Đừng để kỳ thi vào lớp 10 có quá nhiều áp lực

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi vào lớp 10 năm học 2023-2024 trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những kỳ thi thu hút sự quan tâm, chú ý của xã hội. Áp lực thi cử không chỉ dành cho học sinh mà với cha mẹ các em, sự lo lắng cho con cái vượt qua kỳ thi này cũng nóng bỏng không kém. Tuy nhiên, với nhiều học sinh và phụ huynh, theo học văn hóa nghề cũng là một lựa chọn hợp lý.

Đừng để kỳ thi vào lớp 10 có quá nhiều áp lực
Con gái chị Trịnh Thị Thu miệt mài học mà vẫn lo không thi đỗ vào lớp 10.

Mấy ngày qua, chị Trịnh Thị Thu, tổ 4, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý đôn đáo lo thủ tục để con thi vào lớp 10. Con gái chị Thu dự định sẽ thi vào THPT B Phủ Lý, nhưng cho đến giờ, chị vẫn chưa yên tâm..

Chị Thu nói: “Lực học của cháu vào dạng khá, trong khi hai trường THPT A và B Phủ Lý  năm nào cũng khá đông thí sinh dự thi. Vợ chồng chúng em đang tính có khi phải chuyển cháu về huyện thi đỡ áp lực hơn”.

Theo quy định phân vùng tuyển sinh vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo, nếu có nguyện vọng về một trường THPT thuộc địa bàn ngoài thành phố Phủ Lý, con chị phải có hộ khẩu thường trú ở địa bàn huyện đó từ 6 tháng trở lên. Chị Thu chia sẻ: “Chúng tôi tính đến chuyện chuyển cho con về ở nhờ nhà họ hàng dưới huyện để cháu có hộ khẩu thi vào trường THPT trên địa bàn đó. Nhưng bây giờ mới làm thủ tục chuyển hộ khẩu lại không đúng quy định”.

Lo cho con đủ sức khỏe để ôn thi, lo cho con có được những giáo viên ôn luyện thi tốt nhất, lo cho con có được niềm tự tin để vượt qua những khó khăn về tâm lý trong kỳ thi… vẫn chưa đủ. Chị Thu tìm về trường THPT C thành phố với hy vọng số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 ở đây không quá đông, áp lực như những trường A và B. Tuy nhiên, khi trở về nhà, chị lại lo lắng ở vấn đề khác: “Từ nhà đến trường này  khoảng hơn 10km. Quãng đường khá xa, cháu thì chưa đi xa như thế bao giờ”.

Đừng để kỳ thi vào lớp 10 có quá nhiều áp lực
Những học sinh lớp 9 đang nỗ lực ôn tập để chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024.

Tâm lý của các bậc phụ huynh có con thi vào lớp 10 luôn giống nhau, lo lắng và chịu nhiều áp lực. Chị Nguyễn Thị Thảo, thôn 8, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân hơn một tháng qua phải nghỉ làm ở nhà, chăm lo cho con ôn tập chuẩn bị thi vào lớp 10. Vốn làm nghề tự do, chị Thảo không quá bị ràng buộc về thời gian với công việc. Chị cho biết: “Con trai tôi nó rất nhút nhát, hay bị mất bình tĩnh khi đối diện với một áp lực nào đó. Những ngày qua, thấy cháu lo lắng, không chịu ăn, cứ lao đầu vào học, tôi chỉ sợ cháu ốm". Để giảm tải áp lực cho con, chồng chị Thảo đã phân tích cho con hiểu, nếu không đỗ lớp 10, có thể học nghề, học nghề không phải chấm hết con đường tương lai. Ở trường nghề, các con vừa được học văn hóa, vừa học nghề. Sau khi ra trường, các con sẽ có bằng tốt nghiệp văn hóa lớp 12 và bằng nghề. Như vậy, chỉ 19, 20 tuổi, các con có thể xin vào làm việc ở một công ty nào đó, có đầy đủ kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. 

