kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Những thông tin thú vị về người vẽ Quốc huy Việt Nam

Những thông tin thú vị về người vẽ Quốc huy Việt Nam

Theo Điều 13, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc huy là biểu tượng chính thức, thiêng liêng và tự hào của Nhà nước ta. Và chung quanh câu chuyện về tác giả vẽ Quốc huy cũng như hành trình ra đời của biểu tượng thiêng liêng ấy có rất nhiều những tình tiết đặc biệt, thú vị.

Những thông tin thú vị về người vẽ Quốc huy Việt Nam
Họa sĩ Bùi Trang Chước.

Theo các tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia và tài liệu của gia đình, tác giả của tác phẩm hội họa nổi tiếng - Quốc huy Việt Nam là họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992). Họa sĩ Bùi Trang Chước quê ở làng Phú Xá, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội). Năm 1935, theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, năm 1941 ông tốt nghiệp loại xuất sắc và được mời về giảng dạy tại Trường Kiến trúc Đà Lạt. Năm 1942, họa sĩ Bùi Trang Chước được coi là người Việt Nam và cũng là người Đông Dương đầu tiên vẽ tem thư (*). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, họa sĩ Bùi Trang Chước từ Đà Lạt chuyển ra Hà Nội, giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Hà Nội. Do có biệt tài và nổi tiếng về thiết kế và thể hiện đồ họa nên họa sĩ Bùi Trang Chước được tin tưởng giao phó thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ lúc đó, như: vẽ giấy bạc ở Nhà in Ngân hàng (giai đoạn 1951-1952); sáng tác các mẫu huân chương: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công… (Năm 1953)...  

Cũng trong khoảng thời gian này, một số quốc gia trên thế giới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để mở rộng quan hệ với các nước và khẳng định chủ quyền dân tộc thông qua hoạt động ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã có Công văn gửi Ban Thường vụ Quốc hội về việc làm Quốc huy. Thực hiện chủ trương đó, một cuộc thi sáng tác mẫu Quốc huy đã được phát động rộng rãi, thu hút đông đảo giới họa sĩ trong nước gửi tác phẩm tham gia. Bằng tài năng sáng tạo và tinh thần lao động miệt mài, nghiêm túc, họa sĩ Bùi Trang Chước vừa hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ tin tưởng giao phó, vừa tích cực tham gia cuộc thi sáng tạo mẫu Quốc huy. Ông đã có một hành trình sáng tạo hết sức công phu và đầy ấn tượng để có được 112 bản vẽ nghiên cứu, bản vẽ phác họa, bản vẽ chi tiết… về biểu tượng thiêng liêng của đất nước.

Điểm đặc biệt nổi bật trong toàn bộ 112 mẫu vẽ quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước là có rất nhiều chi tiết, hình ảnh đặc trưng của Việt Nam được sử dụng, thể hiện tinh thần tìm tòi nghiên cứu, chọn lọc, cấu tứ hết sức công phu, nghiêm cẩn của họa sĩ, như hình ảnh: bông lúa, con trâu (biểu trưng cho nền sản xuất nông nghiệp), cái đe (biểu trưng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp), cây tre, khu di tích Đền Hùng, Gò Đống Đa, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột… (biểu trưng cho lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam). Từ những nghiên cứu, lựa chọn về hình ảnh biểu tượng và gửi gắm ý tưởng sáng tạo trong 112 mẫu vẽ, họa sĩ Bùi Trang Chước đã hoàn thành 15 bản vẽ mẫu quốc huy chính thức, thể hiện rõ sự đa dạng nhưng thống nhất về ý tưởng để gửi tham dự cuộc thi vẽ mẫu Quốc huy. Tháng 10/1954, từ hơn 300 bức vẽ mẫu quốc huy của các họa sĩ khắp cả nước gửi tham gia cuộc thi, cuối cùng chỉ còn 15 mẫu vẽ của họa sĩ Bùi Trang Chước được lựa chọn trình Chính phủ để xin ý kiến quyết định.

Những thông tin thú vị về người vẽ Quốc huy Việt Nam
Mẫu phác thảo Quốc huy của họa sĩ Bùi Trang Chước được đặt cạnh Quốc huy Việt Nam năm 1956 và Quốc huy Việt Nam ngày nay. Ảnh: anninhthudo.vn

Trong di bút “Tôi vẽ mẫu Quốc huy” của họa sĩ Bùi Trang Chước (viết ngày 26/4/1985), họa sĩ đã nói rõ ý nghĩa mà ông mong muốn gửi gắm trong mẫu biểu tượng thiêng liêng này: “Phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam cuối cùng của tôi hồi đó là trình bày theo hình tròn, hai bên chung quanh là các bông lúa Việt Nam có mấy bông lúa rủ vào bên trong ôm cái đe ở giữa phía dưới, tượng trưng cho công nông nghiệp. Dưới đe là dải lụa sau này có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai đầu dải lụa quấn hai bên bông lúa từ dưới lên mỗi bên hai đoạn. Ở giữa phía trên trong nền là ngôi sao vàng trên nền đỏ. Dưới ngôi sao gần giữa trung tâm nền là vòng cung mặt trời có tia chiếu sáng chung quanh, gợi lên hình ảnh của buổi bình minh. Toàn bộ Quốc huy tôi dùng hai màu vàng và đỏ, khi thực hiện sơn mài là sơn son thếp vàng, màu cổ truyền hoành phi câu đối của dân tộc ta hay dùng. Số mẫu này tôi làm hai bản: Một bản đưa đồng chí Côn để đệ trình lên Bác Hồ và được Bác Hồ góp ý: hình tượng cái đe là thủ công nghiệp cá thể; nên dùng hình tượng tượng trưng cho nền công nghiệp hiện đại. Còn một bản hiện nay tôi vẫn giữ...”. 

Thời gian sau đó, do họa sĩ Bùi Trang Chước phải đảm nhận một nhiệm vụ tuyệt mật của Chính phủ giao phó nên công việc chỉnh sửa, hoàn thiện Quốc huy theo gợi ý của Bác Hồ được giao cho họa sĩ Trần Văn Cẩn thực hiện. Sau khi hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng được giao phó và đặc biệt là hoàn thành ý nguyện sáng tác mẫu Quốc huy - biểu trưng thiêng liêng của đất nước, họa sĩ tài danh Bùi Trang Chước tiếp tục công tác tại Nhà in Ngân hàng, kiêm giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, và là một chuyên gia luôn được tin tưởng giao trọng trách vẽ tiền tại Vụ Phát hành thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tới khi nghỉ hưu (năm 1976).

Ngày 27/2/2004, theo kết luận của Văn phòng Chính phủ (tại Công văn số 42/TB-VPCP): “Việc xây dựng mẫu Quốc huy Việt Nam được thực hiện theo chủ trương của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta. Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới mỹ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện, và họa sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa, hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt”. Tháng 8/2020, nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lần đầu tiên một cuộc triển lãm, trưng bày hơn 200 tài liệu liên quan, trong đó có 112 phác thảo mẫu Quốc huy Việt Nam của họa sĩ Bùi Trang Chước (thực hiện ở Chiến khu Việt Bắc) đã được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giúp đông đảo công chúng hình dung rõ nét hơn về chặng đường ra đời Quốc huy Việt Nam - biểu tượng thiêng liêng của đất nước ta. Với những đóng góp quan trọng đó, họa sĩ Bùi Trang Chước đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất. Ông cũng được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương cao quý - Huân chương ISALA. Tên của họa sĩ Bùi Trang Chước đã được đặt tên cho một con phố thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

__________________________
(*) Hơn 1000 tác phẩm vẽ  mẫu tem thư, Quốc huy, tiền, huân chương, huy chương… của họa sĩ Bùi Trang Chước (sắp xếp theo thời gian sáng tác) hiện đang được lưu trữ và được nhiều lần triển lãm, trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy