Còn chưa đầy 1 tuần nữa, học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh chính thức bước vào năm học mới 2022-2023. Thời gian vừa qua, ngành giáo dục và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị (TTB) dạy học và đội ngũ theo hướng đầy đủ, từng bước đồng bộ, góp phần tích cực cho thực hiện tốt các mục tiêu phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học mới.
Năm học này, huyện Kim Bảng có gần 29.900 học sinh các cấp. Nhiệm vụ giáo dục trong năm học này của huyện Kim Bảng được đặt ra tương đối nặng nề, đồng thời phải thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên cả 3 cấp học, đẩy mạnh việc duy trì kết quả xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và tăng cường thực hiện tốt công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học.
Được biết, ngay sau khi kết thúc năm học 2021-2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn đánh giá, rà soát lại các điều kiện về CSVC phục vụ năm học mới. Ông Trần Ngọc Thành, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kim Bảng cho biết: Hiện nay, 100% trường học các cấp trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn quốc gia, trong đó có gần 91% trường đạt chuẩn mức 2 nên bảo đảm có đủ phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn và các công trình phụ trợ, đáp ứng cơ bản các yêu cầu về CSVC cho năm học mới. Với một số công trình, dự án được huyện đầu tư trong quá trình xây dựng hoàn thiện, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ kịp bàn giao, đưa vào sử dụng ngay đầu năm học mới.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục và các địa phương trên địa bàn huyện có sự phối hợp thực hiện tốt một số nội dung như: thực hiện tốt công tác điều tra dân số độ tuổi, bảo đảm huy động tối đa trẻ mầm non, 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; xây dựng kế hoạch phát triển năm học. Trong điều kiện thực tế về đội ngũ hiện có, Kim Bảng còn gặp nhiều khó khăn do còn thiếu gần 200 giáo viên các cấp học.
Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, ngành giáo dục huyện đã xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển giáo viên hợp lý, bảo đảm cân đối giáo viên cho các trường học, cấp học… Hiện tại, các nhà trường và cấp học trong toàn huyện đã thực hiện học sinh tựu trường đúng thời gian quy định, tăng cường bảo đảm nền nếp học tập ngay từ những ngày đầu tiên của năm học mới. Ở các nhà trường cũng làm tốt việc dọn dẹp vệ sinh trường, lớp học, tạo cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp; phối hợp tổ chức cho học sinh trong độ tuổi tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 và tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch trong trường học.
Cùng với Kim Bảng, công tác chuẩn bị cho năm học mới ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra tích cực, khẩn trương. Theo đó, các điều kiện cho năm học mới về CSVC, TTB dạy học, ổn định đội ngũ và xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ năm học mới được quan tâm đặt lên hàng đầu.
Từ nhiều nguồn hỗ trợ đầu tư, đến năm học 2022- 2023, Trường THPT B Thanh Liêm đã có được hệ thống CSVC tương đối bảo đảm với 26 phòng học; 6 phòng bộ môn, 6 phòng học Ngoại ngữ, 2 phòng học Tin học cơ bản có đủ TTB; nhà tập đa năng; gần 100% lớp học được lắp ti vi phục vụ dạy và học. Trong thời gian nghỉ hè vừa qua, nhà trường còn được đón nhận tài trợ của một cựu học sinh cho việc làm mới toàn bộ hệ thống sân trường, bồn cây, rãnh thoát nước…
Thầy giáo Nguyễn Trường Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chuẩn bị cho năm học mới 2022- 2023, cùng với việc tích cực chuẩn bị các điều kiện về CSVC, TTB, nhà trường cũng tập trung thực hiện tốt các công việc mang tính chuyên môn như: tổ chức cho giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức thực hiện dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và dạy sách giáo khoa mới đối với lớp 10; thực hiện phân công chuyên môn cho giáo viên; chủ động tuyên truyền với cha mẹ học sinh và học sinh về việc đăng ký mua sách giáo khoa; tổ chức tập trung học sinh lớp 10 để thực hiện việc đăng ký học các môn học theo chương trình mới. Về cơ bản, nhà trường đã có sự chuẩn bị khá chu đáo các điều kiện, sẵn sàng bước vào năm học mới.
So với quy mô của năm học 2021-2022, trong năm học mới 2022-2023, ở hầu hết các địa bàn trong toàn tỉnh đều có sự biến động tăng về số lớp học, số học sinh. Theo thống kê từ Sở GD&ĐT, năm học 2022- 2023, toàn tỉnh có 214.322 trẻ mầm non và học sinh phổ thông các cấp. So với năm học trước, số học sinh cả tỉnh tăng trên 3.000 và tăng thêm của 108 lớp học. Về cơ sở trường lớp, hiện toàn tỉnh có 99,45% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, trong đó có gần 47% trường đạt chuẩn mức độ 2. Tỉ lệ phòng học kiên cố của các cấp học đạt gần 100% phòng học kiên cố, tỉ lệ phòng học cấp 4 chỉ còn không đáng kể. Đặc biệt, trên địa bàn không còn tình trạng phòng học không an toàn.
Trong năm học mới, trên cơ sở tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm CSVC cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017- 2025, ngành giáo dục chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu và phối hợp thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, đầu tư xây dựng phòng học mới để thay thế các phòng học tạm thời, phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng. Đồng thời, rà soát, đề xuất các nội dung đầu tư tăng cường CSVC trường học và mua sắm bổ sung thiết bị dạy học. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, nâng cấp CSVC, TTB. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện rà soát nhu cầu và có kế hoạch bổ sung đủ các thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là đối với việc dạy và học theo Chương trình GDPT 2018; tổ chức chỉnh trang trường lớp, bảo đảm có đủ các yêu cầu thiết yếu cho dạy và học.
Về đội ngũ, tại thời điểm tháng 8/2022, ngành giáo dục vừa tổ chức xong kỳ tuyển dụng viên chức và đã tuyển thêm được 221 giáo viên bổ sung cho các cấp học, nâng tổng số giáo viên toàn ngành lên hơn 10 nghìn người. Cơ cấu giáo viên theo môn dần được điều chỉnh, đến nay đã cơ bản khắc phục được tình trạng môn thừa, môn thiếu, bất hợp lý về cơ cấu giáo viên giữa các môn ở các cấp học. Đội ngũ giáo viên các cấp học có trình độ đào tạo đáp ứng tốt các quy định theo Luật Giáo dục năm 2019 với tỉ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên ở các cấp học đạt trên 88%, trong đó trên chuẩn đạt gần 20%. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD&ĐT, với quy mô trường, lớp năm học 2022- 2023, toàn tỉnh vẫn còn thiếu 1.839 giáo viên.
Trước mắt, để chuẩn bị cho năm học mới, cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng hè cho cán bộ quản lý và giáo viên theo kế hoạch, bảo đảm 100% giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông được bồi dưỡng trước khi bước vào giảng dạy thực tế. Trong công tác chỉ đạo, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc sớm ổn định việc sắp xếp tổ chức các khối lớp, phân công đội ngũ giáo viên, rà soát và báo cáo về nhu cầu bồi dưỡng giáo viên. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và triển khai bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học, giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí ở cấp THCS... Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới đã được ngành giáo dục và các địa phương thực hiện tương đối bài bản, các nhà trường, giáo viên và các em học sinh có tâm thế tốt sẵn sàng bước vào năm học mới.
Thanh Hà