Nằm trong khuôn khổ Dự án “Phá vỡ sự im lặng về bạo lực với phụ nữ khuyết tật”, chương trình Hội thảo - Tọa đàm “Hãy lên tiếng – Chống lại bạo lực để cuộc sống tốt đẹp hơn” đã được tổ chức tại Hà Nam vào sáng 30/10.
Chương trình do Trung tâm Nghiên cứu và Hành động Vì sự phát triển hòa nhập (IDEA) phối hợp với Hội Người Khuyết tật Hà Nam tổ chức, được tài trợ bởi Chương trình Alumni của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Tại chương trình, hội viên Hội Người Khuyết tật tỉnh đã được tập huấn kiến thức về quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật; Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật bình đẳng giới và kỹ năng ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; được trang bị kiến thức và kỹ năng để chống lại bạo lực.
Nhiều tiểu phẩm hay, câu chuyện thực tế đã được các thành viên Hội người khuyết tật chia sẻ, trình diễn tại buổi tọa đàm tạo nhiều cảm xúc, xúc động. Thông qua buổi tọa đàm nhằm nâng cao năng lực cho người khuyết tật, giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng để tự tin hơn, mạnh dạn đứng lên đấu tranh, chống lại bạo lực; xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn; đây cũng là dịp để các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa các hoạt động bảo vệ người khuyết tật trong thời gian tới.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Hành động Vì sự Phát triển Hòa nhập, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7% dân số, trong đó phụ nữ khuyết tật là 3,2 triệu người, trong đó 70% người khuyết tật đang sống ở các vùng nông thôn.
Người khuyết tật ở Việt Nam nói chung, người khuyết tật là phụ nữ nói riêng luôn là nạn nhân của các cuộc bạo hành như: bị đánh đập;phân biệt, đối xử; xâm hại tình dục, xa lánh… Thống kê cho thấy, cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người bị bạo hành, xâm hại tình dục. Người khuyết tật bị bạo lực thường cam chịu và không đủ khả năng chống trả, không dám tố cáo thủ phạm. Đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật càng có nguy cơ trở thành nạn nhân của mọi hình thức bạo lực.
Riêng ở Hà Nam, theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, bạo lực đối với người khuyết tật xảy ra thường xuyên, ở cả thành thị và nông thôn, với các hình thức như: bạo hành về thể xác, tinh thần; xâm hại tình dục; phân biệt, kỳ thị trong lao động – việc làm…
Đối tượng bạo hành chính là người thân của người khuyết tật, họ hàng, làng xóm… Không cam chịu, nhiều chị em người khuyết tật ở Hà Nam đã nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống; dám đứng lên đấu tranh, chống lại bạo lực để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật đã được thành lập như: câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tự lực; câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý….
Giang Nam
Chu Uyên