Nâng cao năng lực về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, kiến thức, kỹ năng cho giáo viên về phát hiện, phòng ngừa và xử lý các yếu tố, hành vi dẫn đến bạo lực, xâm hại trẻ em và học sinh. Tại Hà Nam, nhiều trường học đã có những giải pháp thiết thực trong công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Trong số những vụ xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn thời gian qua có vụ xảy ra ngay tại trường học. Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người quen. Nguy cơ mất an toàn trong chính môi trường học tập của các em đã được cảnh báo, nhiều trường học đã thực hiện lắp đặt camera an ninh để theo dõi, giám sát các hoạt động gây mất an toàn cho trẻ.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý, một trong những biện pháp tốt nhất nhằm giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em là tổ chức hướng dẫn kỹ năng ứng phó để các em tự bảo vệ mình trước nguy cơ bạo lực và xâm hại trẻ em, học sinh.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, các bậc phụ huynh, giáo viên, học sinh trong các nhà trường về phòng ngừa, xử lý bạo lực, xâm hại trẻ em. Việc làm tưởng là dễ, nhưng thực tế rất khó khăn đối với nhiều trường học.
Các đội thi hào hứng, đoàn kết, hiểu biết về kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
Mới đây, tại Trường Tiểu học Trịnh Xá, trên 400 học sinh, giáo viên đã được tham gia chương trình giao lưu kỹ năng sống “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” sôi nổi, với nhiều nội dung hấp dẫn.
Mặc dù 100% học sinh của trường sống ở nông thôn, nhưng các em đều rất tự nhiên khi thể hiện những hiểu biết của mình về các kỹ năng cơ bản phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, như “quy tắc bàn tay giao tiếp”, giới tính và các vùng nhạy cảm, không được cho người khác chạm vào vùng nhạy cảm của chính mình cũng như không được chạm vào vùng nhạy cảm của người khác, tránh xa người lạ, không cho người lạ vào nhà, làm thế nào khi bản thân bị đe dọa và có nguy cơ xâm hại?...
Trên sân khấu là 15 học sinh chia làm ba đội tham gia các phần thi kiến thức, ở dưới, hàng trăm học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 chăm chú theo dõi và tham gia giao lưu một cách hào hứng với người dẫn chương trình. Các bé bày tỏ sự hiểu biết của mình về chủ đề của chương trình rất nhanh và hồn nhiên.
Em Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 3 nói: “Chúng con thường được các cô dạy về giới tính, về cách phòng chống xâm hại tình dục trẻ em ở nhiều tiết học. Những buổi đầu tiên thì hơi ngại, sau đó không ai ngại nữa và chúng con có thể nói chuyện với nhau hoặc hỏi cô giáo những câu hỏi liên quan mà không còn e dè. Chương trình giao lưu kỹ năng sống hôm nay chúng con thích lắm…”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng chia sẻ, vì sao nhà trường quyết tâm tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho các em về chủ đề này nhiều hơn kể từ năm 2018 đến nay. Năm 2017, tại xã đã xảy ra một vụ xâm hại trẻ em. Nạn nhân là một bé gái học lớp 4, bị một người đàn ông lớn tuổi là hàng xóm xâm hại. Rất may mẹ của cháu bé đã phát hiện kịp thời và ngăn chặn được hành vi.
Sự việc này đã tạo nên những bức xúc trong nhân dân, đồng thời các bậc phụ huynh của trường đã cảm thấy lo lắng về sự an toàn cho chính con em mình. Môi trường sống hiện nay xuất hiện và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu an toàn, lành mạnh đối với trẻ em, làm gia tăng hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em.
Hiệu quả nhìn thấy từ các hoạt động phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em ở Trường Tiểu học Trịnh Xá là nhận thức của phụ huynh và học sinh về vấn đề này được nâng cao hơn. Chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn nhận được sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Trí Dũng, một người dân của xã sống ở Hà Nội cho biết: “Tôi rất vui vì nhà trường đã có những hoạt động thiết thực bảo vệ trẻ em, bảo vệ học sinh của mình. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ nhà trường, cùng tham gia tổ chức tốt các chương trình”.
Trong khi Trường Tiểu học Trịnh Xá đang chủ động tổ chức tốt các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em thì nhiều trường học còn thờ ơ với việc này.
Việc các cơ sở giáo dục không muốn thông tin, báo cáo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em mà tự tìm cách xử lý, giải quyết khá phổ biến. Sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội thiếu chặt chẽ. Đây chính là khó khăn cho công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em hiện nay ở chính các nhà trường.
Giang Nam
Chu Uyên