Hiện nay, chương trình GDPT được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc, biết vận dụng có hiệu quả kiến thức vào đời sống, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội… Với những yêu cầu mới này, ngành Giáo dục, các trường phổ thông và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn tỉnh cũng xác định rõ trách nhiệm tích cực đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó, cơ bản nhất là thay đổi nhanh, có chất lượng về phương pháp dạy học.
Theo đó, qua việc cụ thể hóa được mục tiêu GDPT, có sự kết nối chặt chẽ giữa các cấp học cũng như liên thông với chương trình giáo dục các cấp, chương trình GDPT hiện nay đã giúp các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng mới. Chia sẻ về điều này, thầy giáo Nguyễn Văn Doãn, Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Công Tráng (Thanh Liêm) cho rằng: Với những định hướng đổi mới GDPT, không chỉ nhà trường, mà bản thân mỗi giáo viên cũng phải có sự chủ động riêng cho mình trong việc lập kế hoạch làm việc, đổi mới phương pháp dạy học, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Về phía nhà trường, bên cạnh việc tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành về xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh, cũng có kế hoạch thực hiện rà soát nội dung chương trình hiện hành, thống nhất chủ đề dạy học các môn học, chủ đề tích hợp liên môn để có sự bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp hơn. Đồng thời, xây dựng được kế hoạch tổ chức một số hoạt động giáo dục dành cho học sinh…
Đồng quan điểm này, thầy giáo Phạm Trung Trực, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Quế (Kim Bảng) khẳng định: Việc đổi mới tư duy quản lý và phương pháp dạy học là yếu tố quan trọng nhất để thực hiện đổi mới GDPT. Ở các trường học, cấp học, vai trò, trách nhiệm thực hiện đổi mới đã được phân định rất cụ thể. Theo đó, vai trò của các hiệu trưởng được thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương đổi mới, tích cực đôn đốc và tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra, đánh giá, triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy mang tính sáng tạo. Các tổ trưởng chuyên môn chủ động tham mưu, đề xuất biện pháp giảng dạy tích cực; thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn… Và qua trọng nhất là giáo viên đã nhận thức được việc thực hiện đổi mới giáo dục là thực sự cần thiết không chỉ đối với học sinh, mà với cả giáo viên nên đã có sự chủ động trong tiếp cận, lĩnh hội các yêu cầu đổi mới, triển khai có hiệu quả yêu cầu đổi mới ngay trong từng tiết học.
Năm học 2023-2024 tiếp tục được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở cấp phổ thông, thực hiện Chương trình GDPT 2018 bằng việc dạy theo chương trình mới đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11; đồng thời, chuẩn bị biên soạn sách cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Trong hội nghị toàn ngành triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ rõ: Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá, thì trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Chỉ khi nào lực lượng giáo viên đổi mới, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, cần phải cung cấp thông tin rộng rãi để có được sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội trong sự nghiệp đổi mới; không làm tốt điều này, việc đổi mới rất khó khăn. Do đó, để thực hiện thành công đổi mới, cần phải có giải pháp tổng thể, trong đó, sự nỗ lực, cố gắng và vai trò của các nhà giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trên thực tế, không chỉ riêng Chương trình GDPT 2018, mà với tất cả mọi sự đổi mới, nếu yếu tố con người không được đổi mới theo kịp cả về tư duy, nhận thức, thay đổi về phương pháp, cách làm, cách dạy thì sẽ không thể đổi mới được. Vì vậy, ngành Giáo dục đã thường xuyên tiến hành khảo sát, đánh giá lại năng lực nghề nghiệp của đội ngũ, có sự đối chiếu với yêu cầu của chương trình để phân loại giáo viên; tăng cường bồi dưỡng và đào tạo lại đội ngũ về năng lực sư phạm.
Những năm học qua, các trường thuộc hệ thống GDPT trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc đổi mới về cả công tác quản lý, điều hành, cũng như phương pháp dạy và học, đáp ứng ngày càng cao đòi hỏi của phát triển giáo dục. Theo đó, đã duy trì ổn định về mạng lưới, quy mô trường lớp và giữ vững tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường, lớp. Các trường phổ thông cũng tích cực đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập. Ở cấp trung học, 100% cán bộ quản lý, giáo viên THPT và giáo viên cốt cán THCS nắm vững nội dung xây dựng ma trận đề và phương pháp dạy học các môn học, phương pháp hướng dẫn học sinh tự học, thiết kế bài học theo các nhóm hoạt động; thực hành dạy học minh họa trong sinh hoạt chuyên môn tại các cụm trường và các nhà trường theo hướng nghiên cứu bài học; chỉ đạo áp dụng việc thiết kế bài học theo các nhóm hoạt động góp phần phát huy năng lực, phẩm chất học sinh đối với tất cả các môn học tại các nhà trường. Ở cấp tiểu học, các nhà trường có sự bắt kịp nhanh với yêu cầu mới, giúp tăng cường cho học sinh về cả kiến thức và kỹ năng.
Đánh giá về việc triển khai dạy và học theo chương trình, SGK mới cấp tiểu học, bà Nguyễn Thúy Hường, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Sau 3 năm triển khai, việc thực hiện chương trình và SGK mới nhanh chóng đi vào nền nếp, giáo viên tiểu học đã cơ bản thành thạo trong triển khai các yêu cầu chương trình, SGK mới, tích cực nghiên cứu bài dạy, kế hoạch bài học để dạy học hiệu quả; có sự chủ động và linh hoạt trong sử dụng ngữ liệu; áp dụng khá thành thạo các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, từng bước hình thành tính tích cực, chủ động cho học sinh đối với các môn học, hoạt động giáo dục. Các trường chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch môn học, thực hiện linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học theo hướng mở.
Quá trình thực hiện đổi mới giáo dục các nhà trường đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học và tăng cường bồi dưỡng các nội dung chuyên môn, nâng cao tay nghề cho giáo viên. Trong các giờ dạy, vai trò của giáo viên đã dần thay đổi từ truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn học sinh cách tự học; áp dụng nhiều kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học cũng như phương pháp, sắp xếp lại chương trình môn học, xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Là một giáo viên dạy môn Ngữ văn dày dặn kinh nghiệm, cô giáo Hoàng Thị Thúy Hà (Trường THCS Bạch Thượng, Duy Tiên) cho biết đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu những điểm mới, sự thay đổi của chương trình môn học để chủ động về phương pháp giảng dạy của bản thân. Với yêu cầu đổi mới môn học, giáo viên bắt buộc phải có sự thích ứng nhanh với việc tự đổi mới. Trên nền chương trình, giáo viên vẫn là người cung cấp kiến thức, nhưng đồng thời còn phải tổ chức tốt các hoạt động giáo dục khác nhằm thu hút học sinh tham gia có chủ đích vào việc học, hạn chế sự áp đặt trong dạy và học.
Thanh Hà