kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Giúp học sinh lớp 1 làm quen nền nếp học tập

Giúp học sinh lớp 1 làm quen nền nếp học tập

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2022 - 2023 được UBND tỉnh phê duyệt, bắt đầu từ ngày 22/8, tất cả học sinh lớp 1 trên địa bàn tỉnh đã được tựu trường. Việc để học sinh lớp 1 tựu trường sớm trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng nhằm để học sinh làm quen với môi trường học tập mới, làm quen với thầy cô giáo, các bạn, ổn định nền nếp học tập. Đây là công việc quan trọng được các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc, tạo tâm thế tự tin cho học sinh lớp 1 bước vào năm học mới. 

Năm học 2022 - 2023, các trường tiểu học trên địa bàn huyện Bình Lục đón 2.406 học sinh lớp 1. Trước đó, ngành giáo dục và các trường tiểu học trên địa bàn đã tăng cường công tác chuẩn bị các điều kiện để đón các em học sinh lớp 1 tựu trường đúng thời gian quy định vào ngày 22/8.

Tại các nhà trường, ngay sau khi hoàn thành việc tuyển sinh, biên chế lớp và phân công giáo viên dạy lớp 1 năm học 2022-2023, đã triển khai việc tiếp nhận sách giáo khoa và tài liệu dùng cho giáo viên, học sinh; tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn thảo luận về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đổi mới phương pháp và đổi mới đánh giá học sinh, xây dựng kế hoạch môn học và hoạt động giáo dục. 

Giúp học sinh lớp 1 làm quen nền nếp học tập
Giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Phủ Lý) rèn chữ cho học sinh lớp 1.

Để đón học sinh lớp 1 tựu trường, bên cạnh việc tổng vệ sinh, khử khuẩn, khử trùng trường lớp; vệ sinh bàn ghế, thiết bị đồ dùng dạy học, trang trí lớp học, tạo cảnh quan môi trường sáng – xanh - sạch - đẹp - an toàn… các nhà trường còn thực hiện kiểm tra, rà soát lại cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, xếp vị trí các phòng học cho lớp 1 ở vị trí thuận tiện, phù hợp nhất; chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn cho học sinh. Đồng thời, thông báo tới cha mẹ học sinh về các điều kiện học tập của học sinh lớp 1 như: sách vở, đồ dùng học tập, trang phục... và nội quy của trường lớp để cha mẹ học sinh phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện. 

Ông Trần Đình Cảnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bình Lục cho biết: Do xác định rõ tầm quan trọng của việc cho học sinh làm quen nền nếp ngay từ đầu năm học nên các nhà trường đã có sự chủ động trong việc chỉ đạo giáo viên dạy lớp 1 chuẩn bị các nội dung hướng dẫn học sinh làm quen với môi trường học tập mới; hướng dẫn học sinh cách học, cách sử dụng tài liệu và đồ dùng học tập, nội quy của lớp, của trường và nghiên cứu bài dạy nội dung tuần làm quen cho học sinh lớp 1. Các trường đều phân công các giáo viên có kinh nghiệm để dạy lớp 1. Chỉ trong 2 tuần học vừa qua, hầu hết học sinh lớp 1 đã làm quen được với cách học mới. Việc học tập ở trường của học sinh lớp 1 cơ bản đi vào nền nếp. 

Với tổng số học sinh lớp 1 tuyển sinh tại các trường công lập trên địa bàn TP Phủ Lý gần 2.700 học sinh, áp lực về sĩ số học sinh/lớp năm học 2022 - 2023 có giảm hơn các năm học trước. Tuy nhiên, các nhà trường vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi giúp học sinh lớp 1 làm quen nền nếp học tập. Đó là việc thay đổi môi trường học tập, từ việc học mà chơi - chơi mà học ở mầm non, nay các em phải làm quen với rất nhiều các quy định mới của cấp tiểu học về sách vở, môn học, tiết học, giao tiếp với thầy cô, bạn bè; đa số học sinh lớp 1 còn quen với nền nếp trong trường mẫu giáo, cha mẹ bao bọc nhiều, tính tự lập chưa cao trong việc thực hiện nội quy trường lớp gây khó khăn cho việc rèn nền nếp của giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Lụa, giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Phủ Lý) chia sẻ: Học sinh lớp 1 còn nhỏ, đặc điểm tâm sinh lý học sinh khác biệt với các khối lớp khác, ý thức học tập chưa cao, thiếu tính kiên trì và chưa có thói quen tự giác học tập tốt. Bước vào quá trình học tập, cùng với đặc điểm tâm lý đó, nhiều em chưa có thói quen giữ gìn đồ dùng sách vở nên việc giữ vở sạch, viết chữ đẹp còn hạn chế nhiều. Do đó, giáo viên khá vất vả trong việc nhắc nhở, rèn thói quen, giúp học sinh đỡ bỡ ngỡ và tự tin hơn trong mọi hoạt động học tập. Làm được việc này, trước hết, giáo viên phải dành nhiều thời gian làm quen với học sinh, nắm bắt được tâm lý, nhận thức, năng lực của từng học sinh trong lớp để từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp. Đặc biệt, cần có sự quan tâm hơn đối với những em học sinh chậm, yếu, kịp thời động viên, hỗ trợ để các em theo kịp và hòa nhập cùng bạn bè. 

Theo kinh nghiệm của một số giáo viên, học sinh lớp 1 cần được rèn thói quen tích cực ở nhiều hoạt động. Với nền nếp học tập trên lớp, giáo viên ngay từ những ngày đầu đón học sinh tới trường đã phải hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ cho học sinh từ những việc đơn giản nhất, dần sẽ trở thành kĩ năng giúp học sinh thực hiện như một thói quen như: hiệu lệnh lấy bảng, lấy sách vở hoặc chỉ cần nhìn kí hiệu do giáo viên quy định là học sinh sẽ hiểu khi nào thì phát âm, đánh vần, khi nào đọc trơn... B

ên cạnh đó, giáo viên cũng cần rèn cho học sinh ý thức tự học trong giờ tự quản 15 phút đầu giờ và ý thức tự học ở nhà; rèn nền nếp giữ gìn sách vở, đồ dùng học tập. Giáo viên chủ nhiệm cần tăng cường phối hợp với giáo viên bộ môn chuyên để cùng rèn nền nếp cho học sinh từ tư thế ngồi, cách cầm bút, phát biểu bài... Đây là yếu tố dẫn đến thói quen học tập nghiêm túc của học sinh sau này. 

Để hình thành cho học sinh những nền nếp và thói quen tích cực đó, theo quan điểm của các giáo viên, ngoài sự chủ động của giáo viên còn rất cần có sự vào cuộc từ phía cha mẹ học sinh trong việc hằng ngày kiểm tra sách vở của con, nhắc nhở con học bài và làm bài, hướng dẫn con chuẩn bị sách vở và đồ dùng học tập theo thời khóa biểu. Đồng thời, giáo dục con ý thức gọn gàng ngăn nắp khi học tập, học theo đúng thời gian biểu, giờ nào việc đấy.

Ngay từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã tạo nhóm zalo lớp để tiện liên lạc với cha mẹ học sinh. Qua đó, tìm hiểu đặc điểm tâm lý, tính cách của từng học sinh trong lớp để chủ động các biện pháp giáo dục, rèn nền nếp cho học sinh một cách phù hợp, hiệu quả. Việc phụ huynh chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng để thích ứng với môi trường học tập mới ở tiểu học vô cùng quan trọng, nhất là các kỹ năng giao tiếp, tự phục vụ các nhu cầu tối thiểu của bản thân, sự chủ động, cách thiết lập quan hệ với bạn, thầy cô, khả năng diễn đạt...

Trên thực tế, nếu có sự phối, kết hợp nhiều chiều sẽ giúp học sinh lớp 1 nhanh chóng thích ứng và chăm ngoan hơn.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy