Bổ sung kiến thức cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Chỉ trong thời gian khoảng 3 tháng trở lại đây, tổng số học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh bị nhiễm Covid-19 đã lên tới hơn chục nghìn trường hợp. Theo quy định, tất cả các trường hợp học sinh nhiễm Covid-19 và học sinh là F1 có nguy cơ đều được nghỉ học trực tiếp để điều trị, theo dõi sức khỏe, chuyển sang học trực tuyến để bảo đảm theo kịp chương trình các môn học.

Tuy không có con số thống kê cụ thể, nhưng bên cạnh những học sinh tích cực, tiếp thu bài tốt vẫn còn một tỉ lệ học sinh nắm bắt và tiếp thu bài chậm hơn. Vì vậy, các nhà trường đều có sự chuẩn bị tốt về kế hoạch dạy bổ sung kiến thức cho những học sinh này ngay khi trở lại trường học trực tiếp.

Tại Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến (thị xã Duy Tiên), từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến cuối tháng 3/2022 đã có tới 131 học sinh nhiễm Covid-19. Trong thời gian những học sinh nhiễm Covid-19 nghỉ học, việc tổ chức dạy học đã được nhà trường linh hoạt chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Theo đánh giá của nhà trường và giáo viên về chất lượng học tập của học sinh cho thấy, chất lượng học tập của học sinh được học trực tiếp đã bảo đảm đạt được mục tiêu trong kế hoạch giáo dục.

Đối với học sinh bị nhiễm Covid-19, không phải 100% học sinh đều có thể tham gia đầy đủ các buổi học, tiết học trực tuyến do bị sốt, mệt. Giáo viên vừa dạy học, vừa quản lý lớp học trực tiếp nên không thể theo dõi được học sinh học online trừ một số em có tinh thần học tập cao. Các bài giảng được thiết kế theo cách thức học trực tiếp, nên những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên.  

Bổ sung kiến thức cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid19
Giáo viên Trường THPT A Bình Lục chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy ôn tập, bổ sung kiến thức thiếu hụt cho học sinh do ảnh hưởng của dịch  Covid-19.

Cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến cho biết: Trước tình hình này, nhà trường đã chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn, giáo viên các bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện việc dạy bổ sung kiến thức còn thiếu hụt một cách sớm nhất, hiệu quả nhất cho học sinh nhiễm Covid-19.

Theo đó, khi học sinh đi học trực tiếp, nhà trường tổ chức cho giáo viên phụ đạo thêm cho những học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức, nhiều thời điểm. Khi chưa ra lớp, những học sinh này sẽ được giảng bài và gửi bài qua Zalo, tin nhắn, giáo viên sẽ chấm, chữa bài trên các phần mềm như Azota, Zalo và giải đáp kịp thời những thắc mắc của các em. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có những bài giảng gửi trong thư viện điện tử, học sinh có địa chỉ có thể vào tham khảo bài giảng của thầy cô.

Có những thời điểm, nhà trường tập trung tất cả học sinh F0 và F1 đang học chung một khối để phân công giáo viên dạy trực tuyến vào một số buổi trong tuần. Đặc biệt, khi các em đã khỏi bệnh hoặc xét nghiệm âm tính ra học trực tiếp, nhà trường đều tổ chức dạy ôn tập, củng cố kiến thức cho các em vào một số buổi nhất định, bảo đảm 100% học sinh nắm được kiến thức bài học, đạt được mục tiêu đặt ra trong kế hoạch giáo dục. 

Sau một thời gian dạy và học trực tuyến hoặc dạy và học kết hợp trực tuyến với trực tiếp, ở hầu hết các nhà trường, cấp học đều phát sinh sự mất cân đối về tính đồng đều trong việc tiếp nhận kiến thức, kĩ năng của học sinh. Một giáo viên chia sẻ, ngay cả khi học trực tiếp trong mỗi lớp đã có sự phân hóa về năng lực của học sinh. Sự phân hóa này rõ ràng hơn khi học sinh liên tục phải học trực tuyến, trong điều kiện không ít học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mức độ thiếu hụt kiến thức tùy từng đối tượng nhưng trên thực tế, sau thời gian tạm nghỉ học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến thì học sinh có lực học trung bình chỉ nắm được khoảng 80% kiến thức cơ bản, học sinh có lực học khá trở lên về cơ bản kiến thức trọng tâm, cốt lõi đều tiếp thu tốt. Việc dạy bổ sung, bù đắp kiến thức cho học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh thực sự cần thiết, nhất là với học sinh cuối cấp… 

Được biết, do xác định được tính quan trọng của việc dạy học bổ sung kiến thức cho học sinh nên ngay trong quá trình dạy trực tuyến, nhiều giáo viên đã có sự theo dõi sát sao tình hình, mức độ học tập của học sinh và chủ động các biện pháp hỗ trợ học sinh. Đối với các nhà trường, khi học sinh đi học trở lại đã yêu cầu, chỉ đạo giáo viên các bộ môn thực hiện phân loại các nhóm học sinh, xây dựng và triển khai kế hoạch dạy phụ đạo, bổ sung kiến thức thiếu hụt. 

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Bình Lục cho biết: Trong quá trình dạy học trực tuyến đối với các học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thời gian qua, lãnh đạo nhà trường đã nhận được nhiều chia sẻ của giáo viên các bộ môn về tình hình học tập của học sinh. Một số học sinh có hạn chế về nhận thức, năng lực nên chưa tiếp thu trọn vẹn kiến thức; do một số nguyên nhân khiến cho một vài học sinh không tham gia đầy đủ các buổi học, tiết học trực tuyến...

Trên cơ sở đánh giá đúng thực tế, nhà trường chú trọng thực hiện kế hoạch phụ đạo cho học sinh “hổng” kiến thức, không theo kịp chương trình; chỉ đạo các tổ nhóm chuyên môn và giáo viên bộ môn sắp xếp thời gian hợp lý để tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy tiếp nội dung kiến thức mới. Đồng thời, lựa chọn hình thức phù hợp để kiểm tra mức độ nắm kiến thức của học sinh để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho từng đối tượng.

Kế hoạch phụ đạo, bù đắp kiến thức cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng được Trường THPT chuyên Biên Hòa thực hiện song song với việc tổ chức dạy học chương trình học kỳ II. Theo quan điểm của cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, dù là học sinh trường chuyên nhưng không phải mọi học sinh các lớp chuyên đều có sự đồng đều ở tất cả các môn học, vẫn cần có sự hỗ trợ để tăng cường nhận thức. Tuy số lượng học sinh không theo kịp chương trình các môn học hiện không nhiều nhưng khi học trực tiếp, giáo viên vẫn cần tăng thời lượng hướng dẫn học sinh ôn tập, kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện lỗ hổng kiến thức, có phương án bù đắp kịp thời cho từng học sinh khác nhau, bảo đảm sự phù hợp trong dạy bài mới với ôn tập kiến thức đã học. Nhà trường căn cứ theo kế hoạch của giáo viên về thời gian cho dạy bù kiến thức để xây dựng thời khóa biểu, tránh chồng chéo, gây áp lực cho cả thầy và trò.

Theo Công văn số 264/SGDĐT-VP ngày 28/3/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ ngày 1/4/2022, trẻ mầm non, học sinh tiểu học và học sinh lớp 6 trên địa bàn tỉnh sẽ đi học trực tiếp tại trường thực hiện chương trình, kế hoạch năm học. Bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong nhà trường, các trường THCS, tiểu học, mầm non cũng có kế hoạch tổ chức dạy bổ sung kiến thức đối với học sinh, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 đang học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng cường các biện pháp giáo dục, chuẩn bị một số kỹ năng cũng như tâm thế cho trẻ mầm non 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.