Thời gian qua, các cấp ủy trong tỉnh luôn coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp đồng bộ, phù hợp nhằm không ngừng phát triển văn hóa, con người Hà Nam, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu xây dựng văn hóa con người Hà Nam phát triển toàn diện, hướng đến những giá trị "chân - thiện - mỹ", thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, truyền thống văn hóa, lịch sử, tạo động lực mạnh mẽ để địa phương phát triển bền vững, nhiều năm qua, cấp ủy các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, cụ thể hóa nghiêm túc các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Cùng với đó, xây dựng ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức thảo luận, tuyên truyền, phổ biến một số văn bản chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp về phát triển văn hóa, con người. Đồng thời, gắn việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chủ trương phát triển văn hóa, con người Hà Nam với quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Chỉ thị 05, Kết luận 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Mặt khác, chỉ đạo thông tin, tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa của nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Hà Nam; hướng dẫn cán bộ, đảng viên, nhân dân tích cực tham gia xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Nam thông qua những hành động cụ thể, thiết thực mang ý nghĩa sâu sắc.
Qua 10 năm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp tổ chức 70 đợt tuyên truyền cổ động trực quan quy mô lớn nhân dịp chào mừng những ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh; tổ chức gần 30 buổi liên hoan văn nghệ quần chúng, đăng cai tổ chức thành công nhiều hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền lưu động. Đồng thời, chủ trì, phối hợp tổ chức 9 hội thảo khoa học các cấp, ngành về văn hóa, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia.
Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học... đã xây dựng "Quy tắc ứng xử văn hóa", niêm yết công khai tại nơi làm việc để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thường xuyên cập nhật, liên hệ, vận dụng thực hiện. Cấp ủy các cấp trong tỉnh cũng rất chú trọng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực trong hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường, từ đó khích lệ, động viên mỗi cá nhân tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ với gia đình, xã hội.
Để góp phần xây dựng con người Hà Nam phát triển toàn diện về năng lực, trí tuệ, nhân cách, hướng đến những giá trị "chân - thiện - mỹ", Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; chăm lo xây dựng con người Hà Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương; khơi dậy truyền thống yêu nước, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, trách nhiệm công dân đối với xã hội.
Theo đồng chí Trịnh Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Duy Tiên, hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người, nhiều năm qua Thị ủy Duy Tiên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, đặc biệt là thông qua các hội, đoàn thể để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh, đoàn kết, tương thân, tương ái, tôn trọng kỷ luật, kỷ cương, quy ước cộng đồng, bảo vệ môi trường; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, trung thực, đề cao trách nhiệm của cá nhân với gia đình và xã hội; phê phán, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, lối sống lành mạnh trong cơ quan, đơn vị, khu dân cư.
Mặt khác, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống cách mạng đối với cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Lồng ghép hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên với các hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên và các nhà trường, qua đó chú trọng phát hiện, bồi dưỡng thanh, thiếu niên, học sinh tiêu biểu, xuất sắc để tạo nguồn kết nạp Đảng có chất lượng ngay từ mỗi địa bàn cơ sở.
Cùng với phát triển phong trào đọc sách, phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng cũng được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có thư viện, tủ sách pháp luật; 662 nhà văn hóa khu dân cư có tủ sách. Các khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đều có tủ sách, phòng đọc, phòng truyền thống với nhiều đầu sách phục vụ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân.
Đồng chí Phạm Ngọc Huy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đồng Hóa, Kim Bảng cho biết: Tủ sách của thôn Đồng Lạc, cán bộ, nhân dân đã đóng góp 1.600 đầu sách. Tủ sách thu hút đông đảo nhân dân trong thôn đến đọc và cùng tham gia thảo luận về các nội dung quan tâm, qua đó không những nâng cao kiến thức, sự hiểu biết cho bà con nhân dân trong thôn mà còn tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng.
Hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa, con người, nhiều năm qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở và trong công nhân, viên chức, lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên ở các địa phương, đơn vị cũng diễn ra sôi nổi, chất lượng ngày càng được nâng lên, thu hút đông đảo nhân dân, nhất là thanh niên tham gia. Các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ, giải thể thao được tổ chức thường xuyên. Tỷ lệ người tập thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh tăng từ 28,1% (năm 2014) lên 32,7% (năm 2023). Số gia đình thể thao tăng từ 22,9% (năm 2014) lên 24,9% (năm 2023).
Cùng với thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao tiếp tục phát triển qua các giải vô địch quốc gia, đại hội thể dục, thể thao toàn quốc... Cấp ủy, chính quyền tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng tích cực đăng cai tổ chức thành công nhiều giải thể thao quy mô quốc tế, thu hút hàng vạn lượt khán giả như: Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup, nội dung Futsal nam, nữ trong chương trình SEA Games 31 và nhiều giải thể thao cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh... Công tác phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục cũng luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và thu được kết quả tích cực, bền vững. Nhiều năm liền Hà Nam luôn là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng dạy và học.
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng xã hội trong nỗ lực phát triển văn hóa, con người đã góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Hà Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Nguyễn Hằng