Khơi dậy văn hóa đọc trong gia đình và cộng đồng xã hội

Những người thành công trong cuộc sống dường như đều có chung khẳng định, sách chính là người thầy vĩ đại giúp họ có được điều đó. Sách không chỉ là kho tàng tri thức của nhân loại, giúp người đọc học được cách sống khỏe về thể chất, tinh thần, hoàn thiện hệ giá trị bản thân (bao gồm trí tuệ, nhân sinh quan, tình yêu thương, lòng biết ơn, tính kỷ luật, tự giác, trao truyền giá trị…) mà còn giúp hình thành những thói quen tích cực hỗ trợ sự phát triển của mỗi người. Nhận thức những giá trị to lớn của việc đọc sách, nhiều địa phương, đơn vị, gia đình đã rất coi trọng, tạo điều kiện khuyến khích cán bộ, đảng viên, người dân cũng như các thành viên trong gia đình tích cực tham gia đọc sách để hoàn thiện bản thân, xây dựng gia đình, dòng họ, cơ quan văn hóa, góp phần xây dựng quê hương Hà Nam phát triển bền vững.

Nhận thấy những giá trị to lớn của việc đọc sách, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là một trong những đơn vị đi đầu trong xây dựng không gian văn hóa đọc phù hợp với điều kiện và nhiệm vụ được giao. Khi tới làm việc tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, điều đầu tiên mọi người dễ dàng nhận thấy đó là “Không gian văn hóa đọc” được bài trí đẹp, trang trọng và được bố trí tại khu vực sảnh ra vào các phòng làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chuyên viên đơn vị cũng như khách đến làm việc có thể cùng tham gia đọc sách. “Không gian văn hóa đọc” của cơ quan được bố trí như một thư viện thu nhỏ có cơ cấu khá toàn diện các đầu sách về xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh- quốc phòng, pháp luật và mảng sách về phát triển bản thân.

Với đặc thù là cơ quan tuyên giáo của Đảng, những đầu sách về mảng chính trị, pháp luật chiếm tỷ lệ nhiều hơn cả, đặc biệt là hệ thống văn kiện đại hội Đảng các cấp qua các thời kỳ, những tác phẩm là “kim chỉ nam” cho công tác tuyên giáo; một số đầu sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới xuất bản gần đây, như “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”…

Từ khi có không gian văn hóa đọc, trước mỗi buổi sáng khi vào làm việc cán bộ, chuyên viên đơn vị đều tranh thủ đọc sách để nâng cao kiến thức, kỹ năng công tác, góp phần làm tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo. Cũng từ việc bố trí không gian đọc sách mở, thuận tiện mà nhiều cán bộ, đảng viên và những người đến làm việc tại ban có cơ hội tranh thủ tra cứu, sưu tầm thông tin về những vấn đề quan tâm. Đây là một mô hình sáng tạo, việc làm thiết thực của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các đơn vị, địa phương.

Khơi dậy văn hóa đọc trong gia đình và cộng đồng xã hội
Cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đọc sách trước giờ làm việc. Ảnh: Khang Ninh

Nhằm khuyến khích phát triển phong trào đọc sách, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy xã Bối Cầu (Bình Lục) đã chỉ đạo các thôn xây dựng, hoàn thiện tủ sách pháp luật, các trường học xây dựng thư viện và duy trì hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở, trong đó có “Không gian văn hóa đọc cộng đồng”. Thực hiện chỉ đạo của đảng ủy xã, các chi bộ thôn ra nghị quyết lãnh đạo, tổ chức họp nhân dân thống nhất sửa chữa nơi sinh hoạt cộng đồng, xây dựng “Không gian văn hóa đọc”. Đầu năm 2022, cụm dân cư Ngọc Lâm, thôn 1 Bối Cầu tổ chức khánh thành nhà văn hóa và ra mắt “Không gian văn hóa đọc” với hàng nghìn đầu sách. Đây là mô hình điểm để xã chỉ đạo nhân rộng ra cộng đồng các khu dân cư còn lại.

Theo đồng chí Trần Đăng Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Bối Cầu, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo cấp ủy thôn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hội nghị nét đẹp văn hóa đọc nhân dịp đầu xuân. Qua đó thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài thôn, nhất là trẻ em, người cao tuổi tới đọc sách. Để duy trì hiệu quả hoạt động của mô hình “Không gian văn hóa đọc”, UBND xã Bối Cầu chỉ đạo thành lập Ban Chủ nhiệm mô hình (7 thành viên), phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, xây dựng quy chế hoạt động của mô hình, lịch thời gian mở cửa nhà văn hóa để nhân dân đến đọc sách. Đồng thời, chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch chương trình ngoại khóa, hằng tuần, hằng tháng phối hợp với cán bộ cấp ủy Chi bộ thôn 1 và ban chủ nhiệm tổ chức cho học sinh đến đọc sách. Từ khi có “Không gian văn hóa đọc”, cán bộ, đảng viên, học sinh, nhân dân trong xã có thêm cơ hội tham khảo, cập nhật, tiếp thu kiến thức về nhiều lĩnh vực quan tâm, từ chăm sóc sức khỏe, giữ gìn hạnh phúc gia đình đến áp dụng những biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, kỹ năng học tập… từ đó gắn kết tình cảm, khích lệ thành viên các thôn cùng nhau xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh, góp phần đẩy lùi những thói quen không tích cực.

Vừa nhằm khuyến khích văn hóa đọc sách, vừa giúp người bệnh và người thân có thêm kiến thức, kỹ năng phòng bệnh và đỡ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng khi chăm sóc, điều trị bệnh, tập thể cán bộ, nhân viên y tế Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh đã có sáng kiến quyên góp kinh phí mua sách, tạo lập một tủ sách đặt tại khoa. Đồng thời, thường xuyên có hình thức tuyên truyền, khuyến khích phù hợp động viên cán bộ, nhân viên và bệnh nhân cùng người nhà tham gia đọc sách.

Bác sỹ Phạm Thị Thủy cho biết: Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, tập thể bác sỹ, nhân viên đơn vị nhận thấy người bệnh và người nhà chưa thật sự hiểu sâu sắc cách nhận biết bệnh tật nói chung, bệnh về ung bướu nói riêng. Trong khi đó, đa số bệnh nhân điều trị tại khoa và người nhà có tâm lý căng thẳng, lo âu, mệt mỏi. Bởi vậy, chúng tôi cùng chung tay đóng góp xây dựng tủ sách để bệnh nhân, người thân có thể mượn đọc dễ dàng, thuận tiện, qua đó hy vọng bổ sung kiến thức, sự hiểu biết, giúp họ mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an hơn.

Nhiều người yêu sách, ham đọc sách và thành công trong cuộc sống chia sẻ gia đình chính là nơi bắt đầu tốt nhất để hình thành thói quen đọc sách. Lợi ích của việc đọc sách rất nhiều, song trước tác động từ những thiết bị điện tử thông minh dẫn đến thói quen đọc sách của không ít người dần bị mai một. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh phổ biến trong các gia đình, nhất là vào buổi tối, mỗi người một chiếc điện thoại trong tay lướt mạng xã hội, chơi games mà ít chú trọng đến việc đọc sách. Nhiều gia đình sở hữu những tiện nghi đắt tiền, sang trọng nhưng vắng bóng tủ sách, kệ sách trong nhà. Thực tế cũng cho thấy gia đình chính là nơi dễ dàng tạo nền tảng, thói quen tốt cho các thành viên, làm cơ sở hình thành, duy trì, phát triển những giá trị đạo đức cá nhân và xã hội. Do vậy, ngoài sự chung tay, góp sức thực hiện phong trào của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, rất cần sự chủ động, tích cực trong việc hình thành, phát triển văn hóa đọc trong gia đình. Theo đó ông, bà, bố, mẹ cần làm gương và thường xuyên hướng dẫn, khuyến khích, truyền cảm hứng đọc sách cho con cháu, khơi dậy niềm say mê đọc sách của các thế hệ, qua đó lan tỏa nét đẹp văn hóa, giúp hoàn thiện bản thân, xây dựng gia đình, cộng đồng phát triển bền vững.

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy