Phong trào tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học được toàn ngành giáo dục triển khai thực hiện với mục đích phát huy sức sáng tạo của đội ngũ giáo viên, tự trang bị và củng cố về cả số lượng cũng như chất lượng trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ tốt hơn yêu cầu dạy và học thực tế, góp phần thực hiện đổi mới giáo dục toàn diện…
Sau rất nhiều sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, của chính quyền và người dân địa phương, cùng sự nỗ lực tự thân, đến nay, Trường Mầm non Liêm Chính (TP Phủ Lý) đã có được một cơ ngơi khang trang, đẹp đẽ, trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng dạy học được bổ sung, mua sắm dần đầy đủ hơn. Tuy nhiên, theo cô giáo Ngô Thị Bạch Mai, Hiệu trưởng nhà trường, do yêu cầu dạy và học có nhiều thay đổi, đòi hỏi ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ, để có được những trang thiết bị, đồ chơi, đồ dùng dạy học vừa đủ về số lượng, vừa phù hợp với nội dung đổi mới giáo dục đặt ra cho nhà trường không ít vấn đề cần giải quyết. Trong điều kiện kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, việc xã hội hóa cho mua sắm đồ chơi, đồ dùng dạy học có nhiều khó khăn, thì phong trào vận động giáo viên các nhà trường tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học do ngành phát động và triển khai thực hiện thực sự quan trọng và có ý nghĩa giáo dục cao. Nhà trường luôn coi phong trào là một trong những nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua dành cho các giáo viên. Các giáo viên cũng có nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của phong trào nên đã tích cực tham gia. Vì vậy, phong trào tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học của nhà trường đã thành nền nếp, giúp nhà trường chủ động được số lượng đồ chơi, đồ dùng dạy học…
Giáo viên Trường Mầm non Tiên Tân (thành phố Phủ Lý) hướng dẫn trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm làm bình lọc nước. Ảnh: Hà Trần
Trên thực tế, đồ chơi, đồ dùng dạy học được các giáo viên tự làm tương đối đa dạng, phong phú và rất đẹp mắt, trở thành những giáo cụ trực quan gần gũi, dễ hiểu và đồ chơi ngộ nghĩnh với học sinh, nhất là học sinh lứa tuổi mầm non. Từ những vật liệu tận dụng trong sinh hoạt hằng ngày, trong đó đa phần là đồ phế liệu, như: vỏ chai nhựa, hộp xốp, len, bìa, vải vụn… qua đôi bàn tay khéo léo và óc tưởng tượng đầy sáng tạo của các cô giáo đã trở thành vô số đồ chơi ngộ nghĩnh, độc đáo, những đồ dùng dạy học thiết thực, sống động, đẹp mắt. Từ đó lôi cuốn sự tìm hiểu của học sinh, có tác dụng lớn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện trên nhiều lĩnh vực, như: phát triển trí tuệ, phát triển ngôn ngữ, âm nhạc… Qua đó cũng khẳng định tính sáng tạo, sự dày công, tính kiên trì và lòng yêu nghề của đội ngũ giáo viên. Chỉ từ những hộp giấy, bìa cứng, cùng một số phụ liệu rẻ tiền, đã có cả một vườn thú sinh động. Hay đơn giản hơn, từ chiếc bàn chải đánh răng hết hạn sử dụng và những chiếc vỏ sò, nắp chai nhựa, thìa nhựa được khéo léo tạo thành những đồ dùng dạy học giúp học sinh làm quen với biểu tượng toán học sơ đẳng, nhận biết môi trường xung quanh…
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhật Tân (Kim Bảng) chia sẻ: Thực sự khó khăn và không tạo được hiệu quả giáo dục cao khi thiếu đồ chơi và đồ dùng dạy học. Nếu chỉ trông vào số lượng đồ chơi, đồ dùng dạy học được đầu tư, mua sắm theo chỉ tiêu từng năm học thì không bảo đảm chất lượng dạy và học thực tế. Phong trào tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học rất thiết thực với mỗi giáo viên, giúp họ tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện đổi mới giáo dục, mang đến cho học sinh nhiều hơn các loại đồ chơi, tạo cho chính các giáo viên những đồ dùng dạy học phù hợp nhất, giá trị nhất theo nội dung, chương trình giáo dục chung…
Ở các cấp học phổ thông, phong trào tự làm đồ dùng dạy học cũng được phát triển rộng khắp. Để học sinh có nhiều trải nghiệm thực tế, trong mỗi tiết dạy, các giáo viên đều tự xác định và có sự chuẩn bị tương đối tốt đồ dùng dạy học phù hợp với nội dung bài dạy, kích thích sự hứng thú tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Trong nhiều trường học, việc tự làm và chuẩn bị đồ dùng dạy học trở thành nền nếp, thói quen của không ít giáo viên. Bên cạnh việc sử dụng các đồ dùng có sẵn được trang bị, giáo viên đã tự làm được nhiều loại đồ dùng khác, như: phiếu học tập, mô hình, vật mẫu, tranh ảnh, dụng cụ thí nghiệm, giáo án dạng trình chiếu… Qua đó, đã góp phần khắc phục phần nào những đồ dùng, thiết bị còn thiếu, hoặc thay thế kịp thời đối với những thiết bị, đồ dùng hỏng hóc chưa được bổ sung, thay thế của các nhà trường, giúp cho việc dạy và học trở nên hấp dẫn, hiệu quả hơn.
Những năm qua, ngành giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường, các cấp học đẩy mạnh phong trào tự làm đồ chơi, đồ dùng dạy học; khuyến khích các trường tự tổ chức các cuộc thi về đồ chơi, đồ dùng dạy học làm bằng nguyên vật liệu có sẵn của địa phương. Hầu hết các đồ dùng, đồ chơi, đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên đều thể hiện tính sáng tạo, từ việc tìm ý tưởng, tìm chất liệu thiết kế cho đến tính ứng dụng trong thực tế, có ý nghĩa lớn đối với yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Thanh Hà