Hùng tráng, kỳ vĩ và đầy cảm xúc tự hào, đó là cảm nhận của chúng tôi khi đứng trước bức tranh Panorama tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ mới được hoàn thiện tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, bố cục hình tròn, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m; tổng diện tích là 3.225m2, với sự tham gia của hơn 200 họa sĩ đã được trao giải Nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cuối năm 2023, đoàn công tác của Báo Hà Nam đã có mặt tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) để tìm hiểu tư liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền. Sau khi đi thăm một số điểm di tích lịch sử tiêu biểu nằm trong lòng thành phố Điện Biên Phủ, đoàn chúng tôi đã dừng chân tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, nơi đặt bức tranh tròn Panorama có nội dung tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Theo lời thuyết minh của cô Ngô Thùy Dương, hướng dẫn viên bảo tàng thì, đây cũng là bức tranh tròn đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, quy mô lớn nhất Đông Nam Á, là bức tranh lớn thứ 3 trên thế giới, được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2022). Không chỉ mang giá trị về lịch sử mà bức tranh còn là thông điệp về khát vọng hòa bình và được coi là tài sản vô giá, lưu lại những giá trị về lịch sử và truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ với những hình ảnh vô cùng sống động, chúng tôi đã có những giây phút thực sự xúc động và tự hào khi được ngược trở lại thời gian, để hiểu rõ hơn, thấm thía hơn về những gian khổ, hy sinh của quân và dân ta trong suốt chiều dài chiến dịch. Đó là những đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non...”, biết bao người đã anh dũng ngã xuống để có một chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Với chất liệu acrylic trên nền vải toan, được vẽ liên hoàn theo một vòng tròn trong không gian 360 độ, kết hợp nghệ thuật phù điêu và sắp đặt hiện vật, tác phẩm hội họa khổng lồ có chiều dài 132m, cao hơn 20,5m, với phần mái vòm liền kề thể hiện mây, trời đã tạo ra một bức tranh có diện tích bề mặt lên đến 3.225m². Tranh được thể hiện lên toàn bộ bề mặt phía trong của Bảo tàng - tòa nhà hình trụ có đường kính 42m. Bức tranh được đánh giá là một trong những tác phẩm hội họa lớn nhất thế giới vẽ về đề tài chiến tranh.
Theo lời hướng dẫn viên của bảo tàng, chúng tôi được biết, nội dung bức tranh Trận chiến Điện Biên Phủ được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả hình ảnh và sự kiện được kết nối liền mạch theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho mọi người khi đến đây đều có được một cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động. Nếu như trường đoạn 1 là “Toàn dân ra trận” với hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân, quân thồ hàng, trèo đèo lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến, thì trường đoạn tiếp theo là “Khúc dạo đầu hùng tráng” với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, như một đòn đánh phủ đầu vào quân thù, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta. Trường đoạn thứ 3 là “Cuộc đối đầu lịch sử” với hình ảnh hầm hào, dây thép gai, đánh giáp lá cà và hình ảnh quả “bộc phá ngàn cân” phát nổ trên đồi A1, cho thấy sự khốc liệt của chiến trận. Trường đoạn 4 là khung cảnh hào hùng về “Chiến thắng Điện Biên” với những hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh phía bên kia và hình ảnh từng đoàn quân của ta vùng lên với điểm nhấn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.
Sau khi được nghe, xem và thấy, bất kỳ ai đến đây cũng đều có chung một cảm nhận, bức tranh không chỉ mô tả, khắc họa rõ nét chiến dịch “Năm mươi sáu ngày đêm” của quân và dân ta để gửi đến cả thế giới thông điệp về khát vọng hòa bình, độc lập, tự do; dù đội quân xâm lược có hùng mạnh đến như thế nào cũng thất bại trước ý chí và sức mạnh đoàn kết của dân tộc ta. Bạn Nguyễn Oanh, một đồng nghiệp trong đoàn đã xúc động chia sẻ: "Lần đầu tiên đặt chân đến bảo tàng, tôi thực sự choáng ngợp về độ hoành tráng của bức tranh. Bản thân tôi rất xúc động và tự hào, tôi như được sống lại những giây phút tự hào về chiến thắng của quân và dân ta ngày ấy". Anh Trần Văn Toại, Phó Tổng Biên tập Báo Điện Biên, kể rằng: Rất nhiều du khách đến đây, nhất là những người lính Điện Biên năm xưa, đều có chung một cảm xúc rưng rưng khi được chiêm ngưỡng bức tranh. Với nội dung vô cùng ý nghĩa, bằng sự lao động nghệ thuật hết mình của các họa sỹ, bức tranh như làm sống lại thời kỳ chiến đấu hào hùng ấy trong lòng những người lính Điện Biên năm xưa.
Vâng, cho dù Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã lùi xa 70 năm; biết bao người đã hy sinh gửi hồn thiêng vào sông núi, những người còn sống trở về cũng người còn, người mất, song thông qua bức tranh Panorama, những thế hệ hôm nay và mai sau vẫn cảm nhận rõ về cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng rất hào hùng của thế hệ cha ông. Với những hình ảnh chân thực, sống động về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và bức tranh Panorama nói riêng, Bảo tàng Điện Biên Phủ nói chung đã trở thành điểm đến hấp dẫn và là “điểm nhấn” đối với du lịch Điện Biên.
Minh Thu