Cũng như các huyện, thành phố trong toàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thị xã Duy Tiên đã và đang tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới. Trong đó, ngành giáo dục Duy Tiên đã có sự chủ động trong phân công, bố trí, sắp xếp giáo viên để khắc phục những khó khăn về đội ngũ.
Với sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của thị xã và sự ủng hộ từ nhiều phía, nhiều năm qua, hệ thống cơ sở vật chất và quy mô trường lớp các cấp học trên địa bàn thị xã Duy Tiên đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ. Đến nay, toàn thị xã đã có 100% trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ trường học các cấp đạt chuẩn mức 2 của thị xã đứng đầu toàn tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng giúp ngành giáo dục và các nhà trường bảo đảm ngày càng tốt hơn cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên về cả số lượng cũng như chất lượng.
Mặc dù vậy, do đặc thù của địa bàn có nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp hoạt động, thu hút hàng nghìn công nhân, lao động tới sinh sống và làm việc đã làm tỉ lệ tăng dân số cơ học tăng nhanh. Qua từng năm, nhu cầu về chỗ học của học sinh các cấp học luôn đặt ra cho thị xã và ngành giáo dục không ít áp lực cần giải quyết. Do số lớp và số học sinh tăng đã khiến cho nhiều nhà trường rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.
Thống kê từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã về tình hình đội ngũ giáo viên cho năm học mới 2022 - 2023 ở cả 3 cấp học đều thiếu khá nhiều. Số giáo viên hiện có sau tuyển dụng của 3 cấp là 1.349 giáo viên nhưng so với số giáo viên cần có theo định mức quy định (khoảng trên 1.850 giáo viên- PV) thì Duy Tiên hiện còn thiếu tới hơn 500 giáo viên các cấp. Trong đó, cấp mầm non thiếu 232 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 174 giáo viên và cấp THCS thiếu 100 giáo viên. Hơn thế, số học sinh các cấp học của thị xã Duy Tiên trong các năm vẫn tiếp tục có biến động tăng. Dự báo đến năm 2030, chỉ riêng địa bàn các xã, phường lân cận các khu, cụm công nghiệp sẽ tăng khoảng 5.200 học sinh các cấp, trong đó, con công nhân là 2.838. Kéo theo đó, thị xã sẽ phải có thêm 370 phòng học, phòng chức năng cùng 488 giáo viên các cấp học mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.
Trên thực tế, với yêu cầu có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp, ngành giáo dục và các trường học trên địa bàn thị xã phải linh hoạt sắp xếp lớp học trong điều kiện số giáo viên hiện có. Vì vậy, các nhà trường đều phải đối diện với những khó khăn đặt ra khi sĩ số học sinh/lớp vượt quá điều lệ. Gần như 100% các trường tiểu học của Duy Tiên phải thực hiện dồn lớp do thiếu giáo viên. Trước mắt, để việc dạy và học của các khối lớp ổn định ngay từ đầu năm học, các nhà trường đã thực hiện phân công chuyên môn, trong đó 1 giáo viên có thể sẽ phải “vào” 2 lớp, lãnh đạo nhiều trường học cũng phải tham gia đứng lớp mới có thể bảo đảm thực hiện tốt các nội dung, chương trình năm học. Với cấp học mầm non, nếu theo định mức mỗi lớp sẽ phải có được từ 2,2- 2,5 giáo viên/lớp nhưng do thiếu giáo viên nên các trường mới chỉ đạt tỉ lệ 1,56 giáo viên/lớp. Các trường phải thực hiện phân công mỗi lớp chỉ có 1 giáo viên chính còn 1 giáo viên phụ sẽ phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cùng lúc ở 2 lớp khác nhau.
Năm học 2022- 2023, Trường Tiểu học phường Hòa Mạc có quy mô phát triển với 21 lớp học. Tuy nhiên, so với quy định về số giáo viên/lớp, hiện nay nhà trường còn thiếu tới 4 giáo viên dạy văn hóa và 1 giáo viên Tin học nên buộc phải thực hiện dồn từ 21 lớp xuống còn 16 lớp. Sĩ số trong các lớp học vì thế cũng tăng lên mức 41 học sinh/lớp. Cô giáo Trần Thị Nguyệt Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc dồn lớp là giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm tỉ lệ 1 giáo viên/lớp. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch, tờ trình đề nghị và được Phòng GD&ĐT nhất trí chủ trương thực hiện dồn lớp để bảo đảm có đủ giáo viên đứng lớp. Nhà trường cũng đã tổ chức tuyên truyền để cha mẹ học sinh đồng thuận với việc dồn lớp nên không có dư luận tiêu cực về vấn đề này. Đồng thời, chủ động họp phân công giáo viên hợp lý và phù hợp với điều kiện thực tế. Các giáo viên có số tiết dạy nhiều, vượt quá định mức quy định sẽ được nhà trường thực hiện đầy đủ các chế độ chi trả tiền tăng tiết. Còn với các giáo viên chưa đủ tiết dạy sẽ được bố trí, phân công phụ trách thêm một số hoạt động giáo dục khác để bảo đảm số tiết dạy theo quy định…
Ngoài ra, quá trình triển khai dạy học tiếng Anh, Tin học bắt buộc ở lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cũng đặt ra nhiều khó khăn hơn cho thị xã về đội ngũ. Do không tuyển dụng đủ giáo viên tiếng Anh và Tin học cấp tiểu học, ngành giáo dục thị xã phải thực hiện chế độ biệt phái giáo viên; tự cân đối, bố trí, điều chuyển, cử giáo viên ở những trường ít lớp, giáo viên không đủ định mức sang hỗ trợ các trường chưa có giáo viên hoặc điều động giáo viên Toán - Tin của một số trường THCS sang hỗ trợ dạy Tin học cho trường tiểu học. Theo chế độ biệt phái, 1 giáo viên có thể được phân công dạy từ 2- 3 trường một cách hợp lý.
Trong thời gian tới, các cấp, ngành của thị xã Duy Tiên xác định tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại trường, lớp học; dồn ghép điểm trường lẻ để bảo đảm tiết kiệm biên chế giáo viên và tận dụng cơ sở vật chất, trường, lớp học để nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung và giảng dạy đối với các khối, lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018 nói riêng. Đồng thời, chủ động rà soát, đề xuất nhu cầu và tham mưu thực hiện tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, trong đó có sự ưu tiên tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên tiếng Anh, Tin học tiểu học; bố trí, ưu tiên để giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đi đào tạo nâng trình độ chuẩn trước khi tuyển dụng; xây dựng và thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên trong biên chế theo quy định.
Thanh Hà