Chủ động đổi mới thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 10 nói riêng và cấp trung học phổ thông (THPT) nói chung được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc. Với những yêu cầu mới này, ngành giáo dục, các nhà trường và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường THPT xác định rõ trách nhiệm tích cực đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó, cơ bản nhất là thay đổi nhanh, có chất lượng về phương pháp dạy học.

Theo đánh giá, Chương trình GDPT 2018 cấp THPT đã cụ thể hóa được mục tiêu giáo dục phổ thông, có sự kết nối chặt chẽ, liên thông với chương trình giáo dục nghề nghiệp và chương trình giáo dục đại học. Hệ thống các môn học của chương trình có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc cùng 9 môn học lựa chọn, ở ba nhóm (nhóm môn khoa học xã hội (KHXH), khoa học tự nhiên (KHTN), công nghệ và nghệ thuật). Theo đó, học sinh lớp 10 trong năm học 2022 - 2023 sẽ học 4 môn học từ ba nhóm nói trên, mỗi nhóm ít nhất một môn, những môn không chọn thì không phải học.

Chủ động đổi mới thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10
Do được sắp xếp lớp học phù hợp với nguyện vọng nên việc học tập của học sinh lớp 10 Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng) nền nếp ngay từ những ngày đầu năm học mới.

Để thực hiện tốt chương trình, các nhà trường đã chủ động xây dựng tổ hợp lựa chọn môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn theo học suốt ba năm, bảo đảm vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Đối với khối lớp 10, ngoài 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các trường xây dựng tổ hợp lựa chọn 4 môn học thuộc 9 môn tự chọn.

Trong số các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và các môn học lựa chọn có một số môn học có chuyên đề học tập thì tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học, nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành. Đối với học sinh định hướng nghề nghiệp liên quan đến môn Lịch sử, các nhà trường bố trí dạy học nâng cao thông qua chuyên đề học tập. Việc xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn phải định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo hướng tuyển sinh vào các trường chuyên nghiệp, trên cơ sở dự báo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của nhà trường theo chu kỳ một khóa học là ba năm học cấp THPT.

Với sự rõ ràng về nội dung chương trình như vậy, các nhà trường đã sớm bắt tay xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng mới, tăng cường các nội dung mang tính thực hành, ứng dụng và các hình thức tổ chức dạy học giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn. Đồng thời, gợi mở, khuyến khích khả năng tư duy sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức môn học, kiến thức liên môn trong giải quyết các tình huống thực tiễn. 

Theo cô giáo Đinh Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng), như vậy cũng có nghĩa là không chỉ nhà trường mà bản thân mỗi giáo viên cũng phải có sự chủ động riêng cho mình trong việc lập kế hoạch làm việc, đổi mới phương pháp dạy học sao cho từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018. Về phía nhà trường, bên cạnh việc tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của ngành về xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh gắn với giáo dục định hướng nghề nghiệp. Trong năm học đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, nhà trường tiếp tục duy trì giải pháp  lấy căn cứ là đầu vào của học sinh và lấy đó xây dựng các mục tiêu, yêu cầu về kết quả “đầu ra” để khẳng định chất lượng giáo dục. Quá trình thực hiện, nhà trường thường xuyên có sự kiểm tra, đánh giá theo từng đợt về chất lượng giáo dục các môn học, từng lớp học, tạo không khí thi đua dạy tốt- học tốt trong toàn trường…

Cũng đồng quan điểm này, lãnh đạo nhiều nhà trường cũng khẳng định, việc đổi mới tư duy quản lý và phương pháp dạy học là yếu tố quan trọng nhất để triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Ở các trường học, vai trò, trách nhiệm thực hiện đổi mới đã được phân định rất cụ thể. Theo đó, vai trò của các hiệu trưởng được thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương đổi mới, tích cực đôn đốc và tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp kiểm tra, đánh giá, triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy mang tính sáng tạo. Các tổ trưởng chuyên môn căn cứ vào đặc điểm môn học, thực tế về số lượng và năng lực giáo viên bộ môn phải làm tốt việc tham mưu, đề xuất biện pháp giảng dạy tích cực, có trách nhiệm thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn để bàn các biện pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá phù hợp với từng đối tượng học sinh, thống nhất chủ đề dạy học. 

Về phía giáo viên, hầu hết đều cho rằng, việc đổi mới chương trình giáo dục là thực sự cần thiết không chỉ đối với học sinh mà với cả giáo viên. Để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT, mỗi giáo viên cần phải xem việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh là một việc làm thường xuyên, được cụ thể ngay trong tất cả các khâu của quá trình dạy học. Đồng thời, bên cạnh việc nắm vững phương pháp, kỹ năng dạy học cũng như tổ chức các hoạt động và quản lý học sinh, giáo viên còn cần có ý thức tự trau dồi nâng cao trình độ thông qua việc chủ động học tập kinh nghiệm, nghiên cứu cách dạy hay, tham gia nghiêm túc và vận dụng triệt để các nội dung được tập huấn về chuyên môn theo chương trình mới.

Trên thực tế, Chương trình GDPT 2018 không triển khai theo hướng truyền thụ kiến thức đơn thuần cho học sinh mà chú trọng hình thành năng lực, phẩm chất cho người học. Để đạt được mục tiêu đó, các trường xác định phải thay đổi nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá, không bám sát ngữ liệu sách giáo khoa, mà tập trung đánh giá năng lực học sinh theo mục tiêu chương trình đề ra.

Với đặc thù học sinh lớp 10 trước đây do đã quá quen với chương trình, cách học truyền thống, nay phải học theo chương trình mới, phải tự lựa chọn nhóm môn học nên không thể tránh khỏi lúng túng. Đối với những học sinh có năng lực, sở thích, xu hướng nghề nghiệp rõ ràng thì lựa chọn học các nhóm môn học không khó. Nhưng đối với những em có học lực yếu hơn, việc lựa chọn nhóm môn học không dễ dàng, chọn theo cảm tính, chọn theo lời khuyên hoặc xu hướng... sẽ gây nhiều khó khăn cho quá trình học tập sau này. Khi đó, vai trò và sự định hướng của nhà trường có ý nghĩa quan trọng giúp học sinh tránh được những lúng túng, tự nhận thức được năng lực, sở trường của bản thân để có sự lựa chọn môn học phù hợp. 

Ngay khi có kết quả tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023, các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cho học sinh khối lớp 10 trong việc chọn môn học, bảo đảm bám sát năng lực của học sinh, tạo sự hài hòa, không bị chênh lệch quá nhiều giữa các nhóm môn học và tổ chức sắp xếp, ổn định lớp học ngay từ những ngày đầu của năm học mới. Điều đó thực sự quan trọng góp phần tạo tâm lý tự tin cho cả học sinh và giáo viên khi thực hiện dạy và học theo Chương trình GDPT 2018. 

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy