Nhà truyền thống huyện Bình Lục - Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa

Xây dựng và tổ chức trưng bày tại Nhà truyền thống huyện Bình Lục là một trong những việc làm nhằm cụ thể hóa các nội dung của Đề án “Phát huy giá trị văn hóa đồng chiêm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025”.

Năm 2021, Nhà truyền thống huyện Bình Lục đã được khởi công xây dựng. Công trình gồm 2 tầng, tầng 2 là hội trường đa năng, tầng dưới gồm có phòng chiếu phim (phim tư liệu và các phóng sự truyền hình về Bình Lục), phòng trưng bày hiện vật, trong đó có nội dung trưng bày về văn hóa, lịch sử địa phương; nông nghiệp cổ truyền; truyền thống cách mạng; thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Hiện tại, Nhà truyền thống huyện Bình Lục đã cơ bản được hoàn thành.

Để Nhà truyền thống huyện Bình Lục ra mắt đúng kế hoạch (dự kiến tháng 9/2023), UBND huyện Bình Lục đã ban hành Kế hoạch sưu tầm và hiến tặng tài liệu, hiện vật phục vụ không gian trưng bày. Phòng Văn hóa Thông tin huyện với sự trợ giúp của phòng Nghiệp vụ Bảo tàng (Bảo tàng tỉnh) thực hiện kế hoạch này. Việc sưu tầm hiện vật đã được triển khai từ tháng 12/2022, tập trung nhiều nhất là vào tháng 6 – 7/2023. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 500 hiện vật đã được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Bình Lục sưu tầm, hiến tặng cho nhà truyền thống.

Nhà truyền thống huyện Bình Lục  Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa
Hội trường đa năng và Nhà truyền thống huyện Bình Lục đang được gấp rút hoàn thiện. Ảnh: Bình Nguyên

Với những hiện vật đã được sưu tầm, có thể phân thành 2 loại, kỷ vật chiến tranh và hiện vật nông nghiệp cổ truyền. Kỷ vật chiến tranh chiếm 1/2 trong số hiện vật đã được sưu tầm, hiến tặng, bao gồm: vũ khí, đồ dùng, vật dụng và trang phục của bộ đội, du kích kháng chiến, đa phần do các cựu chiến binh hiến tặng. Cựu chiến binh Lê Thanh Xuân ở thôn Mỹ Duệ, xã Tràng An là một trong những người hiến tặng nhiều kỷ vật chiến tranh nhất. Ông từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Những kỷ vật của ông gồm những vật dụng được cấp phát, như: tấm vải dù, võng ni lông đôi, ăng gô đựng cơm, bi đông nhôm, ca sắt, áo bạt sĩ quan, ba lô, màn, mũ sắt, bộ quần áo sĩ quan, áo chít gấu; các chiến lợi phẩm thu được của địch là la bàn và dây lưng dù.

Những hiện vật là nông cụ, ngư cụ cũng sưu tầm được khá nhiều. Đây đều là những vật dụng nông cụ thiết yếu của nhà nông trước đây, gồm: cày, bừa, cuốc, xẻng, mai, cối đá lỗ, hòn lăn đá, máy tuốt lúa đạp chân, quạt thóc, dụng cụ rê thóc, ách trâu, quang gánh, bồ cào, bàn trang, liềm hái, câu liêm, gầu sòng, gầu dây, gầu văng, vồ đập đất, rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, mẹt. Bên cạnh những nông cụ là những ngư cụ điển hình của đất đồng chiêm trũng (nơm, rập, vó, đinh ba, trổ, lờ, cần câu, lưỡi câu, thuyền, lưới, giỏ, đó, riu, dậm) là những đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, như: bát, đĩa, mâm gỗ, cối đá xay bột, cối giã, chum, vò, vại, thùng gánh nước, đèn dầu, phích nước và hình ảnh nhân dân tăng gia sản xuất, cày cấy, thu hoạch mùa, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, sản xuất tại các làng nghề truyền thống…

Những hiện vật trên là một phần trưng bày Nhà truyền thống của huyện Bình Lục và nằm trong chủ đề I: Bình Lục – “Hương sắc đồng chiêm”. Trong chủ đề này còn có những tài liệu sưu tầm về các cuốn sách, bài viết về mảnh đất và con người Bình Lục; thư tịch cổ, bản đồ, hương ước, quy ước lưu giữ tại các di tích và địa phương. Hình ảnh các di tích, cổ vật, di vật tiêu biểu, trong đó có những hiện vật phục chế, như: Trống đồng Ngọc Lũ I, trống đồng An Lão, trống đồng Vũ Bị. Những hình ảnh sưu tầm về truyền thống cách mạng và chống giặc ngoại xâm, như: hình ảnh địa điểm, sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Bình Lục; sự kiện đấu tranh, biểu tình, tuần hành của nông dân Bồ Đề; hình ảnh Đảng bộ huyện Bình Lục qua các thời kỳ; những phần thưởng cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng. Hình ảnh sưu tầm về phong tục, tập quán, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, như: hình ảnh các lễ hội tiêu biểu, các nghi thức tế lễ, diễn xướng tại các di tích, các trò chơi dân gian, tục thi đặc sắc…

Nhà truyền thống huyện Bình Lục  Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa
Một số hiện vật là đồ dùng sinh hoạt trong gia đình mới sưu tầm được. Ảnh: Bình Chu

Chủ đề II của phòng trưng bày là những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Các hình ảnh sưu tầm về hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác triển khai dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế trang trại, cơ giới hóa nông nghiệp, hình ảnh các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoạt động của các làng nghề truyền thống. Những sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủ công, thực phẩm đặc trưng, chất lượng cao của huyện Bình Lục.

Cùng với khu vực trưng bày theo chủ đề, khu trưng bày chuyên đề với nội dung sưu tầm về truyền thống khoa bảng huyện Bình Lục, bao gồm sưu tầm các cuốn sách, bài viết về truyền thống khoa bảng huyện Bình Lục; lễ vinh quy bái tổ, nhập trường thi, thi cử của các nhà khoa bảng: Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến, Quận công Trần Như Lân; hình ảnh các di tích, văn từ, văn chỉ, như: Từ đường Nguyễn Khuyến, Từ đường Quận công Trần Như Lân, văn từ Phủ Vũ, văn từ Cát Lại… Sưu tầm hình ảnh chân dung các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo nhân dân, văn nghệ sĩ, nhà báo tiêu biểu là người Bình Lục; hình ảnh tuyên dương giáo viên, học sinh giỏi, hình ảnh một số trường học tiêu biểu trên địa bàn huyện.

Có thể thấy, những hiện vật và hình ảnh trưng bày trong Nhà truyền thống của huyện Bình Lục khá đầy đủ, phong phú về mọi mặt, cả xưa và nay, truyền thống và hiện đại. Ông Phạm Minh Khánh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết: Tháng 8 này, phòng sẽ tổ chức trưng bày hiện vật tại Nhà truyền thống; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sưu tầm, hiến tặng các tài liệu, hiện vật; tiếp nhận, bảo quản và trưng bày đúng theo quy định. Nhà truyền thống huyện được xây dựng với mục đích bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống của quê hương, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây còn là cơ sở để phát triển thành Bảo tàng Đồng chiêm sau này, nhằm kết nối văn hóa địa phương và phát triển du lịch.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy