Năm học 2018-2019, thành phố Phủ Lý bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh. Qua một thời gian ngắn triển khai tại một số trường mầm non trên địa bàn thành phố, công tác quản lý cũng như tính hiệu quả của chương trình đã bước đầu được ghi nhận.
Trường Mầm non Hoa Sen (TP. Phủ Lý) chuẩn bị các điều kiện phục vụ việc giảng dạy và cho trẻ làm quen với tiếng Anh.
Trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận từ phía cha mẹ học sinh, việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non tại Trường Mầm non Hoa Sen (TP. Phủ Lý) diễn ra tương đối thuận lợi. Trường hiện có trên 400 học sinh khối mẫu giáo từ lớp 3- 5 tuổi đăng ký học tiếng Anh (chiếm khoảng 50% số trẻ trong độ tuổi đang theo học tại trường) với thời lượng 2 buổi/tuần. Tham gia giảng dạy có các giáo viên người nước ngoài, giáo viên chuyên ngữ đến từ Trung tâm Anh ngữ quốc tế Asset English- đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thẩm định, bảo đảm về chất lượng giảng dạy.
Cô giáo Trần Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen cho biết: Việc đưa tiếng Anh vào dạy trong trường mầm non được nhà trường dựa trên yêu cầu thực tế, nhu cầu của cha mẹ học sinh và xu thế phát triển giáo dục. Để chương trình đạt được tính hiệu quả, cùng với việc lựa chọn đơn vị phối hợp có uy tín là Trung tâm Anh ngữ quốc tế Asset English, nhà trường đã có sự chủ động trong việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, tài liệu, đồ dùng cho trẻ học tập và hoạt động theo chủ đề từng bài học.
Trong quá trình dạy và cho trẻ làm quen với tiếng Anh, nhà trường làm tốt công tác tổ chức và quản lý. Theo đó, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên trong việc quản lý hoạt động chung, quản lý và theo dõi các loại sổ sách, đồ dùng, học liệu, xây dựng và sắp xếp lịch hoạt động của từng lớp, từng ca học. Đồng thời, phân công giáo viên phối hợp với các giáo viên chuyên ngữ, giáo viên nước ngoài bảo đảm các giờ học diễn ra đúng lịch, bám sát nội dung, chương trình do Bộ GD&ĐT quy định…
Mặc dù có sự ký kết hợp đồng và cam kết trách nhiệm chặt chẽ với đơn vị phối hợp nhưng nhà trường vẫn tăng cường quản lý chất lượng giảng dạy tiếng Anh của các giáo viên. Theo đánh giá, tùy thuộc vào độ tuổi khác nhau của trẻ, các giáo viên đã chủ động, linh hoạt lựa chọn chủ đề, phương pháp truyền đạt cho phù hợp để trẻ dễ hiểu, dễ nhớ. Hầu hết các buổi học đều được sử dụng những hình ảnh sinh động, trực quan, chia nhóm để trẻ tiếp cận nhanh hơn với bài học và giáo viên cũng dễ quan sát, đánh giá từng trẻ trong việc tiếp thu kiến thức.
Thầy giáo Jonathan Gordon Wingfold, giáo viên Trung tâm Anh ngữ quốc tế Asset English, chia sẻ: Theo kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh nhiều năm, tôi cho rằng mỗi giáo viên đều có cho mình những phương pháp tiếp cận trẻ, phương pháp giáo dục riêng nhưng cơ bản sẽ tập trung vào một số phương pháp chính như: trực quan, truyền khẩu, thông qua các trò chơi, hay phương pháp sử dụng các bài hát, thơ, nhạc, câu chuyện. Tuy vậy, dù sử dụng phương pháp nào, người giáo viên cũng cần căn cứ vào từng độ tuổi, xác định được khả năng tiếp thu của trẻ mới có được phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả… Qua gần một năm học triển khai, Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh tại nhà trường đã đạt được những kết quả nhất định, thể hiện qua việc tiếp thu của học sinh, cũng như những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh.
Thực hiện Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, đã có 7/23 trường mầm non trên địa bàn thành phố đăng ký tổ chức thực hiện (trong đó có 5 trường mầm non công lập và 2 trường mầm non tư thục), thu hút trên 1.800 trẻ mầm non tham gia (chiếm khoảng 30,4% tổng số trẻ trong độ tuổi tại các nhà trường).
Trước khi phê duyệt kế hoạch triển khai của các nhà trường, ngành giáo dục thành phố đã tiến hành kiểm tra, đánh giá các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên đạt yêu cầu mới cho tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường xem xét, lựa chọn các đơn vị phối hợp đã được thẩm định về chất lượng hoạt động và bảo đảm việc ký hợp đồng tuân thủ quy định pháp luật.
Đặc biệt, do việc tổ chức học tiếng Anh tại các trường mầm non không bắt buộc nên các nhà trường đều phải làm tốt công tác tuyên truyền để cha mẹ học sinh hiểu về mục đích, ý nghĩa của chương trình, có sự tự nguyện đăng ký cho con tham gia các lớp học tiếng Anh tại trường. Một số nhà trường trên cơ sở số lượng các em đăng ký học đã thực hiện thuê giáo viên và dạy thí điểm không thu kinh phí trong thời gian đầu. Sau đó, nếu trẻ hứng thú, tiếp thu tốt bài học và có sự đồng thuận của phụ huynh mới tiếp tục ký hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ để thực hiện giảng dạy. Điều đó đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều phụ huynh, tạo điều kiện giúp các nhà trường triển khai Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh có nền nếp, chất lượng.
Được biết, cùng với thành phố Phủ Lý, Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh còn được triển khai điểm tại huyện Duy Tiên và Thanh Liêm. Bước đầu, các trường mầm non có quy mô lớn, số trẻ đông, nhận được sự đồng thuận của các bậc cha mẹ học sinh sẽ được lựa chọn thí điểm. Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ rà soát, kiểm tra và đánh giá thực tế việc dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non để có hướng nhân rộng trong những năm học tiếp theo.
Thanh Hà
Thanh Hà