kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Lặng lẽ nghệ nhân

Lặng lẽ nghệ nhân

Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian truyền thống gần một đời người, 8 nghệ nhân dân gian Hà Nam đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú kể từ năm 2015 đến nay. Với nghệ nhân, danh hiệu này khích lệ tinh thần, khẳng định cống hiến cho sự tồn tại và phát triển văn nghệ dân gian truyền thống, để họ tiếp tục đóng góp cho dù “danh khả danh phi thường danh”.

Các nghệ nhân của Hà Nam được nhận Bằng công nhận Nghệ nhân Ưu tú.

Gần 100 tuổi, sống qua hai thế kỷ nhiều biến cố lịch sử của dân tộc, nghệ nhân Lưu Thị Ngần, thôn Nội Chuối, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân vẫn đau đáu nỗi niềm với các làn điệu Lải Lèn của quê hương. So với những loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tồn tại trên vùng đất văn hiến Hà Nam này, hát Lải Lèn cổ kính và chứa đựng nhiều ẩn thức. 

Tương truyền, hát Lải vừa là tục, vừa là nghi lễ hát thờ thần của người dân làng Yên Trạch xưa (nay là 3 làng Yên Trạch, Đọ, Nội Chuối, thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân). Vào thế kỷ thứ VI, Yên Trạch là vùng đất được Triệu Quang Phục chọn làm vành đai bảo vệ, tiếp tế lương thảo cho vùng căn cứ chống quân Lương. Sau khi chiến thắng giặc Lương, Triệu Quang Phục lên làm vua, không quên vùng đất này, ông đã về thăm và được nhân dân đón mừng long trọng với nghi thức múa hát Lải Lèn. 

Loại hình nghệ thuật này khi hát không có nhạc cụ phụ họa, chỉ dùng đôi xênh tiền gõ nhịp lúc mau, lúc khoan, kết hợp với trống, kiếm cờ, diễn tả từng chuyện tái hiện cảnh đón mừng nhà vua theo nghi thức cung đình hay cảnh tiễn biệt người thân ra trận chống giặc ngoại xâm. Nghệ nhân Lưu Thị Ngần nhập đám hát từ năm 12 tuổi.

Cuộc sống thôn quê có những thời kỳ chẳng yên bình do chiến tranh, đói kém, mất mùa, thiên tai… nhưng những người dân như nghệ nhân Nguyễn Thị Ngoãn, Lưu Thị Ngần vẫn lặng lẽ gìn giữ và truyền lưu các làn điệu như thể nó là thứ vốn quý văn hóa có ý nghĩa nâng đỡ tinh thần, bồi đắp giá trị đạo đức, truyền thống uống nước nhớ nguồn đối với các thế hệ người dân nơi đây. Nó tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa văn nghệ mang tính làng xã đậm đà bản sắc nhất vùng. 

Ông Lưu Văn Bưởi, con trai của nghệ nhân Lưu Thị Ngần nói: “Mẹ tôi đã dành cả cuộc đời để nhớ, để truyền đạt những điệu khúc dân gian có một không hai ở vùng đất Hà Nam này. Thực chất, từ lời ca đến giai điệu của Lải Lê không ai cắt nghĩa hết, nhưng nó đã sống với thời gian hàng nghìn năm, nó gắn với sự tồn tại của đất và người Yên Trạch, nó là biểu hiện sinh động nhất tinh thần đoàn kết, cộng đồng, cộng cảm của nhân dân, xóm làng. Cứ vào đầu xuân năm mới, người dân Nội Chuối chúng tôi lại tổ chức nghinh lễ vào hội với những câu hát Lải Lê sâu truyền bao thế hệ”.

Cụ Ngần giờ không vào hội được, vì sức khỏe đã yếu đi rất nhiều. Nhưng cụ vẫn nói với các con cháu trong làng, đừng bỏ Lải Lèn, đó là nghi thức văn nghệ tâm linh thiêng liêng tồn tại hàng nghìn năm ở vùng đất này. Những câu ca trong các làn điệu có thể con cháu chưa hiểu được hết, nhưng phải giữ thì bà mới “nhắm mắt xuôi tay” được!

Ngoài Lải Lê, Hà Nam còn có nhiều loại hình văn nghệ dân gian truyền thống, mang bản sắc riêng, đi vào đời sống nhân dân bao đời nay như hát Trống quân, hát Dậm, hát Chầu văn, hát chèo, dân ca Hà Nam. Loại hình nào cũng có nghệ nhân giỏi. 

Nghệ nhân Trương Duy Thọ sinh ra và lớn lên trên vùng đất Xuân Khê, huyện Lý Nhân. Từ bé, ông đã say mê chèo. Năm 1949, mới 9 tuổi, ông Thọ đã bắt đầu tìm thầy để  học  hát, múa chèo. Tuổi thanh xuân của ông gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã xây dựng đội văn nghệ, tập hợp nhân dân yêu chèo, đi hát, biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Sau đó, ông thi tuyển vào đoàn Chèo Nam Hà… 

Cả quãng đời hoạt động nghệ thuật, nghệ nhân Trương Duy Thọ đã truyền dạy cho trên 2.000 lượt người trên địa bàn huyện Lý Nhân. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú đợt đầu tiên cùng với 4 nghệ nhân khác của tỉnh. Nghệ nhân Trương Duy Thọ đã đi đến rất nhiều vùng miền Tổ quốc, mang tiếng hát chèo phục vụ nhân dân, truyền dạy cho nhân dân trong và ngoài tỉnh. Thậm chí, ông còn lưu trú vài tháng trời trong Tây Nguyên để truyền dạy chèo cho bà con người Hà Nam đang sinh sống và làm việc tại đó. 

Ông nói: “Tôi đã ngoài 70 tuổi rồi, làm việc này không phải vì kinh tế, mà vì sự tồn tại và phát triển loại hình văn nghệ truyền thống quý báu của cha ông. Tiếng hát chèo qua hàng chục thế kỷ đi vào đời sống, thể hiện tâm tư, tình cảm của người dân lao động, là tiếng nói tâm tình của biết bao thế hệ về cuộc sống, tình yêu và số phận con người. Người Việt yêu chèo, coi chèo như một phần cuộc sống nội tâm của mình thì làm sao mình để nó mai một. Còn sống ngày nào, tôi còn làm cho nó tươi thắm với cuộc sống, làm cho nó đến với con người, nuôi dưỡng tâm hồn con người như ca dao, tục ngữ, dân ca, như lời ru thấm vào lòng từ lúc trên nôi…”.

Nghệ nhân Hoàng Văn Hởi, thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng cũng vậy. Ông vẫn cùng với những người cao tuổi, trung tuổi trong thôn, duy trì hoạt động của câu lạc bộ chèo bao năm qua. Ông vừa truyền nghề, vừa sáng tác, đưa lời mới vào các làn điệu chèo cổ để chèo uyển chuyển, phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn. Năm 2018, ông cùng hai nghệ nhân khác của Hà Nam được Chủ tịch nước công nhận Nghệ nhân Ưu tú đợt II. 

Nghệ nhân Hoàng Hởi nói: “Danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú là tôn vinh những đóng góp, cống hiến của những người hoạt động trong các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, thuộc lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Dẫu có danh hiệu này hay không thì chúng tôi vẫn sống với tình cảm, trách nhiệm của mình vì sự tồn tại và phát triển của chèo”.

Gần 5 năm qua, 8 nghệ nhân của Hà Nam đã được vinh danh Nghệ nhân Ưu tú. Họ là những người đã và đang nắm giữ, truyền dạy loại hình văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian. “Họ đã sống, đã lặng lẽ cống hiến hết mình vì sự tồn tại và phát triển văn hóa truyền thống, bảo vệ và lưu truyền cho các thế hệ cái hay, cái đẹp của các loại hình nghệ thuật, đưa nó đi vào đời sống, tác động tích cực tới đời sống xã hội ngay cả khi bùng nổ nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại. Mục tiêu của sự bảo tồn đó mà các nghệ nhân đã làm nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cốt cách và tâm hồn Việt Nam” – ông Ngô Thanh Tuân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh nhấn mạnh.

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy