Song hành với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, sau 27 năm tái lập tỉnh, giáo dục Hà Nam đã dần khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong việc hoàn thiện trí lực toàn dân, bồi dưỡng và phát triển nhân lực, nhân tài, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước. Phát huy các kết quả giáo dục đã đạt được sau nhiều năm đổi mới, giáo dục Hà Nam đã chuẩn bị tốt tâm thế, vững vàng đón nhận những thời cơ và xây dựng những mục tiêu mới cho phát triển giáo dục toàn diện…
Chất lượng giáo dục, những con số ấn tượng
Đến nay, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của Hà Nam có bước phát triển toàn diện, vững chắc về cả quy mô và chất lượng. Về quy mô giáo dục, hiện toàn tỉnh đã có 380 trường học các cấp (trong đó, có 119 trường mầm non, 116 trường tiểu học, 111 trường THCS, 25 trường THPT) cùng hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trung tâm học tập cộng đồng ở 100% xã, phường, thị trấn, đáp ứng tốt nhu cầu học tập và đào tạo nghề của nhân dân.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, bên cạnh việc quan tâm làm tốt công tác phổ cập giáo dục, ngành Giáo dục còn tập trung phát triển đội ngũ. Toàn ngành hiện có trên 12.038 người, trong đó có 888 cán bộ quản lý, 10.356 giáo viên và 794 nhân viên làm chuyên môn nghiệp vụ. Về trình độ được đào tạo, đến nay các cấp học đã có trên 90,5% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn trở lên theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Công tác tuyển dụng, bổ sung đội ngũ được thực hiện thường xuyên, liên tục; chất lượng đội ngũ giáo viên tuyển dụng từng bước bảo đảm về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đồng bộ về cơ cấu. Bên cạnh đó, ngành còn quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất, năng lực; đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và các định hướng giáo dục của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; có các giải pháp phù hợp để thực hiện tốt bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo quy định; kịp thời triển khai đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh năm 2022, 2023.
Theo đó, số giáo viên được cử đi đào tạo năm 2023 là 72 người cho các trình độ cao đẳng lên đại học và trung cấp lên đại học, bảo đảm các yêu cầu về chuẩn hóa trình độ đào tạo cho đội ngũ. Với một đội ngũ ổn định về số lượng, đồng bộ về chất lượng và cơ cấu môn, từng bước đổi mới công tác quản lý giáo dục, những năm qua, ngành Giáo dục luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được đánh giá là một trong những tỉnh đạt chất lượng giáo dục cao trong toàn quốc.
Các mục tiêu về phát triển quy mô trường lớp, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học, xây dựng trường chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đã cơ bản hoàn thành theo đúng lộ trình… Toàn ngành triển khai có hiệu quả Đề án Ngoại ngữ quốc gia; triển khai chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh ở 94,95% cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện; triển khai Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm (lớp 3-12), dạy học đại trà Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm đối với 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 trong tất cả các trường phổ thông của tỉnh; các cơ sở giáo dục phổ thông nghiêm túc triển khai môn tiếng Anh thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2021-2025 có nhiều chuyển biến tích cực với khoảng 65% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT, tỉ lệ học sinh học giáo dục thường xuyên tăng dần.
Chất lượng giáo dục toàn diện được từng bước nâng lên một cách vững chắc, tạo nền tảng căn bản cho phát triển giáo dục chất lượng cao. Việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, được dư luận xã hội ủng hộ và đánh giá cao, bảo đảm đúng lộ trình, có chất lượng. Đặc biệt, trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo dục Hà Nam được đánh giá cao về chất lượng với số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Nhiều năm trở lại đây, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của Hà Nam luôn đứng trong top những tỉnh dẫn đầu cả nước về thành tích.
Thời cơ và những mục tiêu mới
Hội nhập quốc tế là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Bên cạnh định hướng về phát triển và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực đang đặt ra cho giáo dục cả nước nói chung, giáo dục Hà Nam nói riêng không ít khó khăn, thách thức. Đó là, làm thế nào để thực hiện tốt hơn nữa các mục tiêu giáo dục, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục, giữ vững và phát triển chất lượng giáo dục, tạo được sự cạnh tranh có hiệu quả trong giáo dục, giải quyết những hạn chế, bất cập về kinh phí phục vụ sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị và trình độ giáo viên, học sinh…
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, thực hiện đổi mới giáo dục gắn với quá trình đổi mới đất nước, Hà Nam đang có nhiều cơ hội lớn để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trên con đường hội nhập, giáo dục Hà Nam có thêm nhiều cơ hội cho phát triển giáo dục như: làm tăng cơ hội học tập cho người dân, có điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng mọi mặt cho giáo dục, giúp người học có điều kiện tìm kiếm việc làm tốt hơn… Trước yêu cầu phát triển, đổi mới giáo dục, những thách thức, cơ hội dành cho giáo dục buộc toàn ngành phải có sự nỗ lực rất lớn để tháo gỡ từng bước các khó khăn, vướng mắc, thách thức và nắm bắt, vận dụng có hiệu quả các thời cơ, vận hội mới vào thực tiễn nhằm đưa giáo dục đạt được nhiều thành tích cao hơn.
Những năm qua, Hà Nam đẩy mạnh thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; Quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng các mô hình dạy học mới theo định hướng của Bộ GD&ĐT... đã có tác dụng lớn trong việc huy động, duy trì sĩ số học sinh, nâng cao các hoạt động giáo dục hướng tới phát triển năng lực học sinh, tỉ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng. Ngành Giáo dục đã tập trung làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh để quy hoạch hệ thống trường học toàn tỉnh hợp lý đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân nhằm huy động trẻ mầm non, học sinh phổ thông ra lớp đạt tỉ lệ cao. Đồng thời, thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, trong đó coi trọng nhiệm vụ giáo dục toàn diện, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, gắn dạy chữ với dạy người, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và tăng cường khả năng tự học của học sinh; phát huy dân chủ trong trường học, tạo môi trường học tập thân thiện, học sinh được tôn trọng; chỉ đạo các nhà trường quan tâm phát hiện sớm và bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và cả nước; phấn đấu có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thi Olympic khu vực và quốc tế.
Mặt khác, xác định rõ tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đổi mới tư duy giáo dục trong toàn hệ thống và thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục. Làm tốt công tác xã hội hóa, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức được GD&ĐT là sự nghiệp của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân, huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển giáo dục. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, khuyến khích và tạo cơ chế cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương…
Về mục tiêu này, tỉnh đã có chiến lược, kế hoạch về hội nhập quốc tế, trong đó lĩnh vực giáo dục được xác định là một nội dung trong chiến lược, kế hoạch chung của tỉnh; khuyến khích hợp tác quốc tế trong giáo dục phổ thông; chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng, phát triển các chương trình hợp tác quốc tế phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của nhà trường theo quy định của pháp luật nhằm tăng cường cơ hội trao đổi kinh nghiệm học tập, giảng dạy, quản lý giáo dục, nguồn học liệu mở cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngành Giáo dục đã tập trung nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản, giáo dục chất lượng cao ở cấp phổ thông; củng cố và nâng cao năng lực trường THPT chuyên trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và dạy thí điểm song ngữ; triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế, tiếp tục thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học và chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chú trọng việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, bồi dưỡng tài năng trẻ từ học sinh giỏi, xuất sắc.
Đây chính là những yếu tố quan trọng để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược về giáo dục: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; tạo chuyển biến căn bản toàn diện về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và nhu cầu học tập của nhân dân địa phương, giữ vững kết quả giáo dục phổ thông chất lượng cao.
Thanh Hà