PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng: Dù ở giai đoạn nào, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”

Quán triệt chuyên đề học tập, làm theo Bác năm 2023 của Tỉnh ủy Hà Nam “xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển bền vững”, PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, dù ở giai đoạn nào, “văn hóa phải là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi…”.Nhân kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương văn hóa 1943, phóng viên Báo Hà Nam điện tử có cuộc phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng xung quanh ý nghĩa của chuyên đề này.

PGSTS Nguyễn Toàn Thắng Dù ở giai đoạn nào “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”
PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

PV: Thưa PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng, Tỉnh ủy Hà Nam vừa tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển bền vững”, theo ông, cốt lõi của chuyên đề này là gì?

PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam – Người chiến sỹ cách mạng lỗi lạc của phong trào cách mạng toàn thế giới. Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam và nhân loại. Người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho đất nước ta, cho dân tộc ta, đem lại tự do cơm no, áo ấm cho con người. Bác luôn luôn nghĩ về dân tộc, về nhân dân, làm tất cả những gì có thể để giải phóng dân tộc, thành lập nên một Nhà nước của Nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Một Nhà nước kiểu mới, một nhà nước cách mạng. Ở thời điểm năm 1945, nhà nước của chúng ta là ngọn hải đăng cách mạng trước Thái Bình Dương đầy sóng gió. Với đường lối đúng đắn của cách mạng Việt Nam,  chúng ta đã tạo nên một sự trưởng thành vượt bậc của dân tộc trong một thời gian rất ngắn. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ngày 24/11/1946, Bác khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. “Làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ.Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do…. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Ở hội nghị này, chúng ta sẽ quán triệt, thống nhất tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam;  Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển bền vững.

PV: Nhiệm vụ của văn hóa theo tư tưởng của Người ở từng giai đoạn lịch sử như thế nào, thưa ông?

PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng: Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 9/3/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có hai nhiệm vụ cấp bách thuộc về văn hóa. Thứ nhất, cùng với diệt giặc đói là phải diệt giặc dốt. Thứ hai,  phải giáo dục tinh thần cho nhân dân. Bác nói: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét Đảng và Chính phủ có lỗi; Nếu dân dốt Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm Đảng và Chính phủ có lỗi”. Cùng một lúc đánh ba loại giặc. Giặc đói là câu chuyện kinh tế,  giặc dốt là công việc về văn hóa và giặc ngoại xâm. Trong ba loại giặc ấy, giặc dốt là một loại giặc nguy hiểm. Cho đến bây giờ,  chúng ta vẫn phải rất cẩn trọng khi đấu tranh với loại giặc dốt, một thứ giặt nội xâm, ở bên trong, trong lòng mỗi con người. Một con người không hiểu biết, tức là bị giặc dốt hoành hành trong thế giới tinh thần của mình thì họ sẽ dễ sai đường, lạc lối. Điều đó sẽ làm tổn hại tới lợi ích của quê hương, đất nước; tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, rất nguy hiểm.

PGSTS Nguyễn Toàn Thắng Dù ở giai đoạn nào “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”
Lễ hội chùa Tam Chúc Xuân Quý Mão 2023.

Cho nên, từ năm 1945 cho đến nay, 77 năm rồi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chúng ta chủ trương xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước chúng ta trên tầm cao mới. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng,  phát triển văn hóa con người Việt Nam trở thành sức mạnh nội sinh bên trong để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Chiến lược phát triển văn hóa con người Việt Nam là một nhiệm vụ vô cùng trọng đại trong thời đại ngày nay. Bởi vì khi kinh tế đã phát triển, xã hội cũng đã phát triển nhưng con người là chủ thể của lịch sử, chủ thể của văn hóa, là trung tâm của phát triển thì phải quan tâm tới con người, quan tâm tới văn hóa, văn hóa là phẩm chất của con người, văn hóa là trí tuệ hiểu biết, là đạo đức, là trình độ của con người đạt chuẩn mực Chân - Thiện - Mỹ. Đó mới là sức mạnh để chúng ta bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa và xây dựng một chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, ưu việt, đem hạnh phúc đến cho mọi nhà.

PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, tuy xác định “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa động lực phát triển kinh tế xã hội, nhưng trên thực tế, trong suy nghĩ và hành động, không ít tổ chức, cá nhân còn quá thiên lệch về kinh tế, chính trị, coi nhẹ văn hóa, chưa hiểu đầy đủ vai trò, tác dụng của văn hóa, văn nghệ. Quan điểm của ông như thế nào về điều này?

PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng: Thực ra nhận thức về vấn đề này ở địa phương có thể là chưa đồng đều, nhưng về cơ bản thì nhận thức đang thay đổi. Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tại thủ đô Hà Nội tháng 11 năm 2021, tinh thần của hội nghị đã lan tỏa tới các địa phương, tới các đảng bộ, các chi bộ. Rồi từ trung ương đến địa phương, cán bộ, đảng viên chúng ta đã suy nghĩ, nhận thức đầy đủ hơn về sức mạnh của văn hóa và con người. Đó là kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc và cũng là kết quả của cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nhiều phương diện, trong đó có quan điểm, có tư tưởng của Bác về phát triển văn hóa con người.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công bằng xã hội là một định căn bản của quá trình xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”

PGSTS Nguyễn Toàn Thắng Dù ở giai đoạn nào “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”
Lễ hội Tịch điền xuân Quý Mão 2023, một trong lễ hội nông nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa của Hà Nam.

PV: Theo ông, sự phát triển văn hóa của Hà Nam thời gian qua đã thực sự tương xứng với kinh tế chưa?

PGS-TS Nguyễn Toàn Thắng : Câu chuyện này là câu chuyện không riêng của Hà Nam. Nhiều địa phương, nhiều tỉnh cũng chưa có được những cái mong muốn về phát triển văn hóa như chúng ta đã làm về kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế thì phát triển nhưng mà văn hóa chưa phát triển tương xứng với kinh tế. Tôi nghĩ rằng cũng cần suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về vấn đề này,  bởi vì con người làm ra kinh tế. Con người với trí tuệ mẫn tiệp, hiểu biết về các quy luật kinh tế, kinh doanh và sản xuất, giúp cho cộng đồng giàu có về mặt vật chất, đương nhiên đó là sức mạnh của văn hóa rồi.

PGSTS Nguyễn Toàn Thắng Dù ở giai đoạn nào “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”
Người nông dân thôn Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên tham gia lễ hội Tịch điền xuân Quý Mão 2023. 

Chỉ có một số các lĩnh vực văn hóa có thể chưa tương xứng với kinh tế, nhưng mà nói như thế cũng chưa thật rõ. Ví dụ kinh tế thì giàu có, khá hơn rồi nhưng mà tư tưởng, đạo đức, lối sống bị suy thoái, một bộ phận con người trong cộng đồng thôi chứ không thể là tất cả. Song, nếu kinh tế chúng ta đã phát triển rồi, văn hóa phải tương xứng với kinh tế là ở chỗ đại đa số nhân dân, đại đa số con người phải có tư tưởng, đạo đức, lối sống tốt, ứng xử với nhau trong cuộc đời có nghĩa thì đấy chính là cái tương xứng đối với nền tảng kinh tế chúng ta đã có được. Cho nên, phải hiểu rằng kinh tế đã giàu có rồi, phát triển rồi nhưng những điều chúng ta mong muốn về văn hóa trong bối cảnh kinh tế giàu có như thế nó chưa được như ý thôi. Một tỉnh phát triển kinh tế mạnh mẽ như Hà Nam bởi tỉnh đã thu hút đầu tư tốt, có những bước đi táo bạo và làm nên phong cách của một nền kinh tế hiện đại. Tôi nghĩ rằng, đất nước chúng ta phát triển kinh tế hùng mạnh như thế cũng bởi vì con người rất giỏi và văn hóa cũng rất là phát triển đấy. Có điều, đạo đức nó giống như một cái bình pha lê hay một viên ngọc, chỉ cần xước một chút thôi thì lập tức đã bị mất giá, bị phê phán rồi. Nó không giống như cái ô tô, khi bị sứt sẹo cho đi sơn sửa lại thế là xong, nhưng đạo đức con người mà bị nứt vỡ thì làm cho cộng đồng rất là đáng tiếc!

Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy