kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nghệ sỹ truyền “lửa nghề” cho con

Nghệ sỹ truyền “lửa nghề” cho con

Đằng sau ánh đèn sân khấu, đằng sau tên tuổi được nhiều người biết đến, người nghệ sĩ cũng phải đối mặt với các vấn đề thường nhật của cuộc sống, trong đó có chuyện định hướng nghề nghiệp cho con. Như những mầm cây được nuôi bằng nguồn nhựa sống đam mê, con của một số nghệ sĩ sớm bộc lộ năng khiếu và nếu như được chính những đấng sinh thành “truyền lửa”, dìu dắt vào nghề, thì đó không chỉ là hồng phúc của gia đình mà còn mang đến những tín hiệu vui cho nền nghệ thuật nước nhà.

Chiều se lạnh những ngày cuối năm, tôi có dịp hàn huyên cùng các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật Chèo Hà Nam. Nhưng chủ đề lần này không phải về gần 20 năm gắn bó với chèo, vui buồn với những thăng trầm của chèo, họ vẫn mê đắm trong tình yêu đó, mà xoay quanh chuyện họ đã và đang tích cực truyền “lửa nghề” cho con.

Trong bối cảnh lực lượng kế cận có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng, công tác tuyển sinh ngành nghệ thuật truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, thì những nghệ sĩ khuyến khích con “nối nghiệp” thật đáng trân trọng.

“Trước nay, tôi luôn cố gắng trở thành một người mẹ biết lắng nghe, tôn trọng sở thích, mong muốn và cảm nhận khả năng của con, từ đó đối chiếu với những gì con mơ ước để định hướng nghề nghiệp, chứ không bao giờ ép buộc con làm điều con không muốn. Để đi đến quyết định cho con trai Anh Quân theo học đàn nhị, tôi cũng đắn đo, trăn trở rất nhiều. Nếu chỉ đơn thuần là học một nghề để sau này ổn định cuộc sống thì có rất nhiều lối đi bằng phẳng, nhẹ nhàng hơn. Nhưng rồi bản năng của một người mẹ, trách nhiệm của một nghệ sĩ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống đã thôi thúc tôi ủng hộ, vun bồi, tạo điều kiện tốt nhất để con theo đuổi đam mê và phát triển khả năng. Ngoài tôi, Anh Quân còn được “truyền lửa” từ bà nội là Nghệ sĩ ưu tú Hải Yến và sự hỗ trợ đắc lực từ bố là nhạc công Đức Tuấn. Kì nghỉ hè nào vợ chồng tôi cũng đưa con đến Đoàn tập luyện cùng các nghệ sĩ, thi thoảng còn đưa con đi diễn cùng”- Nghệ sĩ Kim Cúc trải lòng.

Nghệ sỹ truyền “lửa nghề” cho con
Anh Quân tập cùng thầy Thế Dân.

Truyền thống gia đình chính là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng cảm xúc, năng khiếu âm nhạc của cậu bé Đào Nhật Minh. Minh có ông họ (anh trai ông nội) là cố nghệ sĩ Đào Văn Liên từng rất nổi tiếng ở Đoàn chèo Hà Nam Ninh, sau này tách tỉnh về công tác tại Ninh Bình, là người có công đào tạo, bồi dưỡng nhiều nhạc công, trong đó có những trụ cột của dàn nhạc Đoàn Nghệ thuật Chèo Hà Nam hiện nay như: Đinh Quý, Hương Sen… Hai bác họ của Minh là nghệ sĩ ưu tú Đào Tuấn Hải (Nhà hát Chèo Việt Nam) và nghệ sĩ Đào Như Hồng (Nhà hát chèo Ninh Bình), đều là những tên tuổi trong làng chèo nên mỗi lần về quê sum họp gia đình, cậu bé lại được “truyền lửa” và giai điệu của âm nhạc dân tộc cứ ngấm dần rồi đậm sâu lúc nào chẳng hay. Từ nhỏ, Nhật Minh đã thích nghe chương trình dân ca nhạc cổ truyền, những bản hòa tấu nhạc cụ dân tộc, những làn điệu chèo, chầu văn, và đặc biệt cậu bé có thể ngồi cả tiếng đồng hồ nghe bố Hồng Hạnh thổi sáo. Trong dịp sinh nhật con, vợ chồng Hồng Hạnh (Hạnh Sáo) - Thu Hải mua tặng con cây sáo với mục đích ban đầu chỉ là để con có thú vui lành mạnh, ít xem ti vi, chơi điện thoại, nhưng càng ngày Nhật Minh càng bị những âm thanh sâu lắng của tiếng sáo mê hoặc. Cậu bé mày mò tập luyện, hiểu và học rất nhanh về sáo cũng như các loại nhạc cụ dân tộc. Sau thời gian gắn bó với “lớp đàn của bố”, Nhật Minh thổ lộ mong muốn được nối nghiệp gia đình và “định mệnh” đưa cậu đến con đường nghệ thuật chuyên nghiệp lại là đàn nhị.

Cũng giống tâm trạng của nữ nghệ sỹ Kim Cúc, với thâm niên gần 20 năm trong nghề, nghệ sĩ chèo Thu Hải và nhạc công Hạnh Sáo thấm thía một điều: để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp thì phía trước các con là cả chặng đường dài đầy khó khăn, thử thách. “Đành rằng Nhật Minh có xuất phát điểm là khả năng cảm thụ nhạc lý, sự tự tin khi đứng trước đám đông, có sự dìu dắt, hậu thuẫn đắc lực từ bố mẹ nhưng để trở thành một nghệ sĩ thực thụ, nhất là đối với nghệ thuật truyền thống trong dòng chảy cuộc sống hiện nay đòi hỏi tình yêu đủ lớn và sự kiên định, nỗ lực không ngừng. Sau khi phân tích, Nhật Minh vẫn quyết tâm theo đuổi, vợ chồng tôi tôn trọng sự lựa chọn và cam kết sẽ là điểm tựa tinh thần để con tự tin theo đuổi đam mê” - Thu Hải cho biết.

Nói về quyết định cho con gái Nguyễn Ngọc Hà Anh “nối nghiệp” nghệ thuật của gia đình, nghệ sĩ Bích Liên đã phải trải qua “cuộc chiến tâm lý” vô cùng dữ dội. Khi Hà Anh hào hứng tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường, chị Bích Liên chỉ nghĩ đơn giản đó là niềm vui, là trải nghiệm thú vị của tuổi thơ con, nhưng rồi thiên hướng nghệ thuật trong con ngày càng bộc lộ rõ thì chị không khỏi phân vân. Người ta chỉ nhìn thấy nghệ sĩ với những hào quang rực rỡ mà đâu biết rằng sau cánh màn nhung là bao áp lực “làm dâu trăm họ”, là giờ giấc thất thường, ít được gần gũi gia đình do thường xuyên phải đi diễn. Nhưng chị đã mềm lòng khi nghe cô con gái đầu lòng thổ lộ khát khao được đứng trên sân khấu, được hòa mình vào những bản nhạc, được giống bố Hoài Thanh - một nghệ sĩ mà đông đảo khán giả từ người lớn tuổi cho tới giới trẻ đặc biệt yêu mến vì hát văn với niềm đam mê như ngọn lửa cứ cháy sáng mãi xuyên suốt qua từng lớp lớp thời gian, để mọi người cùng cảm nhận nét đẹp, tinh hoa của hát văn, để những làn điệu truyền thống không bị mai một theo dòng chảy cuộc sống hiện đại.

Nhằm giúp các con hiện thực hóa ước mơ nghệ thuật, 3 gia đình nghệ sĩ đã cùng ngồi lại, làm “công tác tư tưởng” cho các con hiểu rằng năng khiếu chỉ là khởi điểm ban đầu, để đi đường dài cần đầu tư học hành bài bản và sự tập luyện nghiêm túc. Hè 2024, chẳng quản ngại xa xôi, vất vả, các nghệ sĩ đăng ký cho con lên Hà Nội theo học lớp nhạc cụ chuyên nghiệp với NSND Thế Dân (đàn nhị) và NSƯT Lệ Giang (đàn bầu).

Tháng 8/2024, trong kì tuyển sinh của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, cả 3 bé đều đỗ vào khoa Âm nhạc truyền thống với số điểm khá cao. 12 tuổi, các em khăn gói lên Hà Nội, bắt đầu con đường gắn kết với âm nhạc truyền thống. Hiện Nguyễn Lê Anh Quân (con trai nghệ sĩ Kim Cúc - Đức Tuấn), Đào Nhật Minh (con trai nghệ sĩ Hạnh Sáo - Thu Hải) đang theo học đàn nhị, Nguyễn Ngọc Hà Anh (con gái nghệ sĩ Hoài Thanh - Bích Liên) học đàn bầu. Để các con yên tâm học tập, 3 gia đình thay nhau nhờ bà nội, bà ngoại lên ở cùng để chăm sóc. Do đặc thù, học viên của khoa Âm nhạc truyền thống phải học nhiều chuyên ngành về các loại nhạc cụ khác nhau, lại vẫn phải bảo đảm các môn cơ bản của giáo dục phổ thông theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên đòi hỏi các bé phải tự giác học tập chăm chỉ và rèn luyện thường xuyên. Để “tiếp sức” cho các con, hằng tuần các nghệ sĩ luân phiên thu xếp thời gian lên thăm, nắm bắt kịp thời tình hình học tập cũng như đưa các con đi xem phim, đi chơi công viên...

Tình yêu thương và sự “truyền lửa” từ những bậc tiền bối, đặc biệt là từ bố mẹ khiến 3 “nghệ sĩ nhí” ngày càng vững vàng bước trên con đường nghệ thuật. Ở độ tuổi thiếu niên, thay vì vô tư ăn ngủ, học hành trong vòng tay bố mẹ như bao bạn bè cùng trang lứa thì các em phải sống xa gia đình, phải cần mẫn theo đúng lịch tập đàn của nhà trường. Nhiều hôm thức khuya, dậy sớm tập luyện mắt cay xè, nhưng sau nửa năm học tập xa nhà với bao thử thách cả 3 em đều hào hứng, say mê, chưa từng có ý định bỏ cuộc. Được học về nhạc lý, được cảm thụ cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc, nắn nót từng ngón đàn, các em càng thấy đàn nhị, đàn bầu thật cuốn hút. Đến thời điểm hiện tại, Anh Quân, Nhật Minh và Hà Anh có thể đánh được hàng chục bản nhạc, trong đó có nhiều bản khó.

Nghệ thuật không có may mắn, phải từ khổ luyện mà bước đi. Thành công trên con đường nghệ thuật, không phải một sớm một chiều. Đó là cả một quá trình rèn luyện, thậm chí khổ luyện miệt mài, nghiêm túc. Trong lĩnh vực nghệ thuật, yếu tố “cha truyền con nối” đóng vai trò vô cùng quan trọng, bởi cha mẹ là những người đi trước đã có kinh nghiệm sẽ giúp con cái có được những bài học chân thực nhất.

Anh Quân, Nhật Minh và Hà Anh đều may mắn khi được sinh ra trong gia đình có cả bố và mẹ là những nghệ sĩ chèo rất tâm huyết với nghề nên các em có lợi thế tiếp xúc với vốn cổ từ rất sớm. Không kể tới yếu tố gen di truyền, việc tiếp cận, luyện tập sớm có ý nghĩa đặc biệt nhằm hun đúc tình yêu và tài năng với nghệ thuật truyền thống trong các em. Đáng mừng là ngoài đàn nhị, Anh Quân và Nhật Minh còn biết thổi sáo, chơi đàn tam thập lục, piano; Hà Anh ngoài đàn bầu còn chơi được piano và đàn nhị. Cả 3 em đều thích thú và đang tự tìm tòi học thêm một số nhạc cụ như: đàn tranh, đàn nguyệt, trống. Với năng khiếu bẩm sinh cùng sự hỗ trợ đắc lực từ gia đình, lại được đào tạo bài bản tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam hệ 6 năm, trong tương lai chắc chắn các em sẽ trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, có những đóng góp tích cực cho nghệ thuật truyền thống nước nhà.

Hoàng Quân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy