Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đẩy nhanh triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Nam, huyện Bình Lục đã và đang tích cực tập trung rà soát, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 38- CT/TU, ngày 6/12/2024 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đẩy nhanh triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Nam", Huyện ủy Bình Lục đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện và hướng mục tiêu hoàn thành 3 nhiệm vụ lớn: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Trong đó, ưu tiên xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người có công từ nguồn ngân sách nhà nước; bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả theo đúng quy định.
Để bảo đảm tiến độ, yêu cầu thực hiện phong trào, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong huyện đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa, mục tiêu, tiêu chí của phong trào. Ông Lê Ngọc Hanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện xác định, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu của MTTQ các cấp trong nhiệm kỳ mới. Với vai trò, chức năng của mình, mặt trận các cấp trong huyện phối hợp với UBND và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua; tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới và sửa chữa nhà ở. Đồng thời, kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhà hảo tâm và nhân dân tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn nhằm phát huy cao nhất khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng; tổ chức tiếp nhận nguồn ủng hộ, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo quy định...
Theo thống kê, toàn huyện có 407 hộ đang ở nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, 195 hộ có nhu cầu hỗ trợ xây mới, 155 hộ có nhu cầu sửa chữa, 57 hộ không có nhu cầu. Đồng chí Trương Công Khải, Bí thư Huyện ủy, Trưởng BCĐ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Bình Lục cho biết: Để bảo đảm tính công bằng, minh bạch và triển khai hiệu quả, thực chất phong trào này, BCĐ huyện đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải phối hợp thống nhất tiêu chí, đánh giá khách quan hiện trạng nhà ở của hộ dân để những hộ đang phải ở nhà dột nát, nhà tạm, nhà không an toàn có nhu cầu sửa chữa, xây mới sẽ được hỗ trợ theo chương trình. Ngay tại thời điểm này, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp để lan tỏa ý nghĩa của phong trào, cùng chia sẻ trong chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phải tập trung triển khai nhiều biện pháp, cách làm linh hoạt để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn tỉnh theo phương châm: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các đoàn thể phối hợp, nhân dân làm chủ; huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định và không trùng lặp giữa các chương trình, các hoạt động hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò, sự vào cuộc trực tiếp của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm và cộng đồng doanh nghiệp...
Tại huyện Bình Lục, đây là thời điểm huyện đang dốc sức thực hiện mục tiêu về đích nông thôn mới nâng cao, nhưng theo đánh giá, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hiện vẫn còn cao hơn các địa phương khác trong tỉnh. Với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bình Lục sẽ phải tập trung nguồn lực cho phong trào.
Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Trương Công Khải, để tăng cường nguồn lực thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát với số lượng lớn như thế, Bình Lục đã xác định phải đẩy mạnh, tranh thủ xã hội hóa. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất lúc này đối với huyện chính là việc huy động nguồn lực trong cộng đồng doanh nghiệp do trên địa bàn huyện số lượng doanh nghiệp ít, đa số doanh nghiệp đã và đang nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên việc tham gia đóng góp cùng huyện thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát còn hạn chế. Bên cạnh đó, hiện nay, huyện vẫn còn một khoản huy động Quỹ phòng, chống Covid -19, Quỹ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai chưa sử dụng hết, nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc sử dụng nguồn quỹ này như thế nào trong tình hình hiện nay. Vì thế, để chuyển nguồn chưa sử dụng hết từ Quỹ phòng, chống Covid-19 hay Quỹ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai sang hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát, địa phương đang rất lúng túng trong xử lý.
Cùng những khó khăn về huy động nguồn lực, trong quá trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát của huyện Bình Lục còn phát sinh một số vấn đề có nguy cơ làm chậm tiến độ phong trào thi đua. Trong đó, đáng nói nhất là cùng với khoản hỗ trợ theo quy định 60 triệu đồng/căn nhà xây mới và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa thì nhiều hộ dân không đủ tiềm lực để có thể xây mới nhà ở hoặc sửa chữa nhà ở. Đơn cử như hộ gia đình ông Chu Thanh Tân, thôn 1, xã Bối Cầu. Hiện gia đình ông Tân đang ở trong căn nhà tạm và nằm trong diện được hỗ trợ. Thế nhưng, trong điều kiện kinh tế của một hộ nghèo như gia đình ông; sự hỗ trợ của họ hàng, anh em có hạn nên chỉ với kinh phí 60 triệu đồng được hỗ trợ của Nhà nước, ông Tân không thể đủ năng lực xây mới một căn nhà 30m2 theo giá thị trường hiện nay. Vì thế, ông chỉ đề xuất xin kinh phí sửa chữa lại ngôi nhà của mình...
Trước thực tế này, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Lục đã đề xuất tỉnh có cơ chế linh hoạt, hướng dẫn cụ thể các địa phương trong giải ngân, xử lý các nguồn quỹ đã huy động trong các chương trình an sinh khác chuyển sang cho thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nhằm bảo đảm sự phù hợp với tình hình thực tế và tránh lãng phí nguồn lực.
Giang Nam