Giáo dục thể chất trong nhà trường là nội dung giáo dục, môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cả về đức- trí- thể- mỹ cho học sinh. Trên thực tế, vai trò quan trọng của giáo dục thể chất đối với sự hình thành và phát triển thể chất cũng như nhân cách của học sinh đã được khẳng định.
Theo tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay, nhiều năm học qua, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm, coi trọng giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm tốt các yêu cầu trọng tâm của môn học. Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung giáo dục thể chất được phân chia theo hai giai đoạn. Theo đó, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe; thông qua các trò chơi vận động và tập luyện thể dục, thể thao hình thành các kỹ năng vận động cơ bản, phát triển các tố chất thể lực, làm cơ sở để phát triển toàn diện.
Một tiết học thể dục của học sinh Trường THCS Liêm Chung (TP Phủ Lý).
Còn ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, giáo dục thể chất được thực hiện thông qua hình thức câu lạc bộ thể thao, học sinh được chọn nội dung hoạt động thể thao phù hợp với nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường. Đồng thời, được tiếp tục phát triển kỹ năng chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh thân thể, phát triển về nhận thức và năng khiếu thể thao, giúp học sinh có năng khiếu thể thao định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Hiện nay, các trường tiểu học bên cạnh việc thực hiện tốt các nội dung chương trình giáo dục thể chất, còn cần phải nắm chắc các yếu tố về sức khỏe, tâm lý lứa tuổi của học sinh để mang tới cho các em những tiết học thể dục hấp dẫn, lôi cuốn. Điều này, đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp giáo dục và kỹ năng sư phạm tốt; cần nắm chắc chương trình giảng dạy ở tất cả các khối lớp, có sự nghiên cứu kỹ nội dung từng bài giảng và phải hướng tới sự phù hợp với từng đối tượng học sinh, ưu tiên chọn các nội dung được nhiều học sinh yêu thích. Không như các môn học khác, mỗi giờ học Giáo dục thể chất chính là mang tới cho học sinh những điều mới lạ, muốn được tìm hiểu, tham gia, khi đó, giáo viên phải đóng vai làm người dẫn dắt các em đi từ hoạt động này tới hoạt động khác một cách hào hứng, chủ động…
Qua các tiết học Giáo dục thể chất trong trường tiểu học, khi học đến nội dung nào, giáo viên phải tập mẫu trước cả lớp từng động tác, thao tác nhuần nhuyễn, phân tích cụ thể, dễ hiểu để học sinh nắm bắt và làm theo được ngay. Có giáo viên vận dụng cả công nghệ vào giảng dạy khi cho học sinh xem các clip hoặc tranh, ảnh minh họa có liên quan tới nội dung bài học. Đây cũng là một phương pháp dễ lôi cuốn và phát huy được tốt nhất việc tự quản của học sinh, tạo hiệu quả cho tiết học.
Cũng với tinh thần tích cực đổi mới, bên cạnh việc bảo đảm các nội dung “cứng” được quy định, nhiều giáo viên tự điều chỉnh trình tự nội dung, chủ động thiết lập các biện pháp “mềm” đa dạng và phù hợp như: tổ chức các trò chơi, phân nhóm để thi đấu, tăng độ khó của các động tác... Việc thực hiện tốt các nội dung chương trình, chủ động đổi mới phương pháp của giáo viên đã góp phần nâng cao chất lượng môn học, tăng cường sức khỏe, nâng cao thể lực và tầm vóc cho học sinh; tạo cơ sở để phát triển toàn diện và rèn luyện kỹ năng sống, xây dựng lối sống lành mạnh, có kỷ luật cho học sinh.
Ở cấp THCS, Giáo dục thể chất giúp học sinh tiếp tục củng cố và phát triển các kỹ năng vận động cơ bản; thói quen tập luyện thể dục thể thao; phát triển thể chất… Còn ở THPT, Giáo dục thể chất sẽ giúp học sinh biết lựa chọn môn thể thao phù hợp để rèn luyện sức khoẻ; phát triển hoàn thiện thể chất; biết điều chỉnh chế độ sinh hoạt và tập luyện; biết đánh giá và định hướng cho bản thân... Không những thế, thông qua hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nhà trường, các em có ý thức tự giác, có tinh thần hợp tác thân thiện, có những định hướng cho tương lai phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân.
Giáo viên dạy Giáo dục thể chất của các trường tiểu học tích cực đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học, tạo hứng thú cho học sinh.
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Liêm Chung (TP Phủ Lý) cho rằng, hiện nay các giờ học nội khóa, trong đó có môn Thể dục ở nhà trường đã được thực hiện tương đối nghiêm túc, có nền nếp. Các hoạt động ngoại khóa liên quan tới giáo dục thể chất cũng từng bước phát triển. Đồng thời, các điều kiện bảo đảm cho việc dạy và học môn Giáo dục thể chất đạt được hiệu quả cao, các yếu tố như: sân bãi, dụng cụ, phương tiện phục vụ cho việc luyện tập của học sinh, cơ sở vật chất đã từng bước đáp ứng yêu cầu thực tế. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên của môn học đặc thù này được đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm; có tư duy đổi mới tích cực theo kịp sự thay đổi về cả nội dung chương trình và phương pháp giáo dục.
Với nhiều học sinh THPT, các giờ học Giáo dục thể chất đã không còn cảm giác nhàm chán, học cho xong, thiếu hứng khởi. Khi bắt đầu các tiết học, học sinh đã được giáo viên bộ môn truyền đạt tương đối đầy đủ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của môn học. Học đến nội dung nào, học sinh sẽ được học trước các tiết học lý thuyết để nắm vững nguyên tắc, cách thức, phương pháp tập luyện. Môn học có sức hấp dẫn đặc biệt với những học sinh có sức khỏe, có năng khiếu về thể dục, thể thao. Bởi, nội dung học đã được cải thiện, phong phú, dễ hiểu; qua tập huấn và qua việc tự học, tự sáng tạo, cách dạy của giáo viên cũng dần thoát khỏi tính đơn điệu, được ứng dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực; phương tiện phục vụ tập luyện dần được mua sắm, bổ sung đầy đủ; sân tập, bãi tập được xây dựng phù hợp.
Theo chia sẻ của một số giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất, căn cứ vào phân phối chương trình, các nhà trường luôn thực hiện đầy đủ các nội dung của môn học. Hầu hết các trường có đủ đội ngũ giáo viên dạy thể dục, được đầu tư xây dựng nhà đa năng, có tương đối đầy đủ các trang thiết bị và dụng cụ phục vụ môn học.
Về mặt lý thuyết, giáo dục thể chất cho học sinh trong các trường học nhằm để rèn luyện thể chất học sinh và dạy học sinh cách tự rèn luyện thể chất. Mục tiêu thay đổi căn bản môn thể dục, đưa giáo dục thể chất trong các trường học trở nên hấp dẫn, phù hợp, linh hoạt thay vì hình thức, xây dựng Giáo dục thể chất là môn giảm tải trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, bên cạnh việc làm mới nội dung, chương trình học, giáo dục thể chất vẫn cần có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò, tầm quan trọng, cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho việc xây dựng đội ngũ giáo viên, bảo đảm cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học…
Thanh Hà