Tiếp nối các hoạt động thể thao du lịch nhằm quảng bá mạnh mẽ hình ảnh mảnh đất và con người Hà Nam, vào những ngày cuối tháng 6, Hà Nam đăng cai tổ chức chương trình Hội diễn văn nghệ quần chúng “Hội tụ sông Hồng” năm 2022 mở rộng với sự tham gia của 13 đoàn nghệ thuật đến từ 13 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với mong muốn là trung tâm kết nối niềm tin, khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, đặc biệt các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, hội diễn hứa hẹn sẽ mở ra không gian văn hóa độc đáo với những nét chấm phá nghệ thuật dân gian đặc sắc.
Khơi dậy mạch nguồn văn hóa
Đồng bằng sông Hồng là một vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông Nhị Hà (tên gọi khác của sông Hồng), gồm 11 tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh... Không giống như vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng chỉ có 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên là không có núi, do đó khu vực này thường được gọi là châu thổ sông Hồng. Người Việt biết ơn con sông Mẹ đã bồi đắp nên đồng bằng châu thổ, bởi có nó mới có nền văn minh lúa nước sông Hồng.
Văn minh sông Hồng được tạo bởi dòng chảy lịch sử văn hóa trên vùng đất màu mỡ của châu thổ sông Hồng. Nó là nền văn minh bản địa, có sức sống mạnh mẽ, phát triển từ Đông Sơn, Đại Việt cho đến nay. Nó luôn được bồi đắp bởi những sáng tạo và sự liên kết chặt chẽ, bền bỉ của đồng bào, cư dân sống trong khu vực, tạo thành bản sắc văn hóa, trở thành cái nôi của nền văn hóa cổ. Cũng từ dòng chảy ấy, một kho tàng văn nghệ dân gian nảy nở trong đời sống nhân dân, tạo nên mạch nguồn cảm xúc bất tận trong tâm tư, tình cảm và cuộc sống của con người. Hát Chầu văn (Nam Định), hát Dậm Quyển Sơn (Hà Nam), hát Trống quân (Vĩnh Phúc), Ca trù (Hà Nội), Quan họ (Bắc Ninh), hát Chèo (Thái Bình, Hưng Yên)… là những làn điệu dân ca, dân vũ, mang hơi thở đời sống, là tiếng nói, tình yêu và khát vọng của con người vùng châu thổ sông Hồng. Trong xu thế giao lưu, hợp tác, cùng phát triển, con người luôn có nhu cầu được thỏa mãn tất cả những sáng tạo đa dạng, phong phú và bí ẩn của cha ông để bồi dưỡng tâm hồn, tính cách. “Hội tụ sông Hồng” mở rộng năm 2022 sẽ có sự góp mặt của các nền văn hóa khác như Chăm Pa, Cồng chiêng Tây Nguyên…
Ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hà Nam kỳ vọng, hội diễn là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đại diện các tỉnh đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành trong cả nước gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, sưu tầm, phát hiện, tìm tòi và sáng tạo trong lao động nghệ thuật. Qua đó, giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật biểu diễn, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, những nét văn hóa đặc sắc của các địa phương. Hà Nam mong muốn sẽ trở thành điểm đến, hội tụ các giá trị văn hóa đầy bản sắc dân tộc, bồi đắp dày thêm, dài thêm, có ý nghĩa thêm cho con đường di sản mà Hà Nam đang cùng với các tỉnh, thành trong khu vực tạo dựng nên”.
Thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật
13 đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Kon Tum (Tây Nguyên) và An Giang (Đồng bằng sông Cửu Long) sẽ mang đến hội diễn những tiết mục ca múa nhạc tổng hợp đa sắc màu văn hóa. Với Hà Nam, địa phương đăng cai hội diễn đã có sự chuẩn bị chu đáo chương trình khai mạc và chương trình tham gia biểu diễn. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc văn hóa vùng đặc trưng với văn hóa các vùng miền của cả nước, chương trình hội diễn của Hà Nam tập trung vào chủ đề “Âm vang sông Hồng” với mênh mang giai điệu dân ca Hà Nam, dân ca vùng ngã ba sông Móng, nhịp phách rộn ràng không khí lễ hội và da diết tiếng hát mời Quan họ. Một số tiết mục múa được dàn dựng trên nền nhạc dân tộc mang âm hưởng Tây Nguyên, Chăm-pa… Tạo hình sân khấu được chú ý với những bố cục chặt chẽ, khơi dậy cảm xúc bằng những nét nhạc truyền thống và hiện đại đan xen.
Ông Ngô Thanh Tuân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Ở lần hội diễn thứ nhất cách đây tròn 14 năm, các đoàn tham dự bấy giờ mang tính chất không chuyên. Còn bây giờ, hầu hết các trung tâm văn hóa đều sáp nhập với các đoàn nghệ thuật nên có một lực lượng nghệ sỹ hùng hậu, chuyên nghiệp, hứa hẹn sẽ mang đến hội diễn một không khí giao lưu sôi nổi, đặc sắc hơn, tinh tế hơn. Với Hà Nam, vì là đơn vị đăng cai, chúng tôi cũng muốn tạo nên một không khí hội tụ văn hóa vùng miền ngay trong chương trình tham gia hội diễn, vừa để khích lệ phong trào, vừa thể hiện sự tôn trọng các di sản văn hóa của các tỉnh, thành phố.
Với các văn nghệ sỹ tham gia chương trình, mặc dù bận rộn, thực hiện luyện tập trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhưng ai cũng cảm thấy vui và hạnh phúc. Biên đạo múa Thúy Nga cho biết: Anh em luyện tập cả tuần nay, có những buổi đến 2h đêm. Điều hạnh phúc nhất là chúng tôi luôn được lãnh đạo đơn vị động viên, ủng hộ nên ai cũng vui vẻ. Quan trọng nhất, sau một thời gian dài dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của nghệ sỹ nên khi dịch bệnh được khống chế, mọi người trở lại cuộc sống bình thường mới, chúng tôi quay trở lại sân khấu, chẳng có lý do gì để không làm tốt công việc của mình! Với nghệ sỹ, sân khấu chính là bước đi, là cuộc sống mang lại hạnh phúc cho mỗi người. Ở chương trình này, điều đặc biệt nhất với anh em nghệ sỹ, đó là sự gặp gỡ, giao lưu của các nền văn hóa sau gần 15 năm hội ngộ. Sân khấu chung, ánh đèn chung, tiếng vỗ tay chung, niềm hân hoan chung, chỉ có tiếng hát, điệu múa của mỗi người là riêng, là sự cống hiến cho sáng tạo nghệ thuật vì mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
“Hội tụ sông Hồng” năm 2022 mở rộng sẽ không chỉ khơi dậy mạch nguồn văn hóa truyền thống, kết nối các di sản, thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật của nghệ sỹ mà còn tạo nên một không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc và rực rỡ, rộn ràng với tiết tấu hiện đại.
Chu Uyên