng được quan tâm thực hiện nền nếp, có chất lượng, phù hợp với thực tế của nhà trường.

Thực tế khẳng định, muốn có HSG phải có thầy giỏi, vì thế các giáo viên được phân công nhiệm vụ bồi dưỡng HSG đều có ý thức tự rèn luyện, tích lũy tri thức và kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, chủ động tự học và tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ. Theo đó, trong công tác bồi dưỡng HSG, giáo viên đã chủ động biên soạn chương trình, nội dung bồi dưỡng rõ ràng, cụ thể, chi tiết về từng mảng kiến thức; rèn luyện và bồi dưỡng học sinh theo quy trình từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để học sinh bắt nhịp dần. Đồng thời, xác định rõ trọng tâm kiến thức giảng dạy, bồi dưỡng giúp học sinh tự vận dụng thành thạo phương pháp, kỹ năng; có biện pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp để phát hiện và bồi dưỡng kịp thời đối với HSG. Về cơ bản, các giáo viên đều thực hiện phương châm: dạy chắc cơ bản rồi dạy nâng cao thông qua những bài luyện, dạy theo chuyên đề cụ thể.

Những nỗ lực và sự cố gắng từ nhiều phía đối với công tác bồi dưỡng HSG của huyện Lý Nhân đã giúp duy trì và giữ vững vị trí dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giải và số lượng giải qua các kỳ thi chọn HSG. Trong năm học 2021 - 2022, Lý Nhân đã có 65/80 học sinh đoạt giải thi HSG văn hóa lớp 9 cấp tỉnh; 35 học sinh tiểu học và 55 học sinh cấp THCS đoạt giải trong các cuộc thi dành cho HSG cấp quốc gia…

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.