Con trai anh Lã Hồng Chiến, thôn 1 xã Hưng Công, huyện Bình Lục cũng tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay. Mặc dù con có lực học khá tốt, nhưng hàng ngày, ngoài việc học ở lớp, cháu phải đi học thêm ở nhiều điểm khác nhau. Thời tiết quá nóng nực, gia đình rất lo ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu. Hơn nữa, đi lại nhiều cũng rất lo về an toàn  giao thông.

Theo chị Hằng, ở trường THCS Hưng Công, huyện Bình Lục, đến thời điểm này đã có khoảng chục học sinh xác định không thi vào lớp 10, quyết định học văn hóa nghề. Học sinh Trần Văn Tiến Tài là thí dụ, em sẽ chọn học ở một sơ cở đào tạo nghề nào đó để có việc làm sớm. Không phải lực học của Tài kém, không thể thi vào lớp 10 được mà Tài chọn học nghề vì tính toán rằng, nếu học đại học, em phải mất 7 năm nữa mới ra trường, trong khi học văn hóa nghề sẽ sớm được đi làm.

Anh Trần Văn Thư, thôn Cổ Viễn, xã Hưng Công, bố của Tài đã nghĩ, muốn con học nghề để có công ăn việc làm sớm, đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc. Xem báo, nghe đài, mỗi năm cả nước có hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không có việc làm, nếu con mình cũng trong số đó thì khổ các cháu. Bản thân mình làm nông dân, chắt bóp ít tiền dồn hết cho con học đại học mà về phải giấu bằng đi làm công nhân thì học đại học là rất lãng phí.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Khiêm, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên chia sẻ, cho đến thời điểm này, khi kỳ thi vào lớp 10 chỉ còn gần 20 ngày nữa, nhưng nhà trường đã nắm bắt được thông tin về số học sinh không thi vào 10, chuyển học nghề, văn hóa nghề.

Thầy Nguyễn Ngọc Khiêm nói: “Cả trường có hơn chục học sinh không thi vào 10, chọn học nghề. Một số em chia sẻ với giáo viên, sẽ đăng ký học nghề tại trường Cao đẳng Nghề Hà Nam. Các cháu tự nguyện chọn cho mình con đường đi như thế, tôi cũng động viên rằng, nếu con đường các con chọn mang lại cuộc sống, hạnh phúc cho mình thì các con cứ yên tâm theo đuổi. Chúng ta không nhất thiết phải học đại học bằng được”.

Đừng để kỳ thi vào lớp 10 có quá nhiều áp lực
Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2023-2024 Trường THPT Chuyên Biên Hòa dự kiến lượng thí sinh đăng ký nhiều gấp 3 lần số chỉ tiêu được tuyển.

Theo Quyết định số 442/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam, năm học 2023-2024, số thí sinh được tuyển theo chỉ tiêu vào lớp 10 các trường THPT công lập, công lập tự chủ hoặc tư thục, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh là 10.324/12.334 học sinh. Trong số 10.324 thí sinh thuộc chỉ tiêu thi tuyến vào lớp 10, có 350 học sinh  thuộc trường THPT Chuyên Biên Hòa (10 lớp); 7.339 học sinh thuộc các trường THPT  (179 lớp); 175 học sinh vào lớp 10 trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (5 lớp); 75 học sinh vào  lớp 10 THCS và THPT MENSA (3 lớp); 855 học sinh vào lớp 10  giữa Trung tâm Giáo dục thường xuyên  và các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp.

Hà Nam vẫn duy trì mục tiêu phân luồng học sinh (PLHS)THCS và THPT theo quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Việc PLHS nhằm hướng nghiệp cho học sinh, phát triển giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT. Đặc biệt, việc phân luồn học sinh sau THCS không chỉ cung ứng nguồn nhân lực đối với cơ cấu phù hợp nhu cầu nền kinh tế mà còn tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Hiện tại, trên địa bàn Hà Nam có 22  cơ sở giáo dục nghề nghiệp, là cơ hội để nhiều học sinh có thể lựa chọn theo học, giảm bớt áp lực cho gia đình, cha mẹ sau mỗi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy