Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc và Liên hoan Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách tỉnh Hà Nam là những hoạt động nhằm cụ thể hóa Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Hà Nam được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức cho học sinh cấp tiểu học, THCS và THPT. Liên hoan Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách cũng là cuộc thi do hai đơn vị trên phối hợp tổ chức dành cho các em học sinh cấp tiểu học và THCS. Cả 2 hình thức tổ chức đều nhằm mục đích khẳng định vai trò của sách và thư viện trong đời sống xã hội, xây dựng thói quen đọc sách, kết nối và truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách cho các em học sinh, góp phần đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến mọi người.
Tổng số trường có học sinh tham gia Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc ổn định, nhưng số lượng bài thi năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2019, năm đầu tiên tổ chức, ban tổ chức chỉ nhận được 18 nghìn bài dự thi, đến năm 2023 đã nhận được gần 98 nghìn bài dự thi. Số lượng bài dự thi được chọn vào vòng sơ loại cấp tỉnh cũng tăng cao hơn. Những bài được trao giải cấp tỉnh đều là những bài viết ấn tượng, sâu sắc, xúc động, thể hiện năng lực cảm nhận và tình cảm của các em dành cho sách cũng như niềm đam mê đọc sách.
Có nhiều bài dự thi khiến người đọc khó quên. Điển hình như bài dự thi của em Nguyễn Thị Thu Nga năm 2020 (thời điểm dự thi em học lớp 11A – Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, phân hiệu Hà Nam). Em chọn viết tiếp câu chuyện “Đến cỏ dại còn đàng hoàng mà sống” của tác giả Phạm Sỹ Thanh. Em đã viết: “Ngay cả một khóm cỏ cũng có giá trị riêng, vậy nên đừng bao giờ coi nhẹ giá trị của bản thân mình. Hãy sống thật hiên ngang trước sóng gió để rồi vào một ngày thuận lợi ta sẽ tỏa sáng theo cách của riêng mình như những nhành cỏ dại với sức sống mãnh liệt ngoài kia”. Với sự tinh tế trong cảm nhận và suy nghĩ, cộng những ý tưởng hay về việc khuyến đọc (thành lập fanpage “Love books”) bài dự thi của em đã nhận được giải chuyên đề chia sẻ cảm tưởng hay nhất và cũng là bài thi nhận được giải Nhì cá nhân.
Bài dự thi của em Nguyễn Ngọc Hà năm 2021 (thời điểm dự thi em là học sinh lớp 7C Trường THCS Nguyễn Hữu Tiến, thị xã Duy Tiên). Nguyễn Ngọc Hà chọn chia sẻ cảm xúc từ quyển sách mang tên “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” – một tác phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc. Tác phẩm kể câu chuyện về sự vô tâm và thờ ơ với những người sống cùng trong một gia đình để đến khi cái chết gần kề, mọi người mới chợt nhận ra người đó quan trọng với mình đến thế nào. Ngọc Hà viết: “Có những nỗi đau chẳng thể nói ra, những vất vả chẳng thành lời, có những câu chuyện chẳng thể chia sẻ nhưng hãy để yêu thương lấp đầy. Chắc chắn một ngày nào đó cha mẹ rồi sẽ trở thành “nỗi buồn tiếc” của bạn. Vậy thì làm ơn ngay từ bây giờ, đừng tự cho phép mình trở thành “nỗi buồn giận” của cha mẹ!... Hãy đọc sách để học cách vị tha và yêu thương nhiều hơn”. Bài chia sẻ của em, ngoài giải Nhất còn được chọn trao giải chuyên đề chia sẻ cảm tưởng hay nhất.
Ông Đinh Trung Hiếu, Giám đốc Thư viện tỉnh nhận xét: Có thể thấy, những bài được chọn dự thi cấp tỉnh và đạt giải đều thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn cuốn sách chia sẻ, nội dung, kỹ thuật viết và khả năng sáng tạo. Các em đã thể hiện niềm say mê thực thụ đối với sách, trải lòng mình trong từng trang viết và dành trọn tâm huyết của mình để thực hiện bài dự thi. Nhiều bài dự thi cho thấy sự chững chạc trong lối viết, sâu sắc trong suy nghĩ và sự hồn nhiên trong cảm nhận của các em.
Theo dõi cuộc thi qua nhiều năm, cho thấy những bài dự thi đa phần là của các em học sinh giỏi văn hoặc có khả năng viết tốt, có năng lực thẩm thấu sách tốt. Tuy nhiên, khi thể hiện ý tưởng của mình, nhiều em còn lúng túng, nói không hết ý chính, lúc này các thầy cô giúp đỡ các em. Nhưng thay vì gợi ý để các em viết, nhiều thầy cô lại can thiệp quá sâu, bài viết có nhiều chỗ “lên gân”, gán cho câu chuyện quá nhiều ý tưởng, dẫn quá nhiều những câu triết lý khiến cho sự hồn nhiên, trong sáng và chân thật của các em còn lại rất ít. Trong khi cuộc thi đề cao sự sáng tạo của các em trong cách viết, chia sẻ tác phẩm, ý tưởng khuyến đọc và trình bày bài dự thi. Nhiều bài dự thi hình thức thể hiện quá cầu kỳ, không cần thiết, những hình ảnh trực quan mô phỏng tác phẩm lại quá cồng kềnh, buộc phải bóc dỡ ra mới đọc được, có bài dự thi lại gắn với mô hình khiến người đọc để nguyên cả mô hình để đọc. Về cách trình bày, thiết nghĩ, ban tổ chức cũng nên có quy định cụ thể để cuộc thi đúng với tính chất dành cho các em lứa tuổi học sinh và nhấn mạnh vào mục đích, ý nghĩa của cuộc thi.
Liên hoan Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách không phải là một cuộc thi thường niên, nhưng đây cũng là một hình thức khuyến đọc và giới thiệu những cuốn sách đáng đọc dành cho các em học sinh cấp tiểu học và THCS. Qua nhiều liên hoan trước và phần sơ khảo cấp huyện, thị xã, thành phố năm nay, tình trạng các bài viết của thầy cô cho các tuyên truyền viên học thuộc và trình bày trong phần thi giới thiệu sách vẫn còn. Mặc dù các thầy cô đều cho biết có lấy ý tưởng từ các em và các em có tham gia viết, nhưng theo lối mòn cô viết trò thuộc vẫn diễn ra làm cho ý nghĩa khuyến khích phong trào đọc sách và văn hóa đọc mất đi ý nghĩa vốn có.
Khác với Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cảm nhận và chia sẻ về tác phẩm, thì Liên hoan Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách là giới thiệu về hình thức, nội dung cuốn sách và những bài học rút ra từ những cuốn sách đó, khuyến khích mọi người đọc và làm theo sách. Nhưng ở cả hai hình thức thi trên nhiều em học sinh chưa bám sát đúng yêu cầu nên đã sa đà vào việc phân tích tác phẩm. Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc có nhiều đơn vị có 100% học sinh tham gia, nhưng chất lượng bài thi thấp. Nhiều đơn vị chú trọng luyện “gà nòi” dành cho những em học sinh giỏi, chủ yếu là giỏi văn, tuy các em đạt giải nhưng không phải giải cao. Chính vì thế, trong các năm trước, tham gia dự thi vòng chung khảo toàn quốc, Hà Nam ít có bài lọt vào vòng trao giải.
Tuy còn những hạn chế, nhưng Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc và Liên hoan Thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách được tổ chức đã góp phần tăng số lượng người đọc sách, đọc một cách tự nguyện và tự giác. Số các trường học có thư viện đạt chuẩn các cấp độ cũng tăng cao. Với số lượng sách phong phú, phù hợp lứa tuổi, những tiết học dành riêng cho việc đọc sách, cùng với nhiều hoạt động kích thích niềm đam mê đọc sách, các thư viện trường học đã và đang làm tốt vai trò của mình trong việc hướng dẫn, truyền cảm hứng đọc sách và văn hóa đọc cho các em học sinh.
Chu Bình