Coi trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ mầm non

Bên cạnh công tác nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khá thường xuyên các hoạt động trải nghiệm (HĐTN) cho trẻ mầm non. Với nhiều hình thức đa dạng, HĐTN đã được lồng ghép cùng với hoạt động giáo dục khác trong nhà trường hoặc tổ chức thành các buổi tham quan, dã ngoại, thu hút rất đông trẻ mầm non tham gia.

Mới đây, tại Trường Mầm non Hoa Sen (TP Phủ Lý) đã sôi nổi diễn ra chương trình giao lưu dành cho trẻ mầm non với chủ đề “Bé với an toàn giao thông”. Tham gia buổi giao lưu có 6 đội thi đến từ các lớp 4 và lớp 5 tuổi. Chương trình giao lưu được tổ chức với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn như: giao lưu kiến thức; chung sức; trải nghiệm thực hành qua ngã tư đường phố…

Tại mỗi nội dung, có sự tham gia tích cực, hào hứng của trẻ trong các đội, giáo viên và cha mẹ trẻ. Trong nội dung giao lưu kiến thức, với sự hỗ trợ của cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP Phủ Lý, các đội thi, giáo viên và cha mẹ trẻ đã tham gia trả lời nhanh câu hỏi tìm hiểu kiến thức giao thông, về Luật An toàn giao thông, kỹ năng tham gia an toàn giao thông cho trẻ, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục Luật Giao thông trong trường mầm non; đồng thời, được cùng nhau tham gia giao thông theo tín hiệu đèn trên mô hình ở sân trường. Hoạt động sôi nổi nhất trong chương trình giao lưu, thu hút sự tham gia tích cực của thành viên các đội, giáo viên và cha mẹ trẻ là hoạt động từ trò chơi: kéo mo cau tìm biển báo giao thông; đua thuyền trên cạn tìm hình ảnh tham gia giao thông đúng- sai; đi xe thăng bằng gắn đèn tín hiệu giao thông.

Cô giáo Trần Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thông qua chương trình giao lưu đã tạo không khí vui tươi, hứng thú và đầy thiết thực để các bé có cơ hội được tham gia hoạt động khám phá, trải nghiệm thực tế về kiến thức an toàn giao thông. Từ đó giúp trẻ rèn luyện tính tự tin, hoạt bát, khích lệ niềm vui khi đến trường, góp phần phát triển trí tuệ, hình thành kỹ năng sống tích cực; đồng thời, nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông, văn hóa giao thông trong nhà trường, gia đình và xã hội.

Giờ học trải nghiệm về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy ở Trường Mầm non Hai Bà Trưng (TP Phủ Lý). Ảnh: Trần Hà

Trong kế hoạch năm học, các trường mầm non đều chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức HĐTN phong phú, đa dạng về cả nội dung và hình thức. Qua việc tổ chức các HĐTN không chỉ giúp nâng cao hiểu biết về thế giới xung quanh, trau dồi kỹ năng sống cho trẻ mầm non mà còn tạo cơ hội gắn kết, xây dựng trường học đến gần hơn với yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo chia sẻ của cô giáo Đào Thúy Hạnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Hậu (Lý Nhân), HĐTN là một trong những biện pháp giáo dục giúp trẻ tăng cường nhận thức, khả năng sử dụng tổng hợp các giác quan nghe, nhìn, chạm, ngửi… để có thể tăng khả năng lưu giữ những điều đã tiếp cận được lâu hơn; từ đó, có thể tối đa hóa khả năng sáng tạo, kích thích tính năng động và thích ứng của trẻ.

Tìm hiểu thực tế được biết, nội dung HĐTN cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non rất đa dạng và mang nhiều yếu tố tích hợp, tổng hợp kiến thức kĩ năng của nhiều lĩnh vực học tập và giáo dục như: giáo dục đạo đức, giáo dục trí tuệ, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục thẩm mĩ, giáo dục thể chất, giáo dục lao động… làm cho các nội dung giáo dục trong nhà trường trở nên thiết thực, gần gũi hơn với thực tế cuộc sống, trẻ vận dụng vào trong thực tiễn cuộc sống một cách dễ dàng, thuận lợi hơn.

Một trong những yêu cầu xuyên suốt đối với hoạt động giáo dục trẻ đã được ngành Giáo dục xác định là: mỗi hoạt động dạy học dù trong lớp học hay trải nghiệm thực tế đều hướng đến mục đích trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách cho trẻ. Vì vậy, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để trẻ mầm non các độ tuổi có những buổi học, trải nghiệm vui, khỏe, an toàn, bảo đảm mục tiêu chương trình giáo dục mầm non; đồng thời, chủ động lập kế hoạch các HĐTN theo các chủ đề, tổ chức các HĐTN tạo điều kiện cho trẻ được tham gia một cách đầy đủ và phù hợp nhất với đặc điểm của trẻ và các điều kiện thực tế sẵn có của địa phương, trường lớp.       

Trên thực tế, khi tổ chức các hoạt động giáo dục nói chung, HĐTN nói riêng cho trẻ mầm non, các nhà trường tập trung thực hiện theo hướng: chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm; tăng cường hoạt động vui chơi, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, khám phá; chú trọng giáo dục hình thành và phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ. Môi trường sống xung quanh trẻ được trải nghiệm, giáo dục tại các trường mầm non gồm những nội dung thuộc về môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Căn cứ vào đặc điểm của từng môi trường tổ chức HĐTN, các HĐTN được xây dựng theo các chủ đề; nội dung tổ chức HĐTN cho trẻ khá phong phú. Bằng trải nghiệm thực tế “học mà chơi- chơi mà học”, HĐTN đã tạo cho các trẻ niềm hứng thú tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh; đồng thời, giúp trẻ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, giúp giáo viên nhận biết tính cách, sở trường của từng trẻ để điều chỉnh phù hợp trong quá trình dạy học. Theo các nhà trường, những điều đó rất có ích trong rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường thể chất, nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp, tình cảm xã hội cho trẻ và giúp trẻ có điều kiện phát triển toàn diện.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy