Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở trường THCS Trần Phú

Trước những áp lực học hành, thi cử, sự phát triển công nghệ thông tin, sự kỳ vọng của cha mẹ… lứa tuổi học sinh THCS hiện nay đang trải qua giai đoạn đòi hỏi nhiều cố gắng trong học tập và cuộc sống. Sinh hoạt Câu lạc bộ Tuổi TEEN của trường THCS Trần Phú, thành phố Phủ Lý với chủ đề “Cách thể hiện bản thân ở tuổi mới lớn trong môi trường học đường” vừa được tổ chức tạo cho học sinh, giáo viên và phụ huynh sự gắn kết, sẻ chia đầy bổ ích trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở trường THCS Trần Phú
Một cảnh trong tiểu phẩm "Chuyện của Trang".

Chỉ trong thời gian gần hai giờ đồng hồ, buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Tuổi TEEN của trường THCS Trần Phú, thành phố Phủ Lý với chủ đề “Cách thể hiện bản thân ở tuổi mới lớn trong môi trường học đường” đã thực sự mang đến cho các thầy cô giáo và học sinh nhà trường niềm vui, hạnh phúc bởi tất cả đều được sẻ chia những câu chuyện của tuổi học trò, xảy ra trong cuộc sống và học tập.

Thông qua tiểu phẩm “Chuyện của Trang” do các thành viên CLB diễn xuất, những vấn đề xảy ra trong trường, lớp, gia đình và ngoài xã hội của học sinh THCS được phản ánh cô đọng. Trang là con của một cô giáo, đang ở tuổi dậy thì. Mặc dù được mẹ nhắc nhở, lo toan chu đáo chuyện học hành, nghỉ ngơi, sinh hoạt tại gia đình, nhưng theo xu hướng thời trang của bạn bè và xã hội, Trang nhuộm tóc, sa đà vào chuyện yêu đương và bắt đầu có những thái độ chống đối lại cha mẹ khi bị can thiệp hay nhắc nhở. Cho đến khi, Trang bị một nhóm bạn kéo bè kéo phái đến đánh ghen vì đã yêu một bạn trai được nhiều bạn khác quý mến, bố đã có mặt đúng lúc để giải cứu. Trang nhận ra mình đã sai và câu chuyện đã cho bản thân một bài học về  cách thể hiện bản thân mình như thế nào mới thực sự phù hợp với lứa tuổi học trò…

Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở trường THCS Trần Phú
Hai học sinh trường THCS Trần Phú tham gia Tiểu phẩm với các vai mẹ của Trang (bên trái) và Huyền Trang (bên phải).

Những câu hỏi được đưa ra với học sinh dự buổi sinh hoạt này là cách thể hiện bản thân mình như thế nào ở tuổi dậy thì là đúng đắn và chưa đúng đắn? Các em có nên yêu đương ở tuổi TEEN không? Cách chăm sóc bản thân mình như thế nào để bản thân có một thể hình, tâm hồn, nhân cách sống tốt? Điều các em muốn nói với cha mẹ khi rơi vào những tình huống tương tự như trong tiểu phẩm là gì? Học sinh cần sự hỗ trợ của các thầy cô và người lớn như thế nào để vượt qua những khó khăn của tuổi dậy thì?....

Bằng những chia sẻ từ những câu chuyện thực tế của phụ huynh, học sinh và cô giáo tham gia tọa đàm, từng nội dung của buổi sinh hoạt đã được giải quyết một cách mềm mại, uyển chuyển để học sinh và giáo viên có một khoảng thời gian lắng lại. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tú chia sẻ: Buổi sinh hoạt với chủ đề này thực sự gây hấp dẫn với học sinh. Các em tự tìm thấy mình trong câu chuyện và nhận thức được những gì thầy cô và cha mẹ mong muốn. Cũng qua buổi sinh hoạt, các con đã nói lên được suy nghĩ, tình cảm của mình với cha mẹ, thầy cô; chia sẻ thật lòng những áp lực mà các em đang phải đối diện.

Với học sinh lứa tuổi này hiện nay, các em đã phải trải qua một biến cố  xã hội đặc biệt chính là đại dịch Covid-19. Phải học tập trong điều kiện giãn cách, phải tiếp cận công nghệ thông tin, nhiều em đã bị ảnh hưởng tâm lý và thể chất. Những cuộc cãi vã nhau, mâu thuẫn với nhau trên mạng xã hội đã tạo nên vô số những câu chuyện bạo lực học đường. Với trách nhiệm của mình, các thầy, cô giáo không chỉ là những người mang kiến thức đến cho học sinh mà còn là những người cha, người mẹ, những người bạn thực sự của các cháu. Chỉ có thể như vậy, các cháu mới hướng tới mục tiêu sống và học tập tích cực…

Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở trường THCS Trần Phú
Học sinh trường THCS Trần Phú tham gia giao lưu với các thầy cô, các bạn trong buổi sinh hoạt.

Chia sẻ ngay tại buổi tọa đàm, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn gọi các học sinh trong trường hiện nay là những “công dân toàn cầu” thế hệ GEN Z. Thế hệ này có chung một thái độ sống khá tích cực: ít lo âu, thường lạc quan nhưng rất sợ thất bại. Ngoài ra, các em còn thích khám phá, thích phá cách, thích sự sáng tạo, khát khao sự nổi bật để chứng tỏ mình.  Dù vậy, các em lại rất dễ nổi loạn, dễ hoang mang dao động khi gặp phải những biến cố, sự cố trong cuộc sống. Vì thế, cô giáo hay cha mẹ học sinh cần phải nắm bắt được những thay đổi của các em, gần gũi với các em để vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa mang lại động lực giúp học sinh vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì tốt nhất, an toàn nhất.

Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở trường THCS Trần Phú
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (áo dài vàng) giao lưu, tọa đàm cùng với học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn nói: “Nhà trường thành lập các câu lạc bộ như Câu lạc bộ tuổi TEEN, tổ chức nhiều  hoạt động thiết thực, bổ ích như thế này là cách tuyên truyền, sáng tạo trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lứa tuổi dậy thì. Chúng tôi rất mong muốn các bậc phụ huynh cùng tham gia vào những buổi sinh hoạt này để phát huy tính tích cực của cuộc vận động “Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm”. Khi nhà trường, gia đình và xã hội cùng chung một mục tiêu giáo dục, chăm lo phát triển cho trẻ, tôi tin các cháu sẽ có một môi trường học tập, rèn luyện, vui chơi bổ ích. Mái trường này sẽ là ngôi trường hạnh phúc, để học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở trường THCS Trần Phú
Nhiều học sinh hăng hái tham gia trả lời các câu hỏi liên quan đến tuổi dậy thì, cách thể hiện bản thân ở tuổi mới lớn trong môi trường học đường.

Trường THCS Trần Phú là trường chất lượng cao của thành phố Phủ Lý. Trong bối cảnh phát triển xã hội đô thị hiện nay, học sinh nhà trường luôn đối mặt với nhiều áp lực: Tệ nạn xã hội, sự kỳ vọng của cha mẹ trong học tập, thi cử, phát triển năng lực bản thân, những thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn…  việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt câu lạc bộ theo chủ đề gắn với giáo dục giới tính, tình yêu, khát vọng và lý tưởng cống hiến cho học sinh thực sự cần thiết.

Nhà giáo Đỗ Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng trường THCS Trần Phú cho biết, mục tiêu phát triển của nhà trường trong những năm tới là xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Nhà trường chú trọng công tác giáo dục thể chất, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm,  sinh hoạt ngoại khóa ... để tạo sân chơi bổ ích cho học sinh. Từ các hoạt động này, nhà trường sẽ phát huy trách nhiệm, năng lực sư phạm của các thầy cô giáo, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục, chăm sóc học sinh tuổi mới lớn. 

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy