Sinh thời, mặc dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nhớ về cội nguồn dân tộc - nơi thờ tự các Vua Hùng - những bậc tiền nhân có công dựng nước, để tri ân công đức Tổ tiên. Hai lần về thăm Đền Hùng, sau khi thắp hương viếng Tổ, Người có lời dặn dò tâm huyết đối với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước.
Lần thứ nhất, về Đền Hùng ngày 19/9/1954, Bác căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Thực hiện lời dặn dò của Bác, các thế hệ người Việt Nam đã sát cánh bên nhau đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho đất nước, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lần thứ hai, Bác về thăm viếng Đền Hùng trong chuyến thăm, động viên nhân dân Phú Thọ - nơi có phong trào thi đua yêu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chuyến thăm và làm việc của Bác diễn ra trong hai ngày 18,19/8/1962. Ngày 18/8/1962, Bác dự mít tinh cùng nhân dân Phú Thọ kỷ niệm lần thứ 23 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Sau đó Bác đi thăm một số đơn vị có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh. Sáng 19/8/1962, Người dành thời gian về Đền Hùng để thăm viếng Tổ tiên. Sau khi dâng hương bái Tổ tại Đền Thượng, Bác dặn dò cán bộ lãnh đạo và nhân dân Phú Thọ: Phải tu sửa, gìn giữ lịch sử và trồng cây phủ xanh các đồi trọc, chăm sóc vườn hoa cây cảnh, xây dựng công viên lịch sử Đền Hùng để hàng trăm con cháu cả nước về thăm viếng.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong gần 60 năm qua, được sự quan tâm của các cơ quan Trung ương, sự nỗ lực của toàn thể Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ, sự tham gia công đức của các tổ chức, cá nhân trong cả nước, Đền Hùng ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang, đẹp đẽ, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là hành động thiết thực của cán bộ, đảng viên và nhân dân Phú Thọ tri ân công đức Tổ tiên và thực hiện lời căn dặn năm xưa của Bác Hồ.
Trong thời gian gần 60 năm qua, có những lúc đất nước gặp nhiều khó khăn do phải tập trung cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, sau đó lại phải khắc phục hậu quả chiến tranh, nên Trung ương và địa phương chưa có điều kiện đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng - nơi thờ tự Tổ tiên của dân tộc. Mặc dù vậy, Nhà nước vẫn chỉ đạo ngành Sử học và các ngành chức năng liên quan tổ chức các đợt nghiên cứu, khảo sát các di chỉ khảo cổ để làm sáng tỏ thời đại Hùng Vương. Từ năm 1968-1971 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các ngành khoa học xã hội đã tổ chức 4 cuộc hội thảo khoa học Quốc gia về thời đại Hùng Vương. Kết luận của những cuộc hội thảo này đã xác định thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử dân tộc.
Để tôn vinh thời kỳ dựng nước của các Vua Hùng, trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Đảng Nhà nước tiếp tục cho tu bổ các ngôi đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và xây dựng nhà Bảo tàng Hùng Vương, nhằm lưu trữ những hiện vật được khai quật từ các di chi khảo cổ thuộc thời đại Hùng Vương; đồng thời cho khảo sát, lập quy hoạch xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng xứng tầm với vị thế thời đại mở đầu lịch sử dựng nước của dân tộc. Ngày 08/02/1994, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 63/1994/QĐ-TTg phê duyệt “Dự án tổng thể Khu Di tích lịch sử Đền Hùng” với diện tích 1.625ha, trong đó quy định rõ các khu vực cần quản lý, tôn tạo và xây dựng.
Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đền Hùng đã trở thành một trọng điểm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa của cả nước. Từ năm 1995 đến 2000, các ngôi Đền Thượng, Trung, Hạ và Đền Giếng, Chùa Thiền Quang đều được tu bổ, tôn tạo. Khu vực rừng Quốc gia được bảo vệ và trồng thêm nhiều loại cây bản địa, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Vườn cây lưu niệm được quy hoạch để các tỉnh, thành trong cả nước và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành ở Trung ương trồng cây lưu niệm với nhiều giống cây quý ở các vùng miền của đất nước. Tuy nhiên, do mức độ đầu tư có hạn, nên việc tu bổ các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh mới chỉ dừng lại ở việc thay thế những hạng mục quá xuống cấp, đảm bảo phần mái không bị mối mọt, mưa dột.
Sang đầu thế kỷ XXI, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Phú Thọ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy hoạch Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trình Chính phủ phê duyệt. Ngày 30/4/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2015”. Theo phạm vi quy hoạch được duyệt, diện tích Khu Di tích lịch sử Đền Hùng là 1.030ha. Ngoài ra còn có 7 xã vùng ven Đền Hùng là Hy Cương, Chu Hóa, Tiên Kiên, Thanh Đình (huyện Lâm Thao), Kim Đức, Phù Ninh (huyện Phù Ninh), xã Vân Phú (thành phố Việt Trì).
Thực hiện Quyết định số 48/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước tiếp tục đầu tư kinh phí; nhiều tổ chức, cá nhân công đức, nên hàng loạt các công trình được đầu tư xây dựng. Năm 2004, hoàn thành xây dựng Đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, để con cháu hương khói thờ phụng người Mẹ huyền thoại của dân tộc Việt Nam tại nơi đất thiêng Đền Hùng. Từ năm 2005 đến năm 2015, xây dựng đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và tôn tạo toàn bộ các ngôi đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và Đền Giếng thờ hai bà Công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa khang trang, bề thế bằng những vật liệu bền vững, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ kiến trúc cổ xưa.
Các công trình hạ tầng như đường dạo, điện chiếu sáng, cấp nước sinh hoạt và phòng chống cháy rừng, hồ nước, cây xanh được đầu tư đồng bộ. Sân lễ hội, trục hành lễ, đường lên xuống núi Hùng được đầu tư xây dựng bằng chất liệu đá granit vừa đẹp, vừa bền chắc. Cổng vào Khu Di tích được xây dựng bề thế, vững chãi xứng tầm với Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt. Cảnh quan môi trường ở Đền Hùng ngày càng được đầu tư mở rộng tới vài trăm ha. Làm theo lời căn dặn của Bác, các đồi trọc đều được trồng cây xanh tạo nên môi trường sinh thái mát mẻ cho toàn khu vực. Vườn hoa, cây cảnh được trồng theo quy hoạch, với nhiều loại cây quý dọc theo các đường dạo, trục hành lễ, sân lễ hội, xung quanh nhà Bảo tàng, nhà làm việc của cơ quan và bao quanh các hồ nước, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn đối với du khách.
Ngày 21/4/2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định số 552/2017/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2020”. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đền Hùng đã được xây dựng thêm nhiều công trình mới, cảnh quan môi trường ngày càng sạch, đẹp, hấp dẫn đối với đồng bào cả nước khi về nơi cội nguồn dân tộc.
Có thể nói, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng ngày nay đã được Đảng, Nhà nước đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp công đức để xây dựng, tu bổ, làm cho bộ mặt Đền Hùng ngày càng khang trang, bề thế, xứng tầm nơi thờ tự Tổ tiên của dân tộc Việt Nam, đó còn là việc làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lên thăm Đền Hùng năm 1962. Mong muốn của Người là xây dựng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thành công viên lịch sử văn hóa để đón các thế hệ người dân Việt Nam được về thăm viếng Tổ tiên, nay đã và đang trở thành hiện thực. Dù còn nhiều việc phải làm, nhiều công trình tiếp tục cần sự đầu tư của Nhà nước; sự đóng góp, công đức của các tổ chức, nhà hảo tâm và nhân dân; vai trò quản lý của các cơ quan hữu trách, nhưng Công viên lịch sử văn hóa - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - vùng đất cội nguồn của dân tộc, đã trở thành điểm đến của hàng triệu người con đất Việt từ khắp mọi miền và du khách quốc tế; ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc lễ của dân tộc. Đã là người Việt Nam, dù ở phương trời nào, hẳn ai cũng ước muốn, trong cuộc đời mình, ít nhất một lần được về Đền Hùng, đứng trước ban thờ các Vua Hùng, thắp nén hương thơm tri ân các bậc tiền nhân có công dựng nước.
NGUYÊN TIẾN KHÔI
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử
PV