Đưa nghệ thuật truyền thống đến với học sinh

Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 diễn ra cách đây gần 5 tháng nhưng dư âm về sự kiện này vẫn còn chưa dứt. Một trong những điều làm cho sân khấu chèo nói chung, nghệ sỹ chèo nói riêng thăng hoa ở liên hoan này chính là “công tác” khán giả. Phải gọi là “công tác” bởi sự hiện diện của khán giả Hà Nam trong các buổi biểu diễn vừa mang tính tự nhiên, vừa mang tính tổ chức. Mục đích của việc tổ chức khán giả là học sinh đến xem các vở diễn ở Liên hoan nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến học sinh như những tiết học ngoại khóa môn giáo dục địa phương.

Diễn ra trong 14 ngày đêm, với sự tham gia của hơn 1.500 nghệ sỹ, diễn viên với 27 vở chèo của 16 đơn vị nghệ thuật, Liên hoan đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Nhận xét về Liên hoan, PGS, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật tại Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 khẳng định: “14 ngày, đêm diễn ra liên hoan, Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam rất đông khán giả. Đặc biệt, dịp Liên hoan này có đông khán giả là học sinh THPT. Hiện tượng này qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây là chủ trương đào tạo khán giả theo hình thức “sân khấu học đường” của lãnh đạo tỉnh Hà Nam. Chủ trương này hoàn toàn đúng với định hướng của Đảng, chúng tôi mong mô hình đó cần được nhân rộng tới toàn quốc. Khán giả trẻ Hà Nam đã làm cho các nghệ sỹ chèo được thăng hoa trong hình tượng và khán giả được hòa mình vào chèo theo cảm xúc vui, buồn, giận, hờn, ghét, yêu, thương của sân khấu trong những tiếng vỗ tay, những giọt nước mắt cảm thông theo số phận nhân vật…”. Nhận xét này không chỉ làm cho học sinh vui mà còn làm cho các thầy cô, những nhà quản lý giáo dục Hà Nam  có một cái nhìn mới hơn về giáo dục nghệ thuật truyền thống trong môn giáo dục địa phương.

Đưa nghệ thuật truyền thống đến với học sinh
Một tiết mục múa dân gian của học sinh THCS tại Hội thi Giai điệu tuổi hồng cấp tỉnh năm 2022.

Bấy lâu nay, môn học này tồn tại và đi vào nền nếp học đường bằng những tiết học chính thức đề cập đến các nội dung lịch sử, địa lý, văn học của địa phương. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường, Trường THCS Đinh Công Tráng, huyện Thanh Liêm cho biết: Sự tiếp cận nội dung môn học này đối với học sinh không phức tạp. Các em được tìm hiểu về các lễ hội, các tập tục văn hóa làng xã, nghệ thuật trình diễn dân gian mang đặc trưng vùng miền.

Thí dụ như ở Trường THCS Đinh Công Tráng, học sinh được tìm hiểu về văn hóa Liễu Đôi. Từ nội dung này, các em sẽ biết được nguồn gốc vật võ Liễu Đôi, hát Trống quân, hát dân ca Hà Nam, hát chèo như thế nào, có ý nghĩa gì với đời sống nhân dân lao động và sự phát triển văn hóa, con người Hà Nam. Có những lớp học, các em được trải nghiệm, nghe và hát những làn điệu Trống quân, dân ca Hà Nam. Chương trình giáo dục này được thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12.

Cô Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ: “Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo rất chú trọng đến việc giáo dục văn hóa địa phương. Đưa nghệ thuật truyền thống đến với học sinh được thực hiện lồng ghép trong các nội dung của môn học. Qua đây, nhiều học sinh đã hiểu được nguồn gốc của một số loại hình nghệ thuật truyền thống, thậm chí yêu thích nó hơn…”.

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức Hội thi “Giai điệu tuổi hồng. Hàng trăm tiết mục đã được trình diễn trên sân khấu học đường với các loại hình nghệ thuật dân gian và hiện đại, phản ánh đúng phong trào ca hát học đường ở Hà Nam hiện nay.

Theo ông Phạm Thế Công, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, thành viên Ban giám khảo, Hội thi đã chọn ra được những hạt nhân văn nghệ xuất sắc để dự thi toàn quốc. Tuy nhiên, từ Hội thi này cho thấy, số lượng tác phẩm mang âm hưởng dân gian truyền thống được các em chọn biểu diễn không nhiều, thậm chí quá ít. Các tiết mục thi chủ yếu tập trung vào tác phẩm múa tập thể với mục đích làm tăng tính hoành tráng của sân khấu biểu diễn, dễ khỏa lấp những hạn chế cá nhân trong tiết mục. Nhưng với tư cách là người làm nghệ thuật, quản lý các hoạt động nghệ thuật, ông Phạm Thế Công mong muốn nghệ thuật truyền thống cần được đưa đến học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh một cách phổ biến hơn, linh hoạt hơn, tạo sự tiếp cận đơn giản mà hiệu quả.

Đây là một trong các kênh có thể giúp những người làm công tác chuyên môn đánh giá tình hình, có thể không chuẩn xác hoàn toàn. Bởi trong thực tế, qua những sự kiện được tổ chức thời gian qua, như kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều trường học đã xây dựng các chương trình nghệ thuật mang đậm nét dân gian. Thí dụ như diễn các trích đoạn chèo cổ, hát dân ca Hà Nam…

Học sinh Nguyễn Thu Hương, Trường THPT A Phủ Lý cho biết: “Từ sau khi được nhà trường tổ chức đến Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh theo dõi các vở diễn của Liên hoan Chèo toàn quốc, em phần nào hiểu được nội dung vở diễn, nhất là những vở chèo đề tài lịch sử. Đáng nói nhất, một số làn điệu chèo rất hay, rất mượt, dễ cảm thụ, em thấy chèo thực sự hay, dễ đi vào lòng người”. Hương kể, cũng từ lần đó, ở trường, các em bắt đầu quan tâm đến nghệ thuật chèo nhiều hơn. Một số học sinh trong gia đình có người làm nghệ thuật đã phát huy tốt khả năng hát chèo, hát dân ca của mình. Hương cho biết: “Bạn em có bác ruột làm ở Nhà hát Chèo Hà Nam trước đây, bạn ấy giới thiệu với chúng em về kênh dạy hát chèo trên truyền hình Thái Bình. Khi mở xem kênh này, chúng em mới hiểu được thế nào là điệu luyện năm cung, thế nào là điệu gà rừng, lý lơ…”.

Đúng là có nhiều cách để đưa nghệ thuật truyền thống đến với học sinh khi nền tảng công nghệ số đang thực sự phát triển như hiện nay. Chỉ bằng máy chiếu, các thầy cô có thể trình diễn cả tiết dạy hát chèo của các nghệ nhân, diễn viên chuyên nghiệp cho học sinh như Thái Bình đã làm. Sở dĩ Hà Nam chưa triển khai được việc này do nhiều nguyên nhân, nhưng theo quan điểm của những người làm công tác văn hóa nghệ thuật thì ngành giáo dục cần xây dựng một đề án cụ thể giống như đề án “Sân khấu học đường”, tạo được những giờ học ngoại khóa có sự tham gia của các nghệ sỹ, nghệ nhân của các loại hình nghệ thuật truyền thống truyền đạt trực tiếp cho học sinh. Về vấn đề kinh phí, đó không phải là chuyện đáng ngại, bởi khi sự phối hợp giữa các ngành được cụ thể hóa, ngành văn hóa sẽ cùng với cơ sở giáo dục thực hiện các giờ học ngoại khóa về văn nghệ dân gian truyền thống đơn giản, hiệu quả. Sự có mặt trực tiếp truyền đạt của các nghệ sỹ, nghệ nhân, nhạc công sẽ góp phần hấp dẫn, lôi cuốn học sinh hơn.

Về phía những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp, mong muốn được đóng góp một phần công sức của mình vào việc giáo dục truyền thống cho học sinh là tâm nguyện của nhiều người. Hy vọng, nghệ thuật truyền thống sẽ được hồi sinh, phát triển trong đời sống mà thế hệ trẻ là những người bảo vệ và phát huy các giá trị của nó trong sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Người trẻ cần hiểu nghệ thuật truyền thống như một sự ký thác tâm hồn của cha ông với tự nhiên, vũ trụ và đời sống lao động, đấu tranh, xây dựng và bảo vệ đất nước, dân tộc.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy