Trang phục đi lễ chùa - hiểu đúng để có sự lựa chọn phù hợp

Nhiều người đi hành hương lễ Phật hiện nay đều ý thức được cần biểu hiện văn hóa, đúng mực nơi cửa thiền, giữ cho bản thân tâm thế kính ngưỡng nơi không gian tâm linh. Một trong những cách thể hiện là chú trọng lựa chọn trang phục phù hợp, chỉn chu, thể hiện văn hóa thẩm mỹ khi đi lễ chùa.

Ảnh minh họa.

Trước đây, do chưa thực sự chú tâm nên nhiều khách thập phương, nhất là các bạn trẻ ăn vận khá thoải mái khi đi chiêm bái những nơi tâm linh. Hiện nay, tại nhiều cơ sở thờ tự như: chùa Châu Lâm Tự, chùa Bầu (Phủ Lý), chùa Ninh Tảo (Thanh Liêm)…, để giảm bớt những hình ảnh chưa đẹp, người trông nom, quản lý chùa chủ động đặt biển nhắc nhở du khách, phật tử ngay trước cổng tam quan với nội dung: “Không mặc quần áo ngắn, váy ngắn vào chùa”.

Tại đền Lảnh (Mộc Nam, Duy Tiên) còn có một tấm bảng lớn in hình mẫu những trang phục phù hợp khi đi lễ, giúp phật tử, du khách hành hương chủ động lựa chọn y phục nơi chốn tôn nghiêm. Nhiều hàng quán kinh doanh quanh khu vực chùa cũng mở thêm dịch vụ cho thuê trang phục đi lễ, “giải cứu” cho những phật tử ăn vận không phù hợp khi đến chốn tôn nghiêm.

Thực tế cho thấy, mấy năm gần đây, tình trạng ăn mặc lộn xộn khi đi lễ chùa đã giảm hẳn. Xu hướng mua riêng cho mình những bộ trang phục chuyên mặc đi chùa, đi lễ ngày càng rõ nét hơn.

Theo đó, đa số trang phục dành riêng đi lễ đều là những trang phục đơn sắc với gam màu đặc trưng: lam, nâu, hồng cánh sen (đậm hoặc nhạt), nếu có thêu họa tiết cũng chỉ là hoa cúc, hoa sen, hoa đào… đồng màu với trang phục, tạo nên sự trang nhã, không sặc sỡ, nổi bật. Giá thành mỗi bộ phục trang đi lễ chùa cũng rất phù hợp (200 - 400 nghìn đồng/bộ) tùy vào chất liệu vải, mẫu mã.

Chị Dương Thị Hoa (đường Lê Công Thanh, TP. Phủ Lý) chia sẻ: Tôi và người thân từ lâu đã sắm riêng trang phục đi lễ chùa bảo đảm kín đáo, màu sắc trang nhã, phù hợp với mọi lứa tuổi và do đó không mất nhiều thời gian để xem nên mặc gì khi tới cửa chùa như trước. Bên cạnh đó, theo nhiều phật tử, việc mặc trang phục này cũng giúp họ gần gũi, dễ chia sẻ với nhau hơn, không phân biệt hoàn cảnh kinh tế, gia đình, vùng miền và cảm thấy có nhiều điểm chung để đồng cảm, giãi bày.

Đáp ứng nhu cầu của người dân, thị trường trang phục đi lễ chùa cũng dần sôi động. Theo một số chủ cửa hàng kinh doanh, trang phục đi lễ chùa không mới, song vài năm gần đây, với sự thay đổi nhận thức của nhiều người nên việc kinh doanh mặt hàng này có chuyển biến rõ nét. Các quầy hàng, cửa hiệu chuyên mua, bán trang phục phật tử dần xuất hiện ở nhiều nơi, từ khu vực quanh đền, chùa đến các shop thời trang, trên một số trang mua sắm trực tuyến (Lazada, Tiki, Shopee…). Mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc cũng ngày càng phong phú, thêm nhiều lựa chọn cho người sử dụng.

Cách đây 4-5 năm, nếu trang phục lễ chùa chỉ đơn giản là những bộ áo dài với gam màu tối (lam đậm, nâu sòng, tràm…), chủ yếu dành cho người trung niên, cao tuổi, thì hiện tại đã có thêm nhiều mẫu thiết kế mới, họa tiết trang trí, màu sắc bắt mắt hơn (đính đá, hạt cườm, thêu hoa văn) nhưng vẫn bảo đảm sự kín đáo, trang nhã, thể hiện rõ nét truyền thống.

Chị Hồ Thị Phượng (chủ một tiệm kinh doanh may mặc ở đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Phủ Lý) cho biết: Một số phật tử cầu kỳ hơn, không hài lòng với chất liệu vải của những bộ may sẵn đã tìm đến cửa hàng may mặc để may riêng cho mình bộ trang phục lễ chùa ưng ý. Đến đây khách hàng có thể lựa chọn chất liệu vải, màu sắc, kiểu dáng ưa thích, nhất là trong ngày hè nóng bức, xu hướng chung đều đặt làm trang phục từ những chất liệu thoáng mát, thoải mái như vải lụa, vải đũi, thô…, giá thành không đắt hơn nhiều so với hàng may sẵn.

Nhận xét về trang phục đi lễ chùa đang thịnh hành hiện nay, Đại đức Thích Đạo Duyệt, trụ trì chùa Ninh Tảo (xã Thanh Bình, Thanh Liêm) cho biết: Nhà chùa không quy định phật tử phải mặc những bộ trang phục nhất định khi đến cửa chùa, chỉ cần kín đáo, lịch sự, không gây phản cảm là được. Người xưa có câu “chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng ăn vận trang phục phù hợp khi đến chùa là thể hiện sự tôn trọng, tôn nghiêm nơi cửa thiền, giúp con người chỉn chu hơn trong cách đi đứng, nói năng, nếp sống đạo đức.

Nhiều người có suy nghĩ phải quy y cửa Phật mới mặc áo tràng, thực chất không phải, áo tràng là pháp phục dành riêng cho hàng cư sĩ tại gia khi tham gia các khóa sinh hoạt ở chùa, hoặc cá nhân khi đến viếng chùa tụng kinh, bái sám, tọa thiền.

Việc lựa chọn áo tràng đến cửa chùa của nhiều người hiện nay, nhất là các bạn trẻ thể hiện sự thay đổi tích cực về suy nghĩ, nhận thức trong tu học, các bạn đã có cái nhìn nghiêm túc hơn về mục đích khi đến cửa chùa, tìm về nơi thanh tịnh, chế ngự mọi ý niệm tiêu cực, bất thiện. Vì vậy, hầu hết các nhà chùa đều khuyến khích mọi người khi đến chùa nên mặc áo tràng, góp phần trang nghiêm chốn thiền môn và điều phục được tâm tính.

Thanh Vân

Thanh Vân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.