Kim Bảng tăng cường dạy tiếng Anh trong các trường tiểu học

Những năm qua, việc dạy ngoại ngữ (tiếng Anh) cho học sinh tiểu học trên địa bàn huyện Kim Bảng đã được quan tâm triển khai thực hiện, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện cả về nội dung và phương pháp, mang tới cho giáo viên và học sinh thêm nhiều cơ hội được dạy và học ngoại ngữ một cách thiết thực, hiệu quả hơn.

Tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện, mặc dù xác định trước được những khó khăn sẽ gặp phải, nhất là sự thay đổi về cách dạy, cách học ngoại ngữ theo lối truyền thống chủ yếu là về ngữ pháp, cấu trúc, nay chuyển sang phải bảo đảm đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu Âu, song hầu hết các nhà trường đã có những cách thức thực hiện khá bài bản, đúng định hướng. Đồng thời, nỗ lực xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ, có nhiều giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng dạy học, đa dạng hóa môi trường giao tiếp để nâng cao kỹ năng nghe nói; khuyến khích học sinh tham gia câu lạc bộ, sân chơi, giao lưu trên mạng; khuyến khích học sinh và giáo viên sử dụng tiếng Anh qua nhiều hình thức. 

Kim Bảng tăng cường dạy tiếng Anh trong các trường tiểu học
Học sinh Trường Tiểu học Văn Xá (Kim Bảng) đã được học ngoại ngữ theo hướng phát triển đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, từng bước đáp ứng các yêu cầu môn học.

Năm học này, Trường Tiểu học Văn Xá vẫn được đánh giá là một trong 18 trường tiểu học của huyện Kim Bảng có chất lượng dạy và học tiếng Anh ổn định, hiệu quả. Thầy giáo Trương Công Sức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường, đến nay 100% học sinh các lớp 3, 4, 5 được học chương trình làm quen với tiếng Anh theo chuẩn quy định và 100% học sinh lớp 1, 2 học tiếng Anh Phonics. Chất lượng dạy và học tiếng Anh của nhà trường nhiều năm qua có sự bứt phá nhanh. Nếu như trong giai đoạn 2008-2016, do chỉ thực hiện 2 tiết/tuần đối với môn tiếng Anh nên học sinh gần như chỉ được học, làm quen với 2 kỹ năng đọc và viết thông thường. Nhưng ở giai đoạn này, với việc tăng cường gấp đôi số tiết học/tuần đã tạo điều kiện để học sinh được tiếp cận, làm quen và dần thành thạo tất cả 4 kỹ năng quan trọng của quá trình học tiếng Anh là nghe, nói, đọc, viết. Kết quả học tập đại trà môn học của học sinh các khối hằng năm đều vượt chỉ tiêu, tỉ lệ học sinh khá-giỏi tăng đều; nhà trường thường xuyên ở top đầu của huyện trong các cuộc giao lưu, sân chơi tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học.

Khi triển khai thực hiện việc dạy và học tiếng Anh, các trường tiểu học của huyện đã có các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Yếu tố quan trọng nhất là các trường đều chuẩn bị được đội ngũ giáo viên tiếng Anh có trình độ chuẩn.

Bà Phạm Thị Minh Ngà, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Bảng cho biết: Hiện tại, toàn huyện có 46 giáo viên tham gia dạy tiếng Anh tại 18 trường tiểu học. Đây là những giáo viên không chỉ có trình độ, năng lực tiếp cận tốt với học sinh mà hầu hết đều là giáo viên dạy giỏi các cấp. Có được đội ngũ cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng tốt đã giúp ngành giáo dục huyện triển khai tốt các yêu cầu về dạy học ngoại ngữ trong nhà trường. Hơn thế, đội ngũ giáo viên tiếng Anh đã thực sự chủ động thực hiện dạy tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bảo đảm được chất lượng dạy và học ngay từ học kỳ đầu tiên.

Trong điều kiện thực tế của từng đơn vị, các nhà trường đã chỉ đạo giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nhằm hướng tới việc xây dựng một nền tảng về cả ý thức và năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên sẵn sàng tham gia giảng dạy chương trình.

Cô giáo Nguyễn Thị Sửa, giáo viên Trường Tiểu học Văn Xá chia sẻ: Khi dạy theo chương trình ngoại ngữ mới, giáo viên không có quá nhiều áp lực về nghiệp vụ bởi mặc dù việc phân bố số tiết và nội dung chương trình có thay đổi, song là sự thay đổi tích cực, có giá trị đối với cả giáo viên và học sinh. Giáo viên thiết kế được các bài giảng và các bài kiểm tra phù hợp với lượng kiến thức đã cung cấp cho học sinh, là điều kiện giúp cho giáo viên tự đổi mới mình, có cơ hội mở rộng thông tin, tăng cường các kỹ năng trong từng đơn vị bài học…

Còn với cô giáo Phạm Thị Hà (giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Thi Sơn), để từng bước thực hiện được yêu cầu đổi mới dạy học ngoại ngữ, mỗi giáo viên cần có sự đổi mới trong cách dạy của chính mình, sẽ phải khắc phục và bỏ dần việc giáo viên độc thoại, học sinh chép và học thuộc lòng các từ, mẫu câu, hạn chế khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Bên cạnh việc nắm chắc chương trình, giáo viên còn phải thay đổi phương pháp dạy học theo hướng phù hợp với nhiều đối tượng học sinh để học sinh phát huy được năng lực học tập, có sự say mê, yêu thích môn học cũng như tạo không khí học tập hứng khởi cho cả thầy và trò…

Nhằm tạo thuận lợi trong việc triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học, từ nhiều nguồn kinh phí, ngành giáo dục và các địa phương trong toàn huyện đã đầu tư xây dựng đầy đủ phòng học ngoại ngữ cho 100% trường tiểu học, một số trường có từ 2-3 phòng học ngoại ngữ được trang bị tương đối đầy đủ các trang thiết bị. Cùng với hoạt động học chính khóa, các trường tiểu học trên địa bàn còn tổ chức có hiệu quả các tiết học tự chọn, các chương trình bổ trợ, thành lập câu lạc bộ “Em yêu tiếng Anh”… với nhiều hoạt động hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi, tăng cường khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng Anh và khắc phục dần sự nhút nhát, thiếu tự tin của học sinh.

Theo đánh giá, với yêu cầu chú trọng thực hiện đánh giá thường xuyên; bài kiểm tra định kỳ đã đánh giá đủ cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, tỉ lệ học sinh hoàn thành tốt môn học luôn đạt cao. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng có thể thấy, việc tổ chức dạy và học tiếng Anh trong các trường tiểu học trên địa bàn huyện Kim Bảng đã được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thu hút sự quan tâm của các cấp quản lý, cha mẹ học sinh và sự tham gia tích cực của học sinh.

Trên cơ sở đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh, ngành giáo dục huyện sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa việc dạy và học tiếng Anh trong các trường tiểu học, tạo tiền đề giúp học sinh tiếp cận với phương pháp học ngoại ngữ mới, giúp đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh và các nhà trường tích lũy tài liệu, kinh nghiệm dạy học, kiểm tra, đánh giá theo chương trình mới và tổ chức thực hiện tốt hơn các yêu cầu dạy, học ngoại ngữ trong nhà trường.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